Để hiểu rõ hơn những đóng góp này và yêu cầu nhiệm vụ đối với ĐNNG Quân đội trong thời gian tới, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11).
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, đâu là nét nổi bật về chất lượng và những đóng góp của ĐNNG Quân đội đối với sự nghiệp giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) trong Quân đội nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian qua?
Thiếu tướng, TS Nguyễn Văn Oanh: Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Quân ủy Trung ương (QUTƯ), thủ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP) và cấp ủy, chỉ huy các cấp cũng như sự cố gắng, nỗ lực của các nhà trường Quân đội, công tác xây dựng ĐNNG, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng GD-ĐT của các nhà trường Quân đội. Trình độ học vấn, tỷ lệ qua thực tế đơn vị, qua đào tạo giáo viên, bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm của ĐNNG, cán bộ quản lý giáo dục ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu đào tạo của các cấp học, bậc học, thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, quản lý, rèn luyện các thế hệ học viên. Trong sự trưởng thành của hệ thống nhà trường Quân đội có sự đóng góp to lớn của ĐNNG, cán bộ quản lý giáo dục.
 |
Thiếu tướng, TS Nguyễn Văn Oanh. Ảnh: CHÍ HÒA |
Cùng với nhiệm vụ giảng dạy, ĐNNG, cán bộ quản lý giáo dục từng bước tiếp cận sự phát triển của khoa học, công nghệ và yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới; tăng cường sử dụng trang thiết bị dạy học hiện đại. Đã nghiên cứu thành công hàng trăm đề tài khoa học từ cấp Nhà nước đến cấp cơ sở; biên soạn hàng nghìn giáo trình, tài liệu; góp phần phát triển khoa học, công nghệ quân sự và nâng cao chất lượng đào tạo trong các nhà trường, cung cấp những luận cứ quan trọng trong hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
PV: Những kết quả trên cho thấy điều gì, thưa đồng chí?
Thiếu tướng, TS Nguyễn Văn Oanh: Kết quả đó cho thấy sự nỗ lực của ĐNNG cũng như sự quan tâm, chăm lo của QUTƯ, BQP, như chỉ đạo các cơ quan, đơn vị ưu tiên xây dựng nhà công vụ để nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục yên tâm công tác. BQP đã thực hiện chế độ hỗ trợ đối với các nhà giáo có chức danh khoa học giáo sư, phó giáo sư và trình độ tiến sĩ; hằng tháng được hỗ trợ: 1,7; 1,5 và 1,0 mức lương cơ bản theo Quyết định số 2826/QĐ-BQP ngày 6-8-2010 (hiện nay được thay thế bằng Quyết định số 1487/QĐ-BQP ngày 5-5-2017). Hằng năm, các nhà giáo đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, giảng viên dạy giỏi, giáo viên dạy giỏi đều được khen thưởng và tôn vinh kịp thời; các học viện, nhà trường luôn quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục làm việc và cống hiến.
Để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về xây dựng ĐNNG, cán bộ quản lý giáo dục được xác định trong Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20-12-2022 của QUTƯ về đổi mới công tác GD-ĐT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới, Đề án “Xây dựng ĐNNG, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo” đã được Thường vụ QUTƯ quyết nghị, Bộ trưởng BQP phê duyệt tại Quyết định số 3525/QĐ-BQP ngày 3-8-2023. Đây là một minh chứng về sự quan tâm của QUTƯ, BQP đối với ĐNNG Quân đội trong giai đoạn hiện nay.
 |
Thực hành xung phong đánh chiếm mục tiêu trong diễn tập chiến thuật của học viên khóa 88, Trường Sĩ quan Lục quân 1. Ảnh: TRỌNG ĐỨC |
PV: Thưa đồng chí, bên cạnh những thuận lợi, sự quan tâm của QUTƯ, BQP thì ĐNNG Quân đội đang gặp phải những khó khăn gì?
Thiếu tướng, TS Nguyễn Văn Oanh: Nhìn nhận một cách thẳng thắn có thể thấy, một số học viện, nhà trường chưa quan tâm đúng mức đến công tác quy hoạch, tạo nguồn, bồi dưỡng ĐNNG, cán bộ quản lý giáo dục, lực lượng kế cận mỏng. Chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục hiện nay còn có những nội dung chưa phù hợp với đặc thù lao động sư phạm quân sự. Chính sách đãi ngộ đối với Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ; chính sách thu hút người tài giỏi vào giảng dạy trong Quân đội và một số chế độ đãi ngộ khác chưa thật đồng bộ, thống nhất, tùy thuộc chủ yếu vào điều kiện và khả năng của mỗi học viện, nhà trường. Điều kiện sinh hoạt, trang thiết bị phục vụ giảng dạy của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục chưa được cải thiện nhiều, ở một số nhà trường còn khó khăn.
