Kỳ thi này sẽ diễn ra trong 3 đợt, tổ chức vào cuối tuần và mỗi đợt có từ 3 đến 4 kíp thi tại 30 địa điểm khác nhau. Đáng chú ý, ngoài các điểm thi trước đây, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ mở thêm điểm thi mới để hỗ trợ các em học sinh ở các tỉnh vùng Tây Bắc (điểm thi tại tỉnh Lào Cai). Theo đó, kỳ thi có thể đáp ứng cho khoảng 75.000 lượt thi.

Kế hoạch tổ chức thi TSA.

Cấu trúc bài thi TSA năm 2025 giữ nguyên như năm 2023 và 2024, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Bài thi gồm 3 phần: Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút). Mỗi phần đều độc lập và chú trọng đánh giá khả năng tư duy của thí sinh thay vì kiểm tra kiến thức cụ thể. Thí sinh sẽ thi trắc nghiệm trên máy tính, với kết quả có hiệu lực trong 2 năm, phục vụ cho tuyển sinh đại học.

Đại học Bách khoa Hà Nội cũng ứng dụng nhiều công nghệ khảo thí tiên tiến như tạo câu hỏi chuẩn hóa, lý thuyết cầu, chấm thi theo mô hình IRT và check-in tự động qua thẻ căn cước công dân tích hợp hệ thống quản lý dữ liệu cá nhân để ngăn chặn gian lận.

Cấu trúc chi tiết của Bài thi TSA.

Trong năm 2024, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức 6 đợt thi với 30 điểm thi mỗi đợt, tại Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, thu hút gần 50.000 lượt thi và 21.000 thí sinh. Hơn 50 trường đại học đã sử dụng kết quả này cho tuyển sinh năm học 2024-2025.

Để hỗ trợ thí sinh chuẩn bị, Đại học Bách khoa Hà Nội đã biên soạn "Cẩm nang thi Đánh giá tư duy TSA," dự kiến phát hành vào ngày 11-11 sắp tới tại Nhà xuất bản Bách Khoa.

KHÁNH HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.