Tuy nhiên, hiện nay, số giải pháp hữu ích, sáng chế... được đăng ký sở hữu trí tuệ (SHTT) còn ít so với tiềm năng, thời gian tới, Học viện Kỹ thuật quân sự (KTQS) sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ để làm tốt hơn công tác này.

Ghi nhận, bảo hộ sự sáng tạo

Thượng tá, TS Lê Duy Tuấn, Phó chủ nhiệm Bộ môn Khí tài quang học, Khoa Vũ khí, Học viện KTQS là một trong những tác giả được Cục SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền đối với sáng chế: “Kính ngắm kết hợp ngày-đêm dùng cho súng và pháo”. Nộp đơn đề nghị cấp bằng độc quyền sáng chế từ tháng 4-2016, sau một thời gian khá dài với những yêu cầu, quy trình, thủ tục chặt chẽ, tháng 3-2021, Thượng tá, TS Lê Duy Tuấn chính thức được cấp bằng, đây không chỉ là niềm vui của riêng cá nhân anh mà thành công này còn góp phần xây dựng thương hiệu Học viện KTQS. Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá, TS Lê Duy Tuấn cho biết, sáng chế xuất phát từ một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Quốc phòng, tác giả đã có sự sáng tạo trong nguyên lý kết hợp ngày-đêm cho kính ngắm theo hướng phi truyền thống. Chính sự sáng tạo này đã giúp sáng chế vượt qua “hàng rào” khoa học chặt chẽ của cơ quan chức năng để được cấp bằng độc quyền. “Bằng độc quyền sáng chế chính là sự ghi nhận của cơ quan chức năng, của Học viện đối với những sáng tạo khoa học của bản thân tôi, tạo động lực để tôi tiếp tục nỗ lực nghiên cứu, đạt được những thành tích cao hơn”, Thượng tá, TS Lê Duy Tuấn bày tỏ.

Đăng ký SHTT là hoạt động rất cần thiết, là xu thế tất yếu trong xã hội ngày nay nhằm bảo vệ quyền SHTT, tránh những hành vi xâm phạm, chiếm đoạt tài sản trí tuệ, qua đó bảo vệ quyền lợi của các tác giả, khuyến khích sự sáng tạo, thúc đẩy các nhà khoa học nỗ lực nghiên cứu cho ra đời những sản phẩm khoa học có giá trị cao. Theo Đại tá, PGS, TS Trần Đức Tăng, Phó trưởng phòng Khoa học Quân sự, Học viện Kỹ thuật quân sự, ngoài ý nghĩa trên, hiện nay, Học viện KTQS đang trong quá trình xây dựng thành trường đại học nghiên cứu mà số lượng bằng độc quyền sáng chế, các giải pháp hữu ích... là một trong những tiêu chí quan trọng. 

leftcenterrightdel

 Một hội nghị tập huấn về sở hữu trí tuệ tổ chức tại Học viện Kỹ thuật Quân sự, tháng 9-2022. Ảnh: NGUYỄN THẮNG

Vì vậy, thời gian qua, Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác đăng ký SHTT đối với các sản phẩm khoa học của Học viện và đã đạt được những kết quả bước đầu rất tích cực. Đến thời điểm hiện nay, Học viện KTQS đã có 11 giải pháp hữu ích, sáng chế được đăng ký SHTT. Tính từ năm 2021 đến nay, các tác giả của Học viện đã nộp 14 đơn đề nghị đăng ký SHTT tới Cục SHTT và đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục công nhận. Năm 2021, Học viện KTQS lọt vào Top 5 chủ sở hữu bằng sáng chế/GPHI đã được cấp tại Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 1-2016 đến hết tháng 9-2021, do Hội đồng vinh danh danh hiệu Ngôi sao sáng chế IPSTAR 2021, Hội Sáng chế Việt Nam xét duyệt. Hiện nay, Học viện đang hoàn thiện thủ tục để tham gia mạng lưới các trung tâm SHTT và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp (TISC).

Không để lãng phí tiềm năng

Trung bình mỗi năm, Học viện KTQS nghiệm thu khoảng 20 đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp Bộ trở lên, mỗi đề tài lại có nhiều nội dung về giải pháp hữu ích, sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp có thể đăng ký SHTT nên có thể khẳng định, mặc dù công tác đăng ký SHTT của Học viện thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Theo Đại tá, PGS, TS Trần Đức Tăng, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do một bộ phận cán bộ khoa học còn chưa quan tâm, chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đăng ký SHTT. Hơn nữa, thủ tục, quy trình, thời gian đăng ký SHTT khá dài, chặt chẽ cũng khiến nhiều tác giả ngại khi đăng ký...

Để phát huy tiềm năng, đẩy mạnh công tác đăng ký SHTT trong thời gian tới, Đảng ủy Học viện KTQS quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, được cụ thể hóa trong các nghị quyết, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học với những mục tiêu cụ thể. Trong đó, Học viện chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức về SHTT đối với mọi cán bộ, giảng viên; phối hợp với Cục SHTT, mời các chuyên gia về lĩnh vực SHTT để tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ SHTT; trên cơ sở nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đang triển khai, các bộ phận chức năng xác định rõ khả năng để giao chỉ tiêu đăng ký SHTT cho các tác giả, đồng thời triển khai hỗ trợ các tác giả về thủ tục, kinh phí đăng ký SHTT... Đặc biệt, nhằm động viên cán bộ tích cực nghiên cứu khoa học, đăng ký SHTT, Học viện Kỹ thuật quân sự có quy định cụ thể về việc phân chia lợi nhuận thu được từ việc thương mại hóa tài sản trí tuệ đã được cấp quyền bảo hộ, trong đó tác giả và đồng tác giả được hưởng một tỷ lệ hợp lý.

TRUNG HIẾU