PV: Yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với ĐNNG Quân đội thời gian tới như thế nào, thưa đồng chí?
Thiếu tướng, TS Nguyễn Văn Oanh: Đề án “Xây dựng ĐNNG, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo” xác định: Xây dựng ĐNNG, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội đạt chuẩn theo quy định của Nhà nước và BQP; có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, ý thức tổ chức kỷ luật tốt; có trình độ cao, kiến thức tiên tiến, năng lực toàn diện; tác phong, phương pháp giảng dạy và làm việc chuyên nghiệp, khoa học... Phấn đấu đến hết năm 2030, về tỷ lệ sau đại học của giảng viên các học viện, trường sĩ quan, đại học đạt trên 85% (trong đó, trên 25% trình độ tiến sĩ); giảng viên, giáo viên các trường cao đẳng, trung cấp, trường quân sự đạt trên 30%; 100% nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tham gia các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ theo quy định. Hằng năm, trên 40 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư; trên 300 lượt cán bộ là lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong Quân đội tham gia giảng dạy, truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn, hướng dẫn luận văn, luận án, nghiên cứu khoa học...
PV: Thưa đồng chí, ĐNNG Quân đội cần làm gì để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đó? Cần có thêm những chính sách gì để quan tâm, động viên ĐNNG Quân đội yên tâm công tác, cống hiến?
Thiếu tướng, TS Nguyễn Văn Oanh: Với đặc thù của hoạt động sư phạm quân sự, nhà giáo Quân đội vừa là người thầy truyền thụ kiến thức như những nhà giáo ở môi trường ngoài Quân đội cũng như truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, bồi dưỡng lý tưởng, niềm tin, bản lĩnh chính trị cho người học; vừa là người đồng chí đối với học viên. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, các nhà giáo Quân đội cần thấy rõ vinh dự, trách nhiệm, luôn có ý thức rèn đức, luyện tài, thực sự là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống, tích cực, sáng tạo, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; không ngừng nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng, phương pháp sư phạm và kinh nghiệm thực tiễn; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học, công nghệ vào các hoạt động GD-ĐT.
Bộ trưởng BQP đã phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng ĐNNG, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo” (Kế hoạch số 2765/KH-TM ngày 18-9-2023 của Bộ Tổng Tham mưu) với 51 nhiệm vụ cụ thể, thuộc 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó đã đề xuất các giải pháp, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho ĐNNG Quân đội yên tâm công tác, cống hiến hết mình vì nhiệm vụ như: Ưu tiên, hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tham gia nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, tài liệu, công bố các kết quả nghiên cứu khoa học trên các tạp chí có uy tín để có đủ điều kiện phấn đấu đạt tiêu chuẩn chức danh khoa học, danh hiệu nhà giáo; từng bước tăng mức đầu tư, hỗ trợ kinh phí đáp ứng yêu cầu thực tế của công tác đào tạo, bồi dưỡng ĐNNG, cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục thực hiện hỗ trợ đối với giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đang trực tiếp nghiên cứu, giảng dạy; giảng viên, chuyên gia cao cấp, cán bộ cấp cao được mời giảng tại các cơ sở đào tạo trong Quân đội; kịp thời khen thưởng, động viên, khuyến khích, tôn vinh đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có thành tích xuất sắc.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
TRUNG KIÊN - ĐỨC TUẤN (thực hiện)
------------------------------------
Tâm tình - Kiến nghị
Hình mẫu để học viên phấn đấu, noi theo
Tôi đã được đào tạo sĩ quan chỉ huy, tham mưu thông tin cấp phân đội tại Trường Sĩ quan Thông tin (niên khóa 2004-2009) và văn bằng 2 chuyên ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước tại Trường Sĩ quan Chính trị (niên khóa 2009-2011). Quá trình học tập ở các nhà trường Quân đội đã giáo dục, rèn luyện tôi trưởng thành về mọi mặt, từ bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức đến năng lực, phương pháp, tác phong công tác, nhân lên tình yêu nghề nghiệp và luôn có động lực phấn đấu để chinh phục những cái mới, cái tốt đẹp.
