Hàng không vũ trụ là lĩnh vực công nghệ tuy mới mẻ nhưng có tiềm năng rất lớn, hiện đang được nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tập đoàn trong nước chú trọng đầu tư nghiên cứu và phát triển.

Tại các nước phát triển, Hàng không vũ trụ được xác định là một ngành công nghiệp quan trọng mang tính chiến lược, với những tên tuổi lớn như Boeing, SpaceX, Lockheed Martin (Hoa Kỳ), Airbus (châu Âu), Safran (Pháp), Sukhoi (Liên bang Nga), Mitsubishi (Nhật Bản), KAI (Hàn Quốc), CASC, Comac (Trung Quốc)...

Bên cạnh các tập đoàn công nghiệp, nhiều viện nghiên cứu với bề dày lịch sử lâu năm đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của lĩnh vực Hàng không vũ trụ trên thế giới, như NASA, AIAA (Hoa Kỳ), EAS (châu Âu), ISAGI (Liên bang Nga), JAXA (Nhật Bản)...

Nghiên cứu sinh Nguyễn Đình Quang tham dự và trình bày báo cáo khoa học tại Hội nghị khoa học và hàng không Quốc tế ICFD 2024 (Twenty-first International Conference on Flow Dynamics) tổ chức tại Nhật Bản. 

Việc đào tạo nhân lực chất lượng cao cũng được chú trọng tại các nước phát triển; nhiều trường đại học uy tín hiện có các chuyên ngành đào tạo bậc tiến sĩ về Hàng không vũ trụ, như Viện Công nghệ Massachusetts, Viện Công nghệ California (Hoa Kỳ), Đại học Hoàng gia London (Anh), Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (Hàn Quốc)...

Tại Việt Nam, nguồn nhân lực trình độ tiến sĩ hoạt động trong lĩnh vực này chủ yếu được đào tạo từ các trường đại học trên thế giới. Điều này về lâu dài sẽ gây ra các vấn đề về tính hệ thống và tính kế thừa trong đội ngũ chuyên gia, cán bộ nghiên cứu. Do đó, để có thể xây dựng được một ngành công nghiệp Hàng không vũ trụ phát triển mạnh mẽ và bền vững, Việt Nam cần đẩy mạnh việc chủ động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ tiến sĩ ở trong nước.

Học viện Kỹ thuật Quân sự là trường đại học đầu tiên và duy nhất trong Quân đội hiện đang đào tạo chuyên ngành này bậc tiến sĩ. Hiện tại, chỉ một số ít cơ sở đào tạo ngoài Quân đội có đào tạo bậc tiến sĩ về Hàng không vũ trụ. Tuy nhiên, lưu lượng đào tạo của các cơ sở này còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay.

Nghiên cứu sinh chuyên ngành Cơ kỹ thuật Hàng không vũ trụ và giáo viên hướng dẫn tham dự và trình bày báo cáo khoa học tại Hội thảo châu Á - Thái Bình Dương về khoa học và kỹ thuật hàng không (Asian Pacific Conference on Aerospace Technology and Science - APCAST 2023) tổ chức tại Jeju, Hàn Quốc. 

Nghiên cứu sinh Lê Quang Quyền báo cáo luận án tiến sĩ tại buổi seminar cấp bộ môn. 

Chương trình đào tạo tiến sĩ về Cơ kỹ thuật Hàng không vũ trụ tại Học viện Kỹ thuật Quân sự do Khoa Hàng không vũ trụ chủ trì thực hiện, bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2022-2023. Hiện nay, Khoa đang đào tạo 5 nghiên cứu sinh theo các hướng đề tài luận án về UAV, tên lửa vũ trụ, thiết bị bay lên thẳng.

Các nghiên cứu sinh thuộc chuyên ngành luôn bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tiến độ công việc; tích cực tham gia các hội nghị khoa học trong nước và quốc tế; chủ trì nhiều công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành thuộc danh mục ISI/Scopus. Từ năm 2022 tới nay, nghiên cứu sinh thuộc chuyên ngành đã công bố 7 bài báo ISI/Scopus, hơn 10 bài báo thuộc tuyển tập các hội nghị khoa học quốc tế. Nhiều nghiên cứu sinh đã được tạo điều kiện tham gia các đoàn công tác nước ngoài để trình bày báo cáo khoa học trực tiếp tại các hội thảo chuyên ngành quốc tế về lĩnh vực Hàng không vũ trụ; hoặc tham gia vào các đề tài, dự án khoa học công nghệ để tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu chuyên sâu và thực tiễn.

Theo Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Đình Dũng, Phó chủ nhiệm Bộ môn, Khoa Hàng không vũ trụ, Học viện Kỹ thuật Quân sự - đơn vị đã có truyền thống hơn 20 năm nghiên cứu và đào tạo về khoa học và công nghệ Hàng không vũ trụ, việc đào tạo trình độ tiến sĩ chuyên ngành Cơ kỹ thuật Hàng không vũ trụ là cơ hội để Khoa Hàng không vũ trụ nói riêng và Học viện Kỹ thuật Quân sự nói chung khẳng định vai trò là một trong những đơn vị học thuật hàng đầu trong Quân đội về thiết bị bay và thiết bị vũ trụ.

