Sinh năm 1974 ở xã Việt Cường, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, Thượng tá Trần Đại Quang đã có gần 10 năm gắn bó với công tác giảng dạy. Trong suốt thời gian này, anh không chỉ là người thầy giảng dạy, mà còn là người đồng hành cùng học viên, giúp họ nâng cao kỹ năng chuyên môn, sẵn sàng phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng. Thượng tá Trần Đại Quang luôn chú trọng đổi mới chất lượng đào tạo, từng bước cải tiến phương pháp giảng dạy và tài liệu học tập. Mỗi tài liệu giảng dạy mà anh biên soạn đều được kiểm tra kỹ lưỡng và đánh giá cao từ ban giám hiệu nhà trường.
 |
Thượng tá Trần Đại Quang, Giảng viên khoa Vũ khí, Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp luôn chú trọng đổi mới chất lượng đào tạo, từng bước cải tiến phương pháp giảng dạy và tài liệu học tập.
|
Chia sẻ về công việc, Thượng tá Trần Đại Quang cho biết: “Trên cương vị chức trách được giao, bản thân tôi luôn phát huy tốt tinh thần tiền phong gương mẫu của người thầy, người chỉ huy trong thực hiện nhiệm vụ. Tôi nghiêm túc kế hoạch huấn luyện - đào tạo của Nhà trường, mệnh lệnh của chỉ huy, mà trực tiếp là nhiệm vụ của Trưởng khoa giao cho, chủ động trong công việc, tích cực tìm hiểu, nghiên cứu khoa học và biên soạn bài giảng phù hợp”.
Trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu và thử nghiệm khí tài, thầy Quang và các cộng sự của mình phải đối mặt với nhiều khó khăn và yêu cầu khắt khe. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và khả năng làm việc trong điều kiện khắc nghiệt. Mỗi khi nhận được khí tài mới, anh và các đồng nghiệp phải thực hiện các thử nghiệm thực tế trên thao trường, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và nguy hiểm. Những thử nghiệm này không chỉ nhằm kiểm tra khả năng vận hành của khí tài mà còn giúp đưa ra các đánh giá chính xác về độ bền, tính hiệu quả của vũ khí trong các tình huống thực tế.
Với tinh thần cầu tiến, đam mê sáng tạo và lòng nhiệt huyết, Thượng tá Trần Đại Quang đã có nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả cao trong giảng dạy và huấn luyện, được thủ trưởng các cấp đánh giá cao và đồng đội yêu quý, tín nhiệm. Tiêu biểu có một số đề tài như: "Giải pháp nâng cao chất lượng dạy học môn học cấu tạo vũ khí xe tăng, xe thiết giáp cho học viên đào tạo Sĩ quan Tăng thiết giáp cấp phân đội trình độ đại học"; sáng kiến “Mô hình pháo và thiết bị điều khiển phục vụ huấn luyện khí và bắn trên xe tăng T-55… Đặc biệt, là sáng kiến “Dụng cụ nạp đạn vào dây băng súng máy 12,7mm”. Sáng kiến này đã ứng dụng tốt trong thực tế, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng huấn luyện của bộ đội.
 |
Thượng tá, thầy giáo Trần Đại Quang đang giới thiệu mô hình trang bị trên khí tài. |
Chia sẻ về ý tưởng làm sáng kiến “Dụng cụ nạp đạn vào dây băng súng máy 12,7mm”, Thượng tá Trần Đại Quang cho hay, trên các loại xe tăng thiết giáp hiện có trong Quân đội ta hiện nay như xe tăng T-54, T-55,... có trang bị súng máy phòng không 12,7mm. Đây là kiểu súng máy hạng nặng, tiếp đạn bằng băng thép kiểu nửa mềm, mắt hở, các mắt băng liên kết với nhau thông qua khớp bản lề đơn giản, mỗi dây băng chứa 50 viên; một cơ số đạn là 500 viên. Trước đây, việc nạp đạn vào dây băng của súng máy 12,7mm phải thực hiện bằng tay, tốn nhiều công sức và thời gian. Đồng thời, nếu động tác thiếu thận trọng có thể gây xây xước đạn hoặc lắp đạn không vào hết gây ảnh hưởng đến quá trình thao tác và kết quả bắn.
Để khắc phục tình trạng trên, Thượng tá Trần Đại Quang trăn trở, tìm tòi, nghiên cứu ra sáng kiến “Dụng cụ nạp đạn vào dây băng cho súng máy 12,7mm” nhằm giảm bớt công việc chuẩn bị trước khi bắn đạn thật, cũng như công tác chuẩn bị chiến đấu của bộ đội Tăng thiết giáp.
Với thiết kế cấu tạo đơn giản, gọn nhẹ, dễ dàng tháo lắp, thay thế, dụng cụ là một cụm kết cấu cơ khí, sử dụng sức người để hoạt động (quay bằng tay). Dụng cụ có bộ phận kéo dây băng chuyển động, định vị mắt băng, máng, để chứa đạn và bộ phận đẩy đạn vào dây băng, hoạt động liên hoàn.
Sau gần một tháng nghiên cứu, sáng kiến “Dụng cụ nạp đạn vào dây băng cho súng máy 12,7mm” của thầy Quang đã hoàn thành và được áp dụng trong toàn trường để huấn luyện các học viên. Dụng cụ này hỗ trợ việc nạp đạn vào súng máy 12,7mm, sử dụng cho các đơn vị trang bị súng phòng không, giúp nhanh chóng, tiện lợi và chính xác. Nhờ thiết kế đặc biệt, nó tiết kiệm thời gian, giảm sai sót và nâng cao hiệu quả huấn luyện, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu, đồng thời cải thiện hiệu suất công việc và khả năng bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị.
Bên cạnh những đóng góp trong công tác huấn luyện, Thượng tá Trần Đại Quang còn ghi dấu ấn với nhiều thành tích xuất sắc. Anh đã liên tiếp đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trong các năm 2015, 2016 và 2017, và vinh dự nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân vào năm 2018. Ngoài ra, vào năm 2017, anh cũng được Bộ Quốc phòng trao tặng bằng khen vì những thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy và huấn luyện.
Bài và ảnh: THU HOÀI
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.