Có được sự trưởng thành đó, ngoài nỗ lực của cá nhân, tôi luôn trân trọng, biết ơn thầy cô tại hai ngôi trường. Thầy cô không chỉ giảng dạy kiến thức, huấn luyện kỹ năng mà quan trọng hơn cả chính là tấm gương sống hằng ngày thẩm thấu, “gieo trồng” nên nhân cách của học viên. Là những người đồng chí, đồng đội, trên giảng đường hay huấn luyện ngoài thao trường, các thầy cô luôn gần gũi, thân tình, cởi mở chia sẻ với học viên, đặc biệt những nội dung thực hành, thầy cô tận tình hướng dẫn từng cá nhân đến khi thành thục. Nhờ đó, việc học tại các trường Quân đội tưởng chừng khô khan, cứng nhắc nhưng thực tế lại rất thoải mái, vui vẻ và tiếp thu bài hiệu quả.
 |
Giảng viên huấn luyện thực hành khai thác khí tài thông tin Vsat cho học viên Trường Sĩ quan Thông tin. Ảnh: VŨ DUY |
Hiện nay, tôi đang công tác tại Trường Sĩ quan Thông tin, tiếp nối các thế hệ thầy cô tiếp tục quản lý, giáo dục, rèn luyện học viên tại nhà trường. Trong môi trường sư phạm, những gì được thầy cô trang bị thực sự rất quan trọng để tôi vận dụng vào quá trình công tác, chỉ huy, quản lý bộ đội, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo cũng như yêu cầu hiện đại hóa Quân đội. Sự tâm huyết với nghề giáo, tình yêu với học viên và phương pháp, tác phong sư phạm chuẩn mực của thầy cô là hình mẫu để mỗi chúng tôi luôn tự nhắc nhở tu dưỡng, rèn luyện hằng ngày, phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Trung tá NGUYỄN TRƯỜNG SINH (Chính trị viên Tiểu đoàn 30, Trường Sĩ quan Thông tin, Binh chủng Thông tin liên lạc)
----------------------------
Người cầm tay, mở ra trí óc và chạm tới trái tim
Với tôi, người thầy trong Quân đội là những người mang trên mình nhiều trọng trách; lúc trên giảng đường là người thầy, bình thường là người chỉ huy, người quản lý và ngoài giờ làm việc là những người anh, người bạn, người đồng đội cùng chung chí hướng. Trường Sĩ quan Không quân là nơi học về bầu trời-mặt đất-con người và tôi rất tự hào vì được học ở “giảng đường trên mây”.
Người thầy ở giảng đường này cũng rất đặc biệt vì cùng chung khoang lái, chung sinh mệnh nên luôn gắn bó mật thiết với học viên; quan tâm, bám nắm, hướng dẫn, giúp đỡ chúng tôi từ sinh hoạt tới chuyên môn; chăm lo, nhắc nhở chúng tôi chăm sóc sức khỏe để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ. Đó thực sự là người cầm tay, mở ra trí óc và chạm tới trái tim của chúng tôi. Trong mọi tình huống, các thầy luôn nói đủ nghe và không bao giờ nổi nóng, giúp chúng tôi bình tĩnh, tự tin trong từng thao tác, xử lý tình huống. Qua đó, ngoài tiếp thu kiến thức, kỹ năng, tôi còn học được rất nhiều phẩm chất quý báu qua sự chỉ dạy của các thầy.
 |
Giảng viên và học viên bay thuộc Trung đoàn 920, Trường Sĩ quan Không quân trao đổi sau chuyến bay. Ảnh: MAI VĂN ĐÔNG |
Kỷ niệm nhớ nhất của tôi là ngày bay thả đơn đầu tiên. Với học viên bay thì ngày thực hiện chuyến bay thả đơn đầu tiên là một ngày đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng nhất trong cuộc đời bay của mình. Đó là ngày đánh dấu bước ngoặt lớn, bởi từ giờ phút đó tôi được tự tay điều khiển máy bay mà không cần phải có thầy ngồi phía sau kèm cặp. Lúc đó, khi nghe lệnh cất cánh vang lên thì bao nhiêu hồi hộp, lo lắng tan biến và chỉ còn biết tập trung tinh lực đưa máy bay rời mặt đất vút thẳng lên bầu trời xanh.
