Với nhiều năm tham gia huấn luyện và giảng dạy môn Thiết bị điện của xe tăng và xe thiết giáp, Thiếu tá Doãn Anh Cường nhận thấy những hạn chế trong việc truyền đạt kiến thức do không gian trong xe T-55 quá chật hẹp, nhiều bộ phận và chi tiết nhỏ được lắp đặt ở những vị trí khó quan sát.
Thiếu tá Doãn Anh Cường cho biết: “Vấn đề này gây trở ngại lớn trong việc giới thiệu cho học viên về cấu tạo và cách vận hành của các thiết bị, không thể hướng dẫn cho nhiều học viên cùng lúc, ảnh hưởng đến hiệu quả giảng dạy. Hơn nữa, để chỉ rõ cấu tạo, vị trí, lắp ghép các bộ phận của thiết bị ổn định, giới thiệu về thao tác sử dụng, làm mẫu động tác cho người học, nhất là những động tác khó, giáo viên thường phải chia lớp thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm từ 3-4 người, giới thiệu làm nhiều lần, tốn thời gian. Khi luyện tập, giáo viên cũng không quan sát được động tác của người học, khó phát hiện sai sót để rút kinh nghiệm”.
Từ những khó khăn, bất cập trên, với mong muốn tạo ra một phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn, Thiếu tá Doãn Anh Cường đã đề xuất sáng kiến “Mô hình Thiết bị đặc biệt-Ổn định xe T-55”.
 |
Thiếu tá Doãn Anh Cường giới thiệu mô hình Thiết bị đặc biệt-Ổn định xe T-55. Ảnh: HỒNG PHÚC
|
Sáng kiến “Mô hình thiết bị đặc biệt-Ổn định xe T-55” được phát triển từ mô hình thiết bị điện có sẵn tại giảng đường, tận dụng và khôi phục lại các phần thiết bị cũ để tiếp tục ứng dụng vào công tác nghiên cứu. Mô hình bao gồm phần khung thép được chế tạo bằng thép hàn liên kết chắc chắn với nhau, thiết kế dạng hở với hình dáng và kích thước tương ứng với xe T-55 thực tế. Khung thép mô phỏng các buồng chiến đấu, tháp pháo, buồng động truyền lực và buồng điều khiển, bên trong còn được trang bị giá bình điện. Để tiện cho việc cơ động phần khung xe được đỡ trên 4 bánh xe trong đó 2 bánh trước là bánh dẫn hướng.
Các cụm máy và thiết bị được lắp đặt trên khung xe bao gồm hệ thống chữa cháy, hệ thống phòng chống vũ khí hủy diệt lớn và hệ thống ổn định CTП-2, tất cả được kết nối với nhau bằng dây dẫn và đường ống như trên xe thật. Các cụm máy được bố trí đúng vị trí tương ứng, dễ dàng tháo lắp và bảo trì. Đặc biệt, một số cụm máy đã được khôi phục và có thể thực hành kiểm tra khả năng vận hành của các hệ thống.
Trong quá trình chế tạo mô hình, Thiếu tá Doãn Anh Cường gặp phải không ít khó khăn, đặc biệt là trong việc tái sử dụng các thiết bị cũ và khôi phục chúng để áp dụng vào công tác giảng dạy.
“Một trong những thách thức lớn nhất là việc bảo đảm tính chính xác và đồng bộ của các bộ phận khi khôi phục và lắp ráp các thiết bị cũ, để chúng hoạt động tương tự như trong điều kiện thực tế của xe tăng T-55. Hơn nữa, việc thiết kế và chế tạo phần khung thép phải làm sao cho mô hình có kích thước và hình dáng tương ứng với xe thật, có khả năng cơ động. Các bộ phận như tháp pháo, buồng chiến đấu và các hệ thống máy móc trên mô hình đều phải được lắp đặt đúng vị trí, dễ dàng tháo lắp và bảo trì”, Thiếu tá Doãn Anh Cường chia sẻ.
Ngoài ra, để kết nối các hệ thống máy móc và thiết bị với nhau bằng dây dẫn và ống như trên xe thật, theo Thiếu tá Doãn Anh Cường, phải có sự tính toán chính xác để đảm bảo tính năng hoạt động của các hệ thống này không bị gián đoạn, đồng thời mô hình phải dễ dàng vận hành và bảo dưỡng.
Tuy gặp nhiều khó khăn trong quá trình chế tạo nhưng với sự nỗ lực và đam mê nghiên cứu, tháng 8-2024, sáng kiến “Mô hình Thiết bị đặc biệt-Ổn định xe T-55” của Thiếu tá Doãn Anh Cường được Hội đồng Khoa học Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp phê duyệt và áp dụng trong công tác học tập, giảng dạy, huấn luyện tại nhà trường.
MINH HỒNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.