Đây là một trong 10 hội thảo chuyên đề thuộc khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 lần thứ ba (Industry Summit 4.0) với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp chuyên môn cùng các bộ, ngành liên quan, Tập đoàn IEC là đơn vị tổ chức sự kiện.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, trong xu thế đô thị hóa và phát triển ĐTTM ngày càng gia tăng, việc phát triển ĐTTM được Việt Nam xác định là một hướng đi đúng đắn cho các đô thị.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: THÀNH TRUNG

Định hướng phát triển ĐTTM là một trong những nội dung quan trọng được Bộ Chính trị đưa vào Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII về đường lối phát triển đất nước trong giai đoạn tới cũng đặt mục tiêu hình thành một số chuỗi ĐTTM tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung, từng bước kết nối với mạng lưới ĐTTM trong khu vực và thế giới.

Ngày 1-8-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030. Đến nay, trên cả nước có 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển ĐTTM, trong đó có đề án, kế hoạch được ban hành cho toàn tỉnh và ban hành cho một đô thị thuộc tỉnh.

Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, việc triển khai ĐTTM tại Việt Nam vẫn gặp một số khó khăn. Trước hết là nhận thức về ĐTTM từ nhu cầu của nhà quản lý (lãnh đạo ở địa phương), nhu cầu cung cấp sản phẩm của cộng đồng doanh nghiệp/chủ đầu tư hay từ nhu cầu thụ hưởng các dịch vụ của người dân chưa được nâng cao.

Tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch ĐTTM và hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc thông minh chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ. Sự tham gia của cộng đồng, các thành phần kinh tế trong xây dựng ĐTTM còn hạn chế; việc triển khai còn riêng lẻ, manh mún; chưa mang tính đặc thù cho mỗi đô thị. Nguồn lực cho phát triển ĐTTM bao gồm cả nguồn vốn và nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: THÀNH TRUNG

Chia sẻ tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, hiện nay, Việt Nam có 870 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại 1, còn lại là loại 2, 3, 4. Việt Nam không thể áp dụng đồng loạt ĐTTM cho 870 đô thị mà cần thực hiện trước ở một số đô thị. Để làm được điều này, nội hàm và tiêu chí ĐTTM ở Việt Nam cần được lượng hóa về áp dụng kỹ thuật số, công nghệ số trong quy hoạch, phát triển đô thị. Hiện nay, Bộ Xây dựng đã giao Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia nghiên cứu, đưa ra quy chuẩn phù hợp với điều kiện của Việt Nam để đạt được tiêu chí ĐTTM.

Việc xây dựng ĐTTM cần có lộ trình, trong đó, Bộ Xây dựng dự kiến, đến năm 2025 sẽ có ít nhất 3 đô thị từ loại 2 trở lên thực hiện quy hoạch ĐTTM, 6 đô thị có đề án tổng thể phát triển ĐTTM. Đến năm 2030 sẽ hình thành chuỗi ĐTTM ở khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam, lấy Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ là hạt nhân và đến năm đến 2045, đa số đô thị loại 2 trở lên đạt được tiêu chí cơ bản về ĐTTM.

MẠNH HƯNG