Thượng sĩ MAI THANH DIỄN (Học viên bay Phi đội 2, Trung đoàn 920, Trường Sĩ quan Không quân, Quân chủng Phòng không-Không quân)
-------------------------------
Người thầy ở trường học lớn
Quân đội là một trường học lớn, ở đó có những người chỉ huy-người thầy tận tụy, luôn gần gũi, theo sát từng bước trưởng thành của chiến sĩ. Cách đây gần 2 năm, khi mới nhập ngũ, tôi ít giao tiếp với đồng đội, ngại tiếp xúc với chỉ huy, lúc nào cũng thu mình trước tập thể. Thấy vậy, Trung úy Nguyễn Trung Kiên, Trung đội trưởng Trung đội 10, Đại đội 12, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 9, Sư đoàn 8, Quân khu 9 (hiện là Thượng úy, Phó đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 9, Sư đoàn 8, Quân khu 9) thường xuyên gặp gỡ, động viên, trao đổi một cách thân tình giúp tôi tự tin, mạnh dạn trong sinh hoạt.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Trung đội 10, Đại đội 12, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 9, Sư đoàn 8, Quân khu 9 trò chuyện trong giờ giải lao. Ảnh: PHƯƠNG NHẬT |
Đặc biệt, anh luôn nhớ rõ quê quán từng người trong trung đội; hay gọi điện thăm hỏi sức khỏe gia đình chiến sĩ, trao đổi kết quả học tập, rèn luyện. Nhờ thế, tôi nhanh chóng hòa nhập, tự tin phấn đấu. Khi học ném lựu đạn, do thể lực có phần hạn chế, tôi không biết làm cách nào để ném lựu đạn bay cao và xa như đồng đội. Thấy thế, đồng chí Kiên đã tận tình hướng dẫn kỹ thuật, chỉnh sửa từng cử động, tạo điều kiện để tôi luyện tập bổ trợ trong các giờ nghỉ. Chính vì vậy, khi kiểm tra nội dung ném lựu đạn, tôi đã đạt loại giỏi. Sau gần 2 năm rèn luyện trong môi trường Quân đội, ngoài kiến thức về chính trị, quân sự, tôi còn học được nhiều điều bổ ích từ người chỉ huy, bắt đầu bằng những điều nhỏ nhất là cách sắp đặt trật tự nội vụ vệ sinh đến xưng hô, chào hỏi, ứng xử văn hóa với đồng chí, đồng đội.
Binh nhất NGUYỄN VĂN VŨ (Chiến sĩ Tiểu đội 1, Trung đội 10, Đại đội 12, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 9, Sư đoàn 8, Quân khu 9)
----------------------------
Người thầy thứ hai của chúng tôi
Tôi đang là học viên năm thứ 3, Tiểu đội 2, Trung đội 2, Đại đội 25 (Tiểu đoàn 9, Trường Sĩ quan Lục quân 1). Với tôi, cán bộ quản lý học viên vừa là người đồng chí, đồng đội, vừa là những người anh, người chú trong gia đình. Nếu các thầy giáo, cô giáo đứng trên bục giảng truyền thụ cho chúng tôi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm thì đội ngũ cán bộ các cấp ở đơn vị là những người đồng hành với chúng tôi trong từng bữa ăn, giấc ngủ đến việc học tập, rèn luyện ở giảng đường, thao trường, bãi tập, cũng như trong các buổi hành quân dã ngoại... Trung đội trưởng cũng là người trợ giáo, hướng dẫn, giúp đỡ học viên các nội dung ôn tập ở đơn vị. Ở đâu có học viên, ở đó có đội ngũ cán bộ đơn vị. Các anh là những người thầy thứ hai luôn đồng hành, kề vai sát cánh cùng chúng tôi trên mọi nẻo đường.
Tôi nhớ mãi những ngày đầu trong môi trường quân ngũ, Trung úy Nguyễn Phú Thành, Trung đội trưởng Trung đội 2 (nay là Thượng úy, Phó đại đội trưởng Đại đội 38, Tiểu đoàn 11, Trường Sĩ quan Lục quân 1) không quản sớm tối nhiệt tình chỉ bảo, kiểm tra, hướng dẫn chúng tôi từng cử chỉ, động tác điều lệnh; kỹ thuật ngắm bắn; từng động tác bơi... Sang năm thứ 2, chúng tôi thực hiện nội dung bơi mang súng bằng bao gói ni lông vượt sông. Nội dung này tôi còn yếu.
Dưới sự kèm cặp trực tiếp của Trung đội trưởng Nguyễn Phú Thành, hai thầy trò tôi miệt mài tập luyện không kể thời tiết chiều đông lạnh giá. Sau gần một tháng, tôi đã hoàn thành tốt nội dung kiểm tra bơi. Không chỉ tận tình, chu đáo trong công việc, anh còn luôn gần gũi, sẻ chia với chúng tôi những khó khăn của cuộc sống, tạo động lực để chúng tôi vươn lên trong học tập, rèn luyện. Sau giờ học tập, các anh vừa chơi, vừa hướng dẫn chúng tôi kỹ thuật đá bóng, đánh bóng chuyền... Điều đó giúp gắn kết tình cảm đồng chí, đồng đội, tình cảm cán-binh thêm bền chặt. 4 năm học, rèn tại trường, mỗi cử chỉ, động tác, mỗi lời nói, việc làm của đội ngũ cán bộ các cấp với tôi là “mệnh lệnh không lời”, ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành nhân cách, tác phong của người sĩ quan chỉ huy tương lai.
Thượng sĩ HOÀNG GIA KIÊN (Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Trung đội 2, Đại đội 25, Tiểu đoàn 9, Trường Sĩ quan Lục quân 1)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.