Với phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, Đảng bộ Hệ Đào tạo sau đại học đã cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên bằng những giải pháp linh hoạt, sáng tạo, sát thực tiễn, góp phần nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục-đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng trong tình hình mới.

Lấy người học làm trung tâm 

Xác định rõ vai trò then chốt của đội ngũ cán bộ chính trị trong toàn quân, nhất là cán bộ có trình độ sau đại học, công tác đào tạo tại Hệ đào tạo sau đại học, Học viện Chính trị luôn đặt mục tiêu cuối cùng là “người học”, cả về tri thức, bản lĩnh, đạo đức và năng lực thực tiễn.

Trên tinh thần đó, toàn Hệ đã triển khai nhất quán quan điểm “lấy người học làm trung tâm”, từ việc xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức hoạt động dạy, học, đánh giá kết quả, đến định hướng nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng năng lực toàn diện cho học viên.

Thiếu tướng (nay là Trung tướng), PGS, TS Đặng Sỹ Lộc, Giám đốc Học viện Chính trị phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo khoa học "Chất lượng nghiên cứu tác phẩm kinh điển, văn kiện Đảng của học viên đào tạo sau đại học ở Học viện Chính trị hiện nay", ngày 25-4-2025.

Để cụ thể hóa chủ trương này, Hệ sau đại học đã mạnh dạn áp dụng mô hình “lớp học đảo ngược”, chuyển vai trò giảng viên từ “người truyền thụ kiến thức” sang “người tổ chức, hướng dẫn hoạt động học tập”. Học viên không còn tiếp nhận kiến thức một cách thụ động mà chủ động tìm hiểu trước ở nhà, lên lớp để thảo luận, phân tích, phản biện và vận dụng vào tình huống thực tiễn. Phương pháp “dạy học đảo chiều”, học viên trình bày, giảng viên phản biện, đã được triển khai có hiệu quả, giúp phát huy tính sáng tạo, tư duy phản biện, nâng cao năng lực tổng hợp và trình bày vấn đề trước tập thể.

“Không chỉ học để biết, để hiểu, mà học để làm, để giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra với công tác chính trị ở cơ sở, đơn vị”, Đại tá, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Thông, Hệ trưởng Hệ Đào tạo sau đại học, Học viện Chính trị chia sẻ. Chính vì vậy, bên cạnh các hoạt động học tập, đơn vị chú trọng bồi dưỡng phương pháp nghiên cứu, khả năng tự học, tự rèn luyện và tự quản cho học viên. Nhiều lớp học đã tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm chuyên đề, sinh hoạt học thuật theo nhóm nghiên cứu, tạo môi trường học thuật sôi nổi, lành mạnh, khơi dậy đam mê nghiên cứu và tinh thần cầu thị của học viên.

Kết nối lý luận với thực tiễn, tạo giá trị thiết thực

Một trong những điểm nhấn nổi bật trong công tác giáo dục, đào tạo của Hệ sau đại học, Học viện Chính trị là việc gắn kết chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, giữa nhà trường với đơn vị. Mỗi luận văn, luận án đều phải hướng đến giải quyết một vấn đề cụ thể, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác chính trị ở đơn vị cơ sở.

Học viên được khuyến khích chọn đề tài gắn với đơn vị công tác, lấy thực tiễn để soi chiếu, kiểm nghiệm lý luận. Quá trình thực hiện luận văn, luận án là quá trình học viên vận dụng tri thức lý luận để nhận diện, phân tích, đánh giá các vấn đề thực tiễn, từ đó đề xuất các giải pháp mang tính khả thi, có giá trị ứng dụng cao. Kết quả là 100% luận văn, luận án được bảo vệ trong năm qua đều đạt loại khá, giỏi; trong đó 95,25% đạt giỏi, vượt 20,25% so với chỉ tiêu Nghị quyết.

Không chỉ dừng ở đó, 100% học viên cao học và nghiên cứu sinh đều tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học với nhiều đề tài thiết thực, có hàm lượng tri thức và giá trị ứng dụng cao. Một số đề tài tiêu biểu đã được triển khai ứng dụng vào công tác huấn luyện, giáo dục chính trị tại các đơn vị bộ đội, đồng thời trở thành tài liệu tham khảo hữu ích cho công tác giảng dạy, học tập ở Nhà trường.

Hội nghị Đảng ủy Hệ đào tạo sau đại học, Học viện Chính trị triển khai nghị quyết về nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo. 

Nhờ triển khai đồng bộ các mô hình và giải pháp sáng tạo, chất lượng giáo dục-đào tạo sau đại học tại Học viện Chính trị đã có bước chuyển biến rõ nét. 100% học viên đạt loại khá, giỏi trong các kỳ thi học phần, học kỳ và tốt nghiệp; trong đó có 16,85% đạt giỏi, vượt 11,85% so với chỉ tiêu. Nhiều học viên đạt kết quả xuất sắc đã được các cơ quan, đơn vị đánh giá cao khi trở lại nhận nhiệm vụ tại đơn vị.

Các mô hình đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập của Hệ sau đại học cũng được nhân rộng ra các hệ đào tạo khác trong Học viện. Qua đó, góp phần tạo dựng một môi trường học thuật năng động, sáng tạo, gắn chặt với thực tiễn, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Quân đội.

Trung tá, Thạc sĩ Lê Thế Phong, giảng viên Khoa Triết học Mác-Lênin, Hệ sau đại học, Học viện Chính trị cho biết: “Đổi mới phương pháp giảng dạy không phải là xóa bỏ cách làm cũ, mà là biết kế thừa có chọn lọc, đồng thời tích hợp công nghệ, vận dụng linh hoạt các phương pháp hiện đại để giúp người học tự tin, bản lĩnh, tư duy sắc bén, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong thời đại mới”.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Đảng ủy, chỉ huy Hệ Đào tạo sau đại học tiếp tục quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị của cấp trên; đồng thời chủ động nghiên cứu, cập nhật xu thế giáo dục hiện đại, phát triển chương trình đào tạo theo hướng mở, liên thông, tích hợp, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Trong đó, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong giảng dạy; đẩy mạnh kết nối với đơn vị, thực hiện tốt công tác khảo sát, đánh giá nhu cầu đào tạo để xây dựng chương trình sát thực tiễn. Tiếp tục khuyến khích học viên gắn kết việc học với giải quyết nhiệm vụ thực tiễn; xây dựng các nhóm nghiên cứu chuyên sâu; phát triển thư viện số, hệ thống bài giảng điện tử, học liệu dùng chung phục vụ quá trình tự học, tự nghiên cứu.

Từ nền tảng hiện có, với khát vọng đổi mới và tinh thần cầu thị, Hệ Đào tạo sau đại học, Học viện Chính trị đang khẳng định vị thế là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của toàn quân, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bài, ảnh: DUY GIÁP - HỮU HỒI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.