Nghiên cứu được nhóm các nhà khoa học từ Đại học Chicago và Đại học Northwestern công bố trên tạp chí Science Advances đề xuất sử dụng các hạt nano nhân tạo, có kích thước tương tự như kim tuyến thương mại, được làm từ sắt hoặc nhôm. Các hạt này sẽ được bơm vào khí quyển sao Hỏa để bẫy nhiệt thoát ra và phản xạ ánh sáng mặt trời về bề mặt hành tinh, tăng cường hiệu ứng nhà kính tự nhiên.
|
|
Các nhà khoa học đã nhiều năm tìm hiểu về sự sống trên sao Hỏa. Ảnh minh họa: NASA
|
Tiến sĩ Edwin Kite, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Chicago, giải thích: "Phương pháp này có thể hiệu quả hơn so với các ý tưởng trước đây về việc giải phóng khí nhà kính, vốn đòi hỏi nhiều tài nguyên khan hiếm trên sao Hỏa".
Mục tiêu của dự án là tăng nhiệt độ bề mặt sao Hỏa lên khoảng 28°C trong vòng một thập kỷ. Hiện tại, nhiệt độ trung bình trên bề mặt sao Hỏa là khoảng -65°C, khiến việc tồn tại nước ở dạng lỏng trên bề mặt là bất khả thi.
Chuyên gia Samaneh Ansari tại Đại học Northwestern và là tác giả chính của nghiên cứu đề xuất, việc liên tục thả các hạt nano hình que vào khí quyển với tốc độ khoảng 30 lít mỗi giây trong nhiều năm. "Chúng tôi có thể vận chuyển công cụ sản xuất đến sao Hỏa và tạo ra các hạt nano tại chỗ, vì sắt và nhôm có sẵn trên bề mặt hành tinh", Ansari nói.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng thận trọng về những hậu quả không mong muốn có thể xảy ra khi can thiệp vào môi trường của một hành tinh khác. Họ nhấn mạnh rằng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng cả lợi ích và rủi ro tiềm ẩn của việc làm ấm sao Hỏa, đặc biệt là trong trường hợp hành tinh này có thể chứa đựng sự sống dưới dạng vi sinh vật.
Mặc dù chỉ là bước đầu tiên và chưa đủ để biến sao Hỏa thành nơi có thể sinh sống được cho con người, phương pháp này mở ra khả năng thực tế hóa ý tưởng cải tạo môi trường sao Hỏa. Nghiên cứu này có thể đóng góp vào việc định hình các chiến lược khám phá sao Hỏa trong tương lai, đặc biệt là trong bối cảnh NASA đang lên kế hoạch đưa con người lên sao Hỏa trong những thập kỷ tới.
Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng phát hiện mới sẽ khuyến khích cộng đồng khoa học và công chúng tiếp tục khám phá ý tưởng thú vị này, đồng thời thảo luận về các khía cạnh đạo đức và thực tiễn của việc cải tạo một hành tinh khác cho mục đích của con người.
TTXVN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.