Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Văn Linh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, trong năm 2021, số sinh viên tốt nghiệp làm đúng ngành đào tạo là 56%, số còn lại là chỉ liên quan đến ngành đào tạo (25%), thậm chí không liên quan đến ngành đào tạo (19%).

Ông Bùi Văn Linh phát biểu tại hội thảo. 

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong quý II năm 2022, xu hướng tuyển dụng của thị trường lao động đối với nhân lực trình độ đại học là 49,7%, cao đẳng và trung cấp là 30,5% trong khi nhu cầu của người tìm việc có trình độ đại học là 61,1%, cao đẳng và trung cấp là 33%...

Các con số thống kê cho thấy có sự chênh lệch đáng kể giữa cung và cầu lao động cả về cơ cấu trình độ và chuyên môn đào tạo. Điều này phần nào phản ánh những bất cập trong công tác hướng nghiệp, phân luồng trong các cơ sở giáo dục cũng như quá trình tự định hướng và lựa chọn nghề nghiệp của người học.

Chính vì thế, hội thảo được tổ chức với mục đích góp phần nâng cao nâng cao nhận thức của các cơ sở giáo dục, học sinh, sinh viên và cộng đồng cũng như vai trò của từng chủ thể trong công tác hướng nghiệp, phân luồng; đồng thời, đưa ra một số giải pháp, cung cấp bộ công cụ hỗ trợ hướng nghiệp cho từng đối tượng chủ thể nhằm góp phần thúc đẩy công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.

Một đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo. 

Tại hội thảo, trên cơ sở thực tiễn và hiện trạng, các chuyên gia đã cho ý kiến và tập trung thảo luận về hoạt động đổi mới công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh tại Việt Nam; mô hình hướng nghiệp trong nhà trường nhìn từ Việt Nam và bước ra thế giới; giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động trong nhà trường; gợi mở bộ công cụ hỗ trợ phụ huynh đồng hành cùng con và phát triển hoạt động hướng nghiệp trong gia đình và giải pháp để gắn kết gia đình - nhà trường - người học - người lao động và doanh nghiệp.

Các chuyên gia cũng chỉ ra những lỗ hổng kiến thức, sai lầm thường gặp khi mỗi cá nhân chưa hiểu đúng và đủ về hướng nghiệp. Từ đó, gợi mở các công cụ hỗ trợ cá nhân thiết lập hành trình nghề nghiệp phù hợp với đặc điểm sở thích, sở trường, tính cách, khả năng, năng lực,... của bản thân và bắt nhịp với nhu cầu của thị trường lao động.

Các đại biểu dự hội thảo. 

Tại hội thảo, VitanEdu cũng trao tặng các gói tài trợ học tập, bộ công cụ hướng nghiệp tới các trường, với mong muốn góp phần thúc đẩy công tác giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên, giúp các em được hỗ trợ tốt hơn trong định hướng lựa chọn ngành/nghề, trường đào tạo phù hợp với năng lực bản thân và đáp ứng nhu cầu xã hội, cơ hội nghề nghiệp - việc làm sau khi tốt nghiệp.

Tin, ảnh: TUẤN SƠN