Cần đào tạo lại một lượng lớn lao động

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, CMCN 4.0 tạo nên nhiều cơ hội mới cho các nền kinh tế khi máy móc tự động hóa thay thế con người nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, thách thức từ cuộc cách mạng này không hề nhỏ khi những ngành nghề sử dụng lao động ở mức độ đào tạo đơn giản sẽ biến mất, thay vào đó là các ngành nghề mới đòi hỏi trình độ, kỹ thuật cao ra đời. Do đó, để không bị tụt hậu, đào thải, người lao động buộc phải nâng cao trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.

leftcenterrightdel
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần công nghệ Năng lực Việt tại KCN Nam Thăng Long, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.

Phát biểu tại Hội nghị “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ CMCN 4.0” do Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội vừa tổ chức, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu rõ, cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo nên các nhà máy thông minh, nhà máy số, đều được quản lý, quản trị trên nền tảng của công nghệ số… Lúc này, con người chỉ tham gia vào việc giám sát, điều hành hệ thống sản xuất và các hoạt động đòi hỏi các kỹ năng và kiến thức mà máy móc không thể thay thế được. Bên cạnh đó, quá trình hội nhập, nhân lực chất lượng cao không chỉ đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn trong nước mà sẽ cần phải tính tới những tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường nước ngoài. Điều này tạo sức ép rất lớn, đòi hỏi các CSĐT phải có sự chuyển đổi phù hợp để đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các yêu cầu công việc thay đổi liên tục.

Gắn kết doanh nghiệp với cơ sở đào tạo

Theo các chuyên gia kinh tế, để đáp ứng được nhu cầu của cuộc CMCN 4.0, xu hướng mới đòi hỏi sự thay đổi trong phương pháp quản trị, đào tạo và hợp tác chặt chẽ hơn giữa nhà trường-nhà khoa học-nