Những năm gần đây, Việt Nam đã tiếp cận và thúc đẩy sự hình thành các đô thị thông minh với nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế, mở ra hướng phát triển, giải quyết tồn tại, bất cập nội tại của các đô thị. Trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã nêu rõ yêu cầu về việc phát triển đô thị thông minh tại nước ta trong giai đoạn tới.

1. Thực tiễn xây dựng và ứng dụng các giải pháp đô thị thông minh tại các đô thị trên thế giới đã đem lại những hiệu quả tích cực về nhiều mặt. Như, ứng dụng giao thông thông minh tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển vào giờ cao điểm đã giúp giảm lưu lượng giao thông 20%, giảm thời gian đi lại gần 50%, giảm phát khí thải 10%. Ứng dụng quản lý cấp nước thông minh ở TP Mumbai (Ấn Độ) giảm tỷ lệ nước thất thoát từ 50% (so với mức trung bình thế giới là 34%) xuống còn một nửa. Các giải pháp tòa nhà thông minh tại Mỹ tiết kiệm đến 30% lượng nước tiêu thụ, 40% năng lượng, giảm 10-30% tổng chi phí vận hành... Đến nay, việc phát triển đô thị thông minh đã trở thành xu hướng rộng khắp trên thế giới. Một số quốc gia đã rất tích cực thúc đẩy phát triển đô thị thông minh, như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Hà Lan, Singapore... Đặc biệt, từ năm 2018, Mạng lưới Đô thị thông minh ASEAN được thành lập với 3 mục tiêu lớn là: Mức sống cao, nền kinh tế cạnh tranh và môi trường tự nhiên bền vững.

Đứng trước xu hướng này, Việt Nam hiện có 3 thành phố tham gia Mạng lưới Đô thị thông minh ASEAN là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Diễn đàn cấp cao Đô thị thông minh ASEAN năm 2020 được tổ chức tại Hà Nội ngày 22-10 cho thấy, Việt Nam đã có nhiều chính sách và nỗ lực phát triển đô thị thông minh với vai trò là thành viên của Mạng lưới Đô thị thông minh ASEAN. Việt Nam coi xây dựng đô thị thông minh là một trong 3 nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Phát triển đô thị thông minh bền vững đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 bắt đầu từ quy hoạch thông minh gắn với quản lý thông minh, cung cấp tiện ích thông minh, tạo thuận lợi cho các giao dịch giữa chính quyền/nhà quản lý-người dân-nhà đầu tư. Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. 

Theo đồng chí Phạm Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, bài toán của phát triển đô thị hiện nay là giải quyết được các vấn đề tăng trưởng đô thị bền vững, có bản sắc trong khi vẫn bảo vệ được nguồn tài nguyên và các hệ sinh thái tự nhiên. Xây dựng đô thị thông minh dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ đang trở thành xu hướng toàn cầu khi bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; qua đó, giúp xử lý các thách thức trong phát triển của đô thị một cách thông minh hơn. Với vai trò, chức năng được giao về xây dựng và phát triển đô thị, Bộ Xây dựng đã có nhiều nghiên cứu về xu hướng phát triển của thế giới, các bài học thực tiễn, vai trò và đánh giá khả năng áp dụng của đô thị thông minh tại Việt Nam để thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị thông minh. Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Quyết định 950). Những nền tảng pháp luật gồm các văn bản quy phạm, các cơ chế chính sách phát triển đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam đã liên tục được rà soát, hoàn thiện. Song song với sự nỗ lực của các cơ quan Trung ương và bộ, ngành, nhiều địa phương đã chủ động bắt tay ngay vào triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. Cụ thể đã có 38/63 tỉnh, thành phố triển khai đề án. Các địa phương duy trì chế độ báo cáo định kỳ hằng năm tình hình thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng và phát triển đô thị thông minh tại địa phương. Qua rà soát cho thấy, các địa phương đang có những chuyển đổi về cơ chế, đầu tư để từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu, tiến tới giải quyết 3 trụ cột về: Quy hoạch thông minh, quản lý thông minh và cung cấp dịch vụ thông minh.

2. Tuy nhiên, có thể thấy, việc phát triển đô thị thông minh cũng đi kèm những thách thức đã được chỉ ra như: Nguồn tài chính lớn để đầu tư đồng bộ, duy trì hệ thống; an toàn bảo mật thông tin, bị xâm nhập và can thiệp mất quyền kiểm soát; gia tăng rủi ro tác động bất lợi có tính dây chuyền khi có biến động toàn cầu do sự gia tăng kết nối sâu rộng; rủi ro về sự biến đổi của các mối quan hệ xã hội và các giá trị truyền thống do tác động trái chiều của môi trường sống quá phụ thuộc vào công nghệ. Ngoài ra, còn là nguy cơ dôi dư lao động do gia tăng tự động hóa. Bên cạnh đó, đô thị thông minh không chỉ đơn thuần là đô thị ứng dụng công nghệ thông tin mà bản chất của nó phải là sự liên kết, chia sẻ và tích hợp thông tin, phát triển đô thị theo chiều sâu, đòi hỏi những thay đổi lớn về tư duy quản lý đô thị.

3. Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nêu định hướng, xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, đô thị thông minh, đa dạng về loại hình, có bản sắc đặc trưng về kiến trúc, văn hóa ở từng địa phương. Cùng với đó, dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 cũng chỉ ra, cần hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới. Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 cũng đề ra việc đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá về quy hoạch và đầu tư xây dựng đô thị phù hợp với xu hướng phát triển đô thị thông minh, xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên và nguồn lực. Phấn đấu có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.

Qua việc đề cập đến phát triển đô thị thông minh tại 3 dự thảo văn kiện trên, có thể thấy việc đưa đô thị thông minh vào chiến lược phát triển vẫn còn hạn chế, chưa cụ thể, chưa thể hiện được tầm quan trọng trong việc xây dựng, phát triển đô thị hiện đại, văn minh. Theo đó, để việc phát triển đô thị thông minh tại nước ta bắt nhịp với sự phát triển của các đô thị tiên tiến trên thế giới, Đại hội XIII của Đảng sắp tới cần có đánh giá, chiến lược cụ thể hơn trong phát triển đô thị thông minh để đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt. Cần nêu rõ vai trò của chính quyền và thể chế dẫn dắt, thúc đẩy và định hướng để bảo đảm quá trình xây dựng đô thị thông minh sẽ đóng góp toàn diện vào mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao trong thời gian tới. Từ những định hướng cụ thể, các cấp, các ngành sẽ triển khai những nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế, chính sách; năng lực quản lý nhà nước về đô thị thông minh cho tới những giải pháp hỗ trợ thiết thực, qua đó phục vụ cho công tác quản lý, giải quyết các thách thức đặt ra đối với tiến trình đô thị hóa, tạo động lực phát triển cho địa phương và vùng.

NGUYỄN VŨ