Phóng viên: Thời gian qua, nhất là năm học 2021-2022, công tác giáo dục - đào tạo tại Học viện Hải quân đạt được những kết quả như thế nào, thưa đồng chí ?

Chuẩn đô đốc Chu Ngọc Sáng: Những năm gần đây, công tác giáo dục - đào tạo của Học viện Hải quân có bước phát triển mạnh mẽ, chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học thường xuyên được đổi mới; chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục ngày càng nâng cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, giảng viên, học viên được cải thiện. Học viên tốt nghiệp ra trường về công tác ở các đơn vị đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

leftcenterrightdel
Chuẩn đô đốc Chu Ngọc Sáng, Chính ủy Học viện Hải quân. 

Riêng năm học 2021-2022, Học viện Hải quân đã thực hiện nghiêm nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên, bám sát phương châm “Cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu”, tập trung thực hiện tốt đột phá “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phương pháp dạy, học tích cực; tập trung xây dựng học viện chính quy, mẫu mực, hiện đại theo định hướng ứng dụng và mô hình nhà trường thông minh”, từng bước cụ thể hóa phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”. Tổ chức nhiều nội dung hoạt động phương pháp nhằm bồi dưỡng chuyên môn và phương pháp dạy học tích cực cho giảng viên; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng kế hoạch quản lý, điều hành giáo dục, đào tạo chặt chẽ, khoa học. Đa số các khoa đã hoàn thành việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu bài giảng dùng chung cho các học phần, môn học, kịp thời cập nhật nội dung kiến thức mới.

Nhà trường làm tốt công tác phối hợp với cơ quan, đơn vị trong truyền thụ kiến thức thực tiễn, kinh nghiệm huấn luyện chiến đấu và chiến đấu. Phát huy tốt chức năng của Tàu buồm 286 (Lê Quý Đôn) trong đối ngoại quân sự với huấn luyện đường dài, giúp nâng cao trình độ thực hành, sức chịu đựng sóng gió. Nhờ vậy, kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho học viên, chất lượng giáo dục - đào tạo chuyển biến, tiến bộ.

Kết quả có 100% học viên tốt nghiệp ra trường đạt chuẩn đầu ra, tỉ lệ khá, giỏi đạt 83,85% (54,55% học viên cấp phân đội được phong quân hàm trung úy); đội ngũ cán bộ, giảng viên được kiện toàn cơ bản đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, 100% có trình độ đại học, 75,5% sau đại học (16,5% tiến sĩ), tỉ lệ giảng viên có trình độ sau đại học tăng 3,39%, riêng trình độ tiến sĩ tăng 1,83% so với năm học trước. Học viện Hải quân được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng cờ thi đua, nhiều lượt tập thể, cá nhân được khen thưởng.

leftcenterrightdel
Chuẩn đô đốc Chu Ngọc Sáng, Chính ủy Học viện Hải quân trao giấy khen tặng học viên đạt thành tích xuất sắc tốt nghiệp các khóa học.

Phóng viên: Để giữ vững và phát huy những kết quả đạt được trong công tác giáo dục - đào tạo, Học viện Hải quân đặt ra những mục tiêu như thế nào trong thời gian tới?

Chuẩn đô đốc Chu Ngọc Sáng: Theo lộ trình và mục tiêu của nhiệm kỳ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Học viện Hải quân lần thứ XX đã xác định, năm học 2022-2023 và những năm tiếp theo, học viện tiếp tục đặt ra yêu cầu cao trong đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo học viên. Để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đào tạo nguồn lực xây dựng Quân chủng Hải quân và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới, học viện tiếp tục quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”… Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Học viện Hải quân chính quy mẫu mực và phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2040 theo tiêu chuẩn Trường Đại học định hướng ứng dụng đa lĩnh vực với nòng cốt là khoa học quân sự hải quân; nằm trong tốp đầu hạng 2 quốc gia, tốp đầu của Quân đội, có uy tín trong lĩnh vực đào tạo sĩ quan hải quân, nghiên cứu khoa học quân sự hải quân. Xây dựng học viện có mô hình quản trị tiên tiến, hạ tầng khuôn viên và cơ sở vật chất hiện đại ngang tầm nhiệm vụ.

leftcenterrightdel
 Giảng viên hướng dẫn học viên thao tác trên hệ thống mô phỏng chuyên ngành hàng hải ở Học viện Hải quân.

Phóng viên: Nhiệm vụ nặng nề như vậy, đề nghị đồng chí cho biết những giải pháp cụ thể mà Học viện Hải quân cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, cũng như đạt được mục tiêu đó?

Chuẩn đô đốc Chu Ngọc Sáng: Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện lãnh đạo thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục. Trong đó, chú trọng kiện toàn, phát triển đội ngũ giảng viên bảo đảm về số lượng, hợp lý về cơ cấu, chuẩn hóa về chất lượng; tăng cường gửi đi đào tạo trong và ngoài nước; bồi dưỡng năng lực sư phạm và gửi đi thực tế ở đơn vị; thực hiện lộ trình và bước đi trong công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo theo tiêu chuẩn chức danh học hàm, học vị và các danh hiệu nhà giáo.

