Hầu hết các trường đều đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số (CĐS), đào tạo CNTT. Hệ thống giáo trình, tài liệu, bài giảng điện tử được số hóa, giúp học viên dễ tiếp cận, khai thác kho học liệu thông qua mạng truyền số liệu quân sự.
Quản lý học viên, khảo thí trên môi trường số
Là trung tâm đào tạo mũi nhọn về kỹ thuật quân sự, Học viện Kỹ thuật Quân sự đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào đạo CNTT và CĐS. Các khoa, bộ môn đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, giúp học viên dễ dàng khai thác, sử dụng dữ liệu được số hóa. Công tác quản lý học viên, khảo thí được duy trì trên môi trường số giúp cán bộ, giảng viên dễ dàng theo dõi, giám sát quy trình giảng dạy, đồng thời học viên có cơ hội trao đổi, tương tác. Các trung tâm mô phỏng giúp học viên trải nghiệm những thành tựu khoa học kỹ thuật, nâng cao kỹ năng vận dụng lý thuyết vào thực hành. Đặc biệt, khi điều kiện thời tiết xấu thì hệ thống mô phỏng là mô hình tối ưu để người học có thể huấn luyện sát thực tế, nắm bắt kiến thức toàn diện.
 |
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra phòng học thực hành của Trường Sĩ quan Chính trị. |
Thiếu tướng Trần Xuân Nam, Phó giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết: "Căn cứ khung chương trình, Học viện rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung đào tạo về CNTT, CĐS phù hợp với từng đối tượng học viên. Giảng viên thường xuyên tương tác, giao bài tập, bài thực hành cho học viên theo nhóm, ứng dụng CĐS trong báo cáo kết quả".
Xây dựng ứng dụng phục vụ công tác giáo dục, đào tạo
Tiên phong trong công tác xây dựng các phần mềm ứng dụng CNTT vào giảng dạy là Học viện Quốc phòng. Thiếu tướng Vũ Kim Hà, Phó giám đốc Học viện Quốc phòng cho biết: "Các nhiệm vụ CĐS năm 2024 được Bộ Quốc phòng giao, Học viện đều hoàn thành đúng tiến độ, đạt chỉ tiêu đề ra. Điển hình là nhiệm vụ mở rộng hạ tầng máy tính nội bộ của các cơ quan, khoa, hệ.
Ngoài việc triển khai hiệu quả các phần mềm kiểm kê, quản lý cán bộ, thư viện điện tử, thư viện số, Học viện đã xây dựng các ứng dụng phục vụ công tác giáo dục-đào tạo (GD-ĐT), nổi bật là: Hệ thống thông tin số phục vụ huấn luyện, đào tạo tác chiến chiến dịch, chiến lược; phần mềm hệ thống hỗ trợ đánh giá thông tin địa hình tác chiến phục vụ học tập, nghiên cứu và thực hành diễn tập chỉ huy tham mưu cấp chiến dịch, chiến lược; phần mềm hệ thống hỗ trợ đánh giá, kiểm tra và mô phỏng quyết tâm tác chiến chiến dịch tiến công".
Tại Học viện Biên phòng, Đảng ủy, Ban giám đốc đã chỉ đạo cấp ủy đảng các cấp đưa nội dung CĐS trong lĩnh vực GD-ĐT vào nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ thường xuyên. Cấp ủy, chỉ huy các cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên, học viên về vai trò, sự cần thiết, tính cấp bách của công tác đào tạo CNTT, CĐS; gắn mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo CNTT, CĐS với nghị quyết, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển GD-ĐT của Học viện.
Thiếu tướng Giang Văn Cử, Giám đốc Học viện Biên phòng cho biết: “Học viện đã chủ động xây dựng, điều chỉnh các chương trình đào tạo CNTT; xây dựng các phần mềm chuyên ngành, phần mềm phục vụ đào tạo, khảo thí, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, CĐS trong GD-ĐT. Đặc biệt, các khoa, bộ môn đã sử dụng sản phẩm đa phương tiện, bảng tương tác thông minh vào quá trình giảng dạy; xây dựng các phần mềm có tính ứng dụng cao, như: Phần mềm thủ tục biên phòng điện tử, phần mềm quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh”.
Chú trọng trang bị kiến thức về công nghệ thông tin, chuyển đổi số
Tại Trường Sĩ quan Chính trị, ngoài đào tạo các kiến thức cơ bản về CNTT, đưa nội dung CĐS vào giáo trình, nhà trường chú trọng trang bị cho học viên kiến thức về mạng truyền số liệu quân sự, tác chiến không gian mạng, an toàn thông tin, an ninh mạng; chủ trương, định hướng về CĐS của Chính phủ và Bộ Quốc phòng. Đặc biệt, nhà trường duy trì thường xuyên hoạt động của 2 cổng thông tin điện tử trên mạng truyền số liệu quân sự, ứng dụng CNTT trong quản lý, chỉ huy, điều hành, GD-ĐT, nghiên cứu khoa học; triển khai đồng bộ phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc có chữ ký số đến 100% đầu mối cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác đào tạo CNTT, CĐS, các học viện, nhà trường Quân đội còn gặp không ít khó khăn, như chất lượng nguồn nhân lực trong thực hiện công tác CĐS chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Việc vận dụng phương pháp dạy học tích cực trong giảng dạy, đào tạo CNTT, CĐS của một số cán bộ, giảng viên còn mức độ. Trình độ, năng lực khai thác sử dụng, ứng dụng CNTT đáp ứng với chuẩn đầu ra của một số cán bộ, giảng viên, học viên còn hạn chế.
Trung tướng Nguyễn Hùng Oanh, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị đề xuất: “Bộ Quốc phòng sớm xây dựng, ban hành Bộ tiêu chí chung về CĐS trong GD-ĐT đối với các học viện, nhà trường Quân đội, làm cơ sở để nhà trường xây dựng, điều chỉnh khung chương trình dạy, học về CNTT và chuẩn hóa chuẩn đầu ra chương trình, môn học”.
Một vấn đề khác là phần lớn học viện, nhà trường Quân đội hiện nay quản lý chặt chẽ việc học viên sử dụng điện thoại thông minh trong và ngoài giờ học. Điều này dễ hiểu vì việc kiểm soát thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật quân sự là cần thiết. Tuy nhiên, các học viện, nhà trường cần có biện pháp cụ thể trong quản lý để phù hợp với tình hình thực tế. Cần phát huy tính ưu việt của các thiết bị thông minh trong khai thác học liệu, tư liệu phục vụ học tập. Bên cạnh quản lý về thời gian, nội dung, các học viện, nhà trường cần định hướng, khuyến khích học viên sử dụng các thiết bị thông minh đúng mục đích, phục vụ học tập, tương tác giữa người dạy và người học trong lĩnh vực đang được đào tạo.
Bài và ảnh: TUẤN NAM
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Nhà trường Quân đội xem các tin, bài liên quan.