Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Tập trung đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu phát triển mới của kinh tế - xã hội, của cuộc cách mạng khoa học công nghệ và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”(1). Có thể thấy, quan điểm của Đại hội XIII của Đảng về đổi mới giáo dục, đào tạo là rất đúng đắn trước yêu cầu mới của thời cuộc đang đặt ra hiện nay.

Đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình giáo dục, đào tạo

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay còn gọi là cuộc cách mạng số diễn ra với đặc trưng là trí thông minh nhân tạo, internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn và điện toán đám mây. Cuộc Cách mạng này sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về phân bổ nguồn lực sản xuất, cách thức sản xuất và tiêu dùng nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Theo đó, đòi hỏi người lao động phải năng động, có năng lực tự học, tự nghiên cứu, tư duy giải quyết vấn đề, có năng lực sáng tạo, năng lực làm việc nhóm trong không gian toàn cầu. Vì vậy, giáo dục, đào tạo cần phải đổi mới để thích ứng với thời cuộc, để đào tạo ra nguồn nhân lực tốt, đáp ứng với yêu cầu đòi hỏi của thị trường lao động trong bối cảnh hiện nay.

 
Diễu duyệt đội ngũ tại lễ khai giảng năm học 2023-2024 của Học viện Chính trị

Trước hết, đổi mới mục tiêu giáo dục, đào tạo nhằm hướng đến phát triển con người toàn diện cả đức, trí, thể, mỹ. Theo đó, đổi mới mục tiêu giáo dục, đào tạo là “đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”(2). Như vậy, mục tiêu giáo dục, đào tạo hướng tới phát triển con người toàn diện cả phẩm chất và năng lực, hướng vào hình thành những giá trị cá nhân của người học phù hợp với chuẩn mực giá trị của con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Những phẩm chất đó là tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, ý thức trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, có kỷ luật, kỷ cương.

Trong khi đó, những năng lực mà con người cần hướng đến là kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế, để có thể trở thành “công dân toàn cầu”. Đây đều là những năng lực rất cần thiết để con người đáp ứng những yêu cầu mới của nền kinh tế số, xã hội số, hội nhập quốc tế trong không gian toàn cầu.

Do vậy, mục tiêu giáo dục phải chú trọng phát triển toàn diện, hài hòa nhân cách, cả tài và đức, kết hợp dạy chữ, dạy nghề với dạy người, đặc biệt coi trọng sự phát triển kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin của người học để người học có thể học tập, làm việc trong môi trường quốc tế.

Đổi mới mục tiêu phải đồng bộ và gắn với đổi mới nội dung, chương trình giáo dục, đào tạo. Đại hội XIII nhấn mạnh: “chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam”(3). Nội dung giáo dục đào tạo phải toàn diện, bám sát vào mục tiêu nhằm phát triển con người Việt Nam toàn diện cả đức, trí, thể, mỹ.

Hội nghị Đảng ủy Học viện Chính trị ra Nghị quyết lãnh đạo năm học 2023-2024. 

Đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình giáo dục cần theo hướng tinh giản, thiết thực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu thị trường lao động. Hệ thống các cơ sở giáo dục, đào tạo phải thường xuyên cập nhật nội dung mới, ngành nghề mới theo xu thế phát triển chung trên thế giới và đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn kinh tế xã hội của nước ta. Nói cách khác, các cơ sở giáo dục sẽ phải chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình chỉ đào tạo “những gì thị trường cần”, những nội dung của các môn cơ bản sẽ phải được rút ngắn và thay thế vào đó là những nội dung cần thiết để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, của nền kinh tế xã hội nói chung và đảm bảo để người học thực hiện được phương châm “học tập suốt đời”. Theo mô hình mới này, việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục đào tạo với doanh nghiệp là yêu cầu tất yếu để bổ sung cho nhau.

Đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục và đào tạo

Bên cạnh đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình giáo dục, đào tạo, tập trung đổi mới phương pháp giáo dục, đào tạo: “chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, qua internet, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”(4).

Như vậy, có thể thấy, đổi mới phương pháp giáo dục và đào tạo có sự phát triển với những hình thức, phương thức giáo dục mới như dạy học trực tuyến, qua internet, truyền hình trong điều kiện bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa các hình thức, phương thức giáo dục nhằm xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Đặc biệt, phương pháp giáo dục thông qua hoạt động xã hội, hoạt động ngoại khóa, giáo dục trải nghiệm sáng tạo, tích hợp, giáo dục STEM...