Làm tốt công tác tạo nguồn để thực hiện mục tiêu chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục; khắc phục hạn chế nguồn kế cận, kế tiếp ở các khoa. Tiếp tục xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách phù hợp để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên tại chức, gắn với thu hút những chuyên gia đầu ngành, cán bộ có học vấn và kinh nghiệm thực tiễn từ các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng Hải quân và Quân đội về học viện giảng dạy và nghiên cứu.

leftcenterrightdel
Các học viên Học viện Hải quân huấn luyện chuyên ngành trên Tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn trong hải trình đi Malaysia. Ảnh: TRỰC CHINH

Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục - đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Thu gọn khối kiến thức khoa học cơ bản và khoa học cơ sở mang tính định hướng, tạo tiền đề vận dụng cho khối kiến thức chuyên ngành, tạo điều kiện để học viên học tập trong suốt khóa học tại trường cũng như tự học, tự nghiên cứu sau khi ra trường. Điều chỉnh tăng nội dung, bổ sung một số môn học mũi nhọn thuộc khối kiến thức cơ sở ngành, đặc biệt là các chuyên ngành có tính chuyên môn cao trong lĩnh vực quân sự Hải quân, vừa đáp ứng tính liên ngành vừa trang bị các kỹ năng (công nghệ thông tin, ngoại ngữ, tổng hợp, liên kết giữa thế giới thực và ảo, sáng tạo, làm việc nhóm, hợp tác liên ngành…).

Khắc phục lối truyền thụ một chiều, thay vào đó người dạy và người học tăng cường đối thoại, tranh luận, gợi mở, nêu vấn đề; bồi dưỡng người học phương pháp tư duy độc lập, sáng tạo, phát hiện cái mới; hình thành các kỹ năng: lãnh đạo, chỉ huy; giao tiếp, làm việc nhóm, diễn đạt, thuyết trình, soạn thảo văn bản; năng lực sử dụng ngoại ngữ; khả năng xử lý tình huống trong thực tiễn và khả năng tự học, tự nghiên cứu.

Đa dạng hóa các loại hình, phương pháp dạy, học nhằm khai thác, ứng dụng triệt để các thành tựu về khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ viễn thông, tin học, ngoại ngữ vào việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống bài giảng điện tử, thiết bị mô phỏng để tăng cường tính trực quan, rèn luyện tác phong sát thực tế, sát chiến trường, sát chức trách của đối tượng đào tạo; từng bước hình thành cho người học khả năng thích ứng với thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu ở đơn vị. Chú trọng giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật, đối ngoại quốc phòng.

leftcenterrightdel

 Quang cảnh Lễ khai giảng năm học 2022-2023 tại Học viện Hải quân. Ảnh: VĨNH THÀNH

Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khảo thí và bảo đảm chất lượng đào tạo. Phương pháp đánh giá kết quả học tập của học viên, chuyển từ đánh giá kiến thức sang đánh giá kỹ năng thực hành, vận dụng. Kết hợp chặt chẽ đào tạo với nghiên cứu khoa học, nghiên cứu khai thác làm chủ vũ khí, trang bị hiện đại của quân chủng, hiện đại hóa công tác huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu ở các đơn vị. Nâng cao chất lượng biên soạn tài liệu, giáo trình theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, cập nhật vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại và cách đánh của bộ đội hải quân. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực quân sự quốc phòng.

Chuẩn hóa, hiện đại hóa và tăng cường cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục - đào tạo. Khai thác tốt những phương tiện hiện có, đồng thời sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực được đầu tư, tập trung mua sắm, đổi mới trang bị trên cơ sở định hướng phát triển tổng thể. Chú trọng nâng cấp trung tâm điều hành; hoàn chỉnh hạ tầng công nghệ thông tin; trung tâm học liệu.

Nâng cấp hệ thống bảo đảm an toàn, an ninh mạng; hệ thống giảng đường, thao trường gồm các phòng học: lý thuyết, trực tuyến, thí nghiệm, thực hành, chuyên dùng, trung tâm mô phỏng. Hoàn thiện hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin; đầu tư mới các phần mềm hỗ trợ cho giảng dạy các môn học tại các phòng học chuyên dùng, chuyên ngành, thí nghiệm, mô phỏng, xưởng trường... bảo đảm cho việc đào tạo được gắn với vũ khí, trang bị mới hiện đại của Quân chủng. Xây dựng đội tàu thực hành, thực tập có khả năng huấn luyện dài ngày trên biển và thực hành đi biển xa nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tập của học viên và hội nhập khu vực, quốc tế.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

DUY HIỂN – DUY KHƯƠNG (thực hiện)