Tại hội thảo, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp thực hiện Nghị quyết 57 một cách hiệu quả, thực chất, gắn với thế mạnh và nhu cầu phát triển của nhà trường và Thủ đô.

Đồng thời, đề xuất các nhóm nhiệm vụ và giải pháp mang tính chiến lược và đột phá để tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và tổ chức đảng tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trong triển khai Nghị quyết 57, đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức, hành động và đổi mới phương thức quản trị nhà trường phù hợp với yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển mô hình liên kết hiệu quả giữa Nhà nước - doanh nghiệp - trường đại học - khu công nghệ cao, trong đó, đại học giữ vai trò trung tâm tri thức.

 Các đại biểu tham dự hội thảo. 

GS, TS Lê Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm lớn về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của cả nước. Để đạt điều này, cần có một mô hình phát triển mới, trong đó lấy tri thức dẫn dắt, công nghệ làm nền, con người làm gốc và chính sách làm đòn bẩy.

Theo đó, Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất bốn cơ chế chiến lược, gồm: Cơ chế đặt hàng đối với các chương trình nghiên cứu chiến lược, trọng điểm của Thủ đô; thành lập liên minh đổi mới sáng tạo nhằm phát huy sức mạnh tập thể của các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn thành phố; xây dựng cơ chế thử nghiệm công nghệ đô thị tại các khu công nghệ cao, khu công nghiệp tại Hà Nội; thành lập quỹ đổi mới sáng tạo Hà Nội theo hình thức Nhà nước đầu tư - doanh nghiệp vận hành.

GS, TS Lê Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu tại hội thảo. 

Hiện nay, khoảng cách giữa kết quả đào tạo, nghiên cứu và nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, vẫn là một trong những thách thức lớn. Theo đồng chí Vũ Xuân Hùng, Trưởng ban Quản lý khu công nghệ cao và khu công nghiệp TP Hà Nội, Ban Quản lý xác định đây là khâu cần có sự đột phá nhằm tháo gỡ để mang lại lợi ích cho các nhà khoa học, doanh nghiệp.

“Mục tiêu đặt ra là đưa Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trở thành trung tâm hội tụ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, một môi trường mở, nơi mọi ý tưởng, sáng kiến công nghệ từ phòng thí nghiệm đều có cơ hội thử nghiệm, hoàn thiện và đưa vào ứng dụng thực tiễn, bảo đảm quyền lợi giữa nhà sáng tạo và cộng đồng thụ hưởng”, đồng chí Vũ Xuân Hùng cho biết.

Bên cạnh đó, cần chú trọng giải quyết nhu cầu việc làm của sinh viên, đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp về nhân lực, Ban Quản lý sẽ đóng vai trò trung gian, cầu nối giữa nhà trường và doanh nghiệp; thường xuyên, định kỳ thực hiện khảo sát, có đầu mối tiếp nhận thông tin nhu cầu nhân lực để chuyển thông tin này tới các trường đại học, cao đẳng phù hợp; đề xuất chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khi tham gia phối hợp đào tạo, tuyển dụng nhân lực ngành khoa học, kỹ thuật.

Tin, ảnh: HOÀNG CHUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.