Giảng viên và học viên trao đổi kiến thức trên giảng đường.  

Việc đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục cần được thực hiện trên cơ sở đặc điểm người học, điều kiện giáo dục, loại hình năng lực và phẩm chất cần phát triển ở người học... để từ đó lựa chọn các hình thức tổ chức giáo dục phù hợp. Tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong giáo dục thông qua việc sử dụng các mô hình học tập kết hợp giữa lớp học truyền thống với các mô hình dạy học mở, dạy học trực tuyến.

Để đáp ứng mục tiêu giáo dục mới, thay vì chỉ thiên về “dạy cái” cần chú trọng hơn về “dạy cách”, từ chủ yếu quan tâm giúp học sinh “học cái gì” chuyển sang quan tâm hơn về “học như thế nào”. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tăng cường xây dựng các mô hình học tập gắn với thực tiễn. Đồng thời, phẩm chất và năng lực của người học cũng được hình thành và phát triển qua các hoạt động giao lưu, kết nối, tương tác với thực tiễn đời sống để khơi dậy hứng thú học tập, rèn luyện kỹ năng sống, nâng cao hiểu biết về các giá trị văn hóa.

Để đảm bảo tính khả thi của đổi mới phương pháp giáo dục, vai trò kiến tạo của giáo viên thể hiện trong tổ chức, hướng dẫn hoạt động học tập trong môi trường thân thiện và những tình huống có vấn đề nhằm khuyến khích người học tích cực tham gia, khơi gợi và khuyến khích người học tự khẳng định nhu cầu và năng lực của bản thân, đồng thời rèn cho người học thói quen và khả năng tự học, sáng tạo vận dụng hiệu quả những kiến thức, kỹ năng đã được tích lũy.

Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu về nhân lực cho nền kinh tế số, kinh tế sáng tạo, đòi hỏi phải thay đổi hình thức và phương pháp giáo dục và đào tạo với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong giáo dục. Khi đó, tại các cơ sở giáo dục, tất cả các dữ liệu của người học từ mã số, điểm số, thông tin cá nhân... đều đã được số hóa tại một nơi lưu trữ và dễ dàng kết nối với nhau. Người dạy có thể “vứt” tài liệu lên “mây” (Cloud), tất cả mọi người tranh luận trên “mây” mà vẫn đảm bảo được sự riêng tư, hiệu quả và tính đồng bộ.

Đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục cần được thực hiện trên cơ sở đặc điểm người học, điều kiện giáo dục, loại hình năng lực và phẩm chất cần phát triển ở người học. 

Ngoài ra, với ứng dụng của khoa học công nghệ thì người học ở bất cứ đâu đều có thể truy cập vào thư viện điện tử thông qua tài khoản do nhà trường quản lý để tự học, tự nghiên cứu. Như vậy, không thể chỉ tồn tại mô hình thư viện truyền thống mà các trường phải xây dựng được thư viện điện tử. Những mô hình giảng dạy mới như đào tạo trực tuyến không cần lớp học, không cần giáo viên đứng lớp, người học sẽ được hướng dẫn học qua mạng.

Những lớp học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo có tính mô phỏng, bài giảng được số hóa và chia sẻ qua những nền tảng như Facebook, YouTube, Zalo, Zoom... sẽ trở thành xu thế phát triển trong hoạt động giáo dục, đào tạo trong tương lai. Khi đó, kiến thức không thể bó hẹp và độc quyền bởi một người hay trong một phạm vi tổ chức. Người học có nhiều cơ hội để tiếp cận, tích lũy, chắt lọc cái mới, cái hay, có nhiều cơ hội để trở thành một công dân toàn cầu - người lao động tương lai có khả năng làm việc trong môi trường sáng tạo và có tính cạnh tranh.

Đổi mới giáo dục đào tạo trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay là yêu cầu tất yếu khách quan. Đây là cơ sở để ngành giáo dục nước ta tiếp tục đổi mới, phát triển hiện đại, hội nhập nhằm đáp ứng yêu cầu mới của nền kinh tế- xã hội.

Đại tá, ThS ĐOÀN ĐỨC TRỌNG - Cán bộ nghiên cứu Tâm lý học quân sự, Viện Khoa học xã hội và Nhân văn quân sự  

-------------

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.136.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.232-233.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.136.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, Tập 1, tr.232