Giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân, có đóng góp thiết thực đối với việc phát triển kinh tế và là nơi cung ứng nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Để có được kết quả tốt trong công tác tuyển sinh và đào tạo nghề, ngành giáo dục thành phố đã chủ động trong công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh chuẩn bị tốt nghiệp bậc trung học đăng ký vào học giáo dục nghề nghiệp.

leftcenterrightdel

Thực hành sửa chữa động cơ ô tô tại Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. 

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố đã phối hợp ký kết chương trình về định hướng phân luồng và giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh THCS và THPT giai đoạn 2023-2025. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố cho biết: Những năm qua, các trường trung học của thành phố tích cực thực hiện phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh giúp các em lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế, đáp ứng nhu cầu học tập và phát triển nghề nghiệp trong tương lai.

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có hơn 370 trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Mỗi năm có khoảng 250.000 người học tốt nghiệp các trình độ giáo dục nghề nghiệp và tham gia thị trường lao động. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu lao động đã qua đào tạo trên địa bàn. Do vậy, các trường nghề, cơ sở đào tạo nghề chú trọng nâng cao chất lượng, đầu tư cơ sở hạ tầng và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên; đa dạng hóa ngành nghề, hình thức đào tạo; phối hợp chặt chẽ với các trường trung học để phân luồng, định hướng nghề nghiệp từ sớm nhằm thu hút học sinh tham gia các khóa đào tạo nghề.

Anh Đỗ Văn Hưng, học sinh đào tạo nghề sửa chữa ô tô, Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Nhờ được các thầy, cô giáo tư vấn, định hướng nghề nghiệp ngay từ khi học THPT nên tôi xác định rõ xu hướng và lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng. Đến nay, tôi đã sắp hoàn thành chương trình đào tạo nghề sửa chữa ô tô để có thể tự lập trong tương lai”.

Với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao, thành phố đang xây dựng đề án hỗ trợ lãi suất cho các dự án GD-ĐT, giáo dục nghề nghiệp các cấp (trừ nhóm trẻ gia đình). Các ngành liên quan nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế hoặc nhận chuyển giao chương trình đào tạo từ các tổ chức quốc tế có uy tín, bởi chất lượng nguồn nhân lực là cốt lõi để thành phố phát triển bền vững.

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: "Cùng với việc chủ động phân luồng học sinh, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp tham mưu cho HĐND, UBND thành phố ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực sau đào tạo nghề; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tích cực phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quá trình đào tạo... nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong thời gian tới".

Bài và ảnh: THANH HUYỀN - VŨ AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.