Công văn nêu rõ: Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vị trí tâm bão số 3 (bão Yagi) đang ở trên vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (từ 89 đến 102km/giờ), giật cấp 12.

leftcenterrightdel

Dự báo đường đi của bão số 3. Ảnh: thanglong.chinhphu.vn 

Hồi 7 giờ ngày 5-9, tâm bão tại vị trí 19 độ vĩ Bắc, 115,8 độ kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 520km về phía Đông với cường độ cấp 15, giật cấp 17 (tăng 7 cấp so với thời điểm vào Biển Đông). Dự báo bão số 3 di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 10-15km/giờ, tiếp tục mạnh lên đạt cường độ mạnh nhất cấp 16, giật trên cấp 17 trên vùng biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc); rủi ro thiên tai cấp độ 4 với phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông từ ngày 5 đến 7-9.

Khoảng chiều tối 7-9, bão đổ bộ vào đất liền Bắc Bộ (từ Quảng Ninh đến Ninh Bình); mưa từ đêm 6 đến sáng 9-9, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng phổ biến từ 100 đến 300mm, có nơi trên 500mm. 

Thực hiện Công điện số 1170/CĐ-BGDĐT ngày 4-9-2024 của Bộ GD&ĐT; Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 4-9-2024 của UBND Thành phố về việc chủ động ứng phó bão số 3, để chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó kịp thời, khẩn trương, hiệu quả với bão số 3 và các ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai cực đoan có thể xảy ra trong thời gian tới, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị Trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã; Giám đốc các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và Hiệu trưởng các trường trực thuộc Sở tập trung triển khai thực hiện 5 nội dung:

Thứ nhất, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và thành phố trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; thường xuyên theo dõi chặt chẽ các tin cảnh báo, dự báo và diễn biến thời tiết, thiên tai để chủ động phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố. 

Thứ hai, căn cứ tình hình thời tiết, thiên tai chủ động rà soát sẵn sàng các kế hoạch, triển khai các phương án ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với điều kiện nhà trường; rà soát hệ thống cây xanh trong khuôn viên nhà trường; nếu phát hiện những cây lâu năm có nguy cơ gãy, đổ thì phải báo cáo để xử lý kịp thời; trường hợp chưa thực hiện ngay được thì phải có cảnh báo nguy hiểm và liên hệ ngay với cơ quan chuyên môn để được xử lý trong thời gian sớm nhất. 

Thứ ba, có phương án và kịp thời di dời tài sản, máy móc, thiết bị, bàn ghế, hồ sơ, sách vở đến nơi an toàn đảm bảo không hư hại, hỏng hóc, mất mát, hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra. 

Thứ tư, chủ động vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi có thiên tai, sự cố xảy ra; dọn dẹp vệ sinh trường lớp ngay sau mưa bão, đảm bảo an toàn, sạch sẽ; phòng, chống dịch bệnh. 

Thứ năm, Sở GD&ĐT đề nghị các đơn vị thường xuyên cập nhật thông tin, tổng hợp thiệt hại và lên phương án xử lý khắc phục, đồng thời báo cáo về Sở GD&ĐT.

TẠ TUẤN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.