Kiểm định chất lượng giáo dục theo chuẩn quốc gia, quốc tế

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng, GS, TS Trần Xuân Nam, Phó giám đốc Học viện KTQS cho biết, KĐCL giáo dục nhằm các mục đích: Bảo đảm và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục; xác nhận mức độ đáp ứng mục tiêu đề ra của CSGD và chương trình đào tạo (CTĐT) trong từng giai đoạn nhất định; làm căn cứ để CSGD giải trình về thực trạng chất lượng giáo dục. Cuối cùng, KĐCL giáo dục tạo cơ sở để người học lựa chọn CSGD và CTĐT, để nhà tuyển dụng tuyển chọn nhân lực... Xác định được tầm quan trọng của công tác KĐCL giáo dục, nhất là trước xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, Học viện KTQS đã chủ động triển khai sớm công tác KĐCL giáo dục theo chuẩn quốc gia và quốc tế.

Kiểm định CLGD là quá trình đánh giá CSGD và CTĐT theo chuẩn quốc gia, quốc tế. Quy trình KĐCL giáo dục gồm 4 bước: Tự đánh giá; đánh giá ngoài, đánh giá lại (nếu có); thẩm định kết quả đánh giá; công nhận đạt tiêu chuẩn CLGD. Thời gian qua, bước “tự đánh giá” đã được Học viện KTQS thực hiện tốt theo chuẩn quốc gia, quốc tế với những kết quả bước đầu tích cực.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, từ năm 2009, Học viện KTQS đã tiến hành tự đánh giá CSGD lần thứ nhất. Năm 2014, Học viện tiếp tục tự đánh giá lần thứ hai sau chu kỳ 5 năm, được Bộ Quốc phòng tổ chức đánh giá đồng cấp và là một trong những trường đạt kết quả tốt nhất trong khối các nhà trường Quân đội. Năm 2020, Học viện KTQS tiến hành tự đánh giá lần thứ ba. Theo đó, Học viện đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá vào tháng 3-2021 và xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng sau tự đánh giá theo đúng quy định. Đây là những nội dung cần thiết để Học viện KTQS tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo (GD-ĐT), sẵn sàng phục vụ công tác KĐCL giáo dục theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng.

leftcenterrightdel
Phiên họp thông qua báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo thạc sĩ kỹ thuật xây dựng của Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt (Học viện Kỹ thuật Quân sự).  Ảnh: NGUYỄN LỘC 

 

Cùng với tự đánh giá CSGD, Học viện KTQS đã chủ động tổ chức tự đánh giá 33 CTĐT, gồm 24 CTĐT hệ đại học và 9 CTĐT hệ sau đại học theo bộ tiêu chuẩn của mạng lưới các trường đại học hàng đầu khu vực Đông Nam Á (AUN) và theo bộ tiêu chuẩn trong nước quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. “Công tác KĐCL giáo dục luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện, đã dần đi vào nền nếp. Kết quả qua 3 lần tự đánh giá Học viện và tự đánh giá 33 CTĐT đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo tại trường”, Thiếu tướng, GS, TS Trần Xuân Nam nhấn mạnh.

Tìm hướng đánh giá ngoài phù hợp

Hoạt động KĐCL giáo dục ở nước ta đã và đang phát triển mạnh mẽ, dần trở thành yếu tố bắt buộc trong hoạt động đào tạo và hợp tác quốc tế của các CSGD. Tính đến ngày 31-7-2023, theo thống kê của Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cả nước đã có 262 CSGD (240/300 trường đại học và 22/424 trường cao đẳng) được kiểm định trong nước, 9 đại học và trường đại học được kiểm định quốc tế; 1.231 CTĐT (1.218 CTĐT/153 trường đại học và 13 CTĐT/13 trường cao đẳng) được kiểm định trong nước, 399 CTĐT/57 trường đại học được kiểm định quốc tế... Đề án quy hoạch phát triển Học viện KTQS đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định phấn đấu đến năm 2025, Học viện đạt các tiêu chí về đào tạo sau đại học và khoa học công nghệ của trường đại học nghiên cứu, đến năm 2027 được công nhận là trường đại học nghiên cứu. Theo quy định, tiêu chí đầu tiên và bắt buộc để Học viện KTQS được công nhận trường đại học nghiên cứu là phải đạt chuẩn KĐCL giáo dục. Bởi vậy, Học viện KTQS cần phải được đánh giá ngoài trước năm 2027 thì mới có thể hoàn thành mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, việc đánh giá ngoài còn gặp khó khăn, chưa thực hiện được do các quy định về bảo vệ bí mật quân sự.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên, Thiếu tướng, GS, TS Trần Xuân Nam mong muốn Bộ GD-ĐT và Bộ Quốc phòng sớm thành lập trung tâm KĐCL giáo dục trực thuộc Bộ Quốc phòng để thực hiện đánh giá ngoài đối với các học viện, nhà trường Quân đội. Mặt khác, Học viện KTQS đang từng bước giải trình và báo cáo các cơ quan chức năng cho phép tham gia đánh giá ngoài CSGD và các CTĐT, trước mắt là một số CTĐT lưỡng dụng một cách phù hợp; đồng thời, khắc phục sớm những bất cập như hiện chưa có mục chi, định mức chi, dẫn đến các nhà trường Quân đội chưa có kinh phí dành cho những hoạt động bảo đảm chất lượng nói chung, hoạt động tự đánh giá chất lượng CSGD và CTĐT nói riêng...

PHƯƠNG HIỀN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.