Bên cạnh đó, chuyên ngành Tiến sĩ Cơ kỹ thuật Hàng không vũ trụ còn là sự phát triển và tiếp nối cho các hướng đào tạo bậc đại học về Kỹ thuật hàng không, UAV hiện đang được thực hiện tại Học viện Kỹ thuật Quân sự; từ đó khẳng định tính liên thông của chuyên ngành. Chương trình đào tạo Tiến sĩ Cơ kỹ thuật Hàng không vũ trụ tại Học viện Kỹ thuật Quân sự được xây dựng với các học phần, chuyên đề nghiên cứu được sắp xếp theo các khối kiến thức đặc thù, chuyên sâu của lĩnh vực Hàng không vũ trụ như khí động lực học, động lực học bay và điều khiển, kết cấu và vật liệu hàng không vũ trụ, động cơ phản lực. Ngoài ra, cuối khóa học, nghiên cứu sinh có thể lựa chọn viết và bảo vệ luận án bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt.

Đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo chuyên ngành Cơ kỹ thuật Hàng không vũ trụ tại Học viện Kỹ thuật Quân sự có năng lực chuyên môn tốt, thành thạo ngoại ngữ, được đào tạo bài bản từ nhiều trường đại học uy tín trong nước và quốc tế. Học viện Kỹ thuật Quân sự cũng có các phòng thí nghiệm về thiết bị bay, UAV và các hệ thống phần mềm chuyên dụng trong nghiên cứu kỹ thuật Hàng không vũ trụ.

Bên cạnh đó, Khoa Hàng không vũ trụ có mối liên hệ chặt chẽ với các đơn vị chế tạo, sản xuất, các cơ sở đào tạo trong nước về Hàng không vũ trụ và các chuyên gia, nhà khoa học của các trường đại học uy tín trên thế giới đến từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp... Hằng năm, đội ngũ giảng viên đào tạo chuyên ngành luôn duy trì số lượng lớn các công bố khoa học thuộc các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus, trong đó có nhiều bài báo trên các tạp chí hàng đầu thế giới về Hàng không vũ trụ như AIAA Journal, Journal of Aircraft (Hoa Kỳ), Aerospace Science and Technology (Pháp), Journal of Fluid Mechanics (Anh),…

“Có thể nói, trình độ và năng lực đào tạo chuyên sâu thuộc lĩnh vực Cơ kỹ thuật Hàng không vũ trụ của Học viện Kỹ thuật Quân sự hiện tại đang bám sát và đáp ứng được các yêu cầu của xu hướng phát triển khoa học công nghệ hiện đại trên thế giới”, Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Đình Dũng khẳng định.

Yêu cầu đối với người dự tuyển đào tạo tiến sĩ lĩnh vực Hàng không vũ trụ

a) Đã tốt nghiệp thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học hạng giỏi trở lên ngành phù hợp. Các trường hợp tốt nghiệp các chuyên ngành khác, Hội đồng khoa học và đào tạo khoa xem xét, quyết định;

b) Đáp ứng yêu cầu đầu vào theo chuẩn chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và của chương trình đào tạo tiến sĩ đăng ký dự tuyển;

c) Có kinh nghiệm nghiên cứu thể hiện qua luận văn thạc sĩ của chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu; hoặc bài báo, báo cáo khoa học đã công bố; hoặc có thời gian công tác từ 2 năm (24 tháng) trở lên là giảng viên, nghiên cứu viên của các cơ sở đào tạo, tổ chức khoa học và công nghệ;

d) Có dự thảo đề cương nghiên cứu và dự kiến kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa.

Yêu cầu về ngoại ngữ

Người dự tuyển là công dân Việt Nam phải đạt yêu cầu về năng lực ngoại ngữ được minh chứng bằng một trong những văn bằng, chứng chỉ sau:

a) Bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên do một cơ sở đào tạo nước ngoài, phân hiệu của cơ sở đào tạo nước ngoài ở Việt Nam hoặc cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp cho người học toàn thời gian bằng tiếng nước ngoài;

b) Bằng tốt nghiệp trình độ đại học ngành ngôn ngữ tiếng nước ngoài do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp;

c) Có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ tương đương trình độ bậc 4 (theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

*Yêu cầu về ngoại ngữ đối với người nước ngoài

Người dự tuyển là công dân nước ngoài nếu đăng ký theo học chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ bằng tiếng Việt phải có chứng chỉ tiếng Việt tối thiểu từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài và phải đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ thứ hai do Học viện quyết định, trừ trường hợp là người bản ngữ của ngôn ngữ được sử dụng trong chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ; hoặc đã tốt nghiệp các cấp học ở bậc giáo dục phổ thông, sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ mà ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt.

Thời gian đào tạo

+ Thời gian đào tạo tiêu chuẩn của trình độ tiến sĩ gồm 3 năm (36 tháng) đối với người dự tuyển đã tốt nghiệp trình độ thạc sĩ; 4 năm (48 tháng) đối với người dự tuyển tốt nghiệp trình độ đại học loại giỏi; mỗi nghiên cứu sinh có một kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa nằm trong khung thời gian đào tạo tiêu chuẩn được phê duyệt kèm theo quyết định công nhận nghiên cứu sinh.

+ Nghiên cứu sinh được phép hoàn thành chương trình đào tạo sớm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa không quá 1 năm (12 tháng), hoặc chậm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa nhưng tổng thời gian đào tạo không vượt quá 6 năm (72 tháng) tính từ ngày quyết định công nhận nghiên cứu sinh có hiệu lực đến thời điểm hoàn thành các thủ tục trình luận án tiến sĩ, trước khi thực hiện quy trình phản biện độc lập và thành lập Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Học viện.

HỒNG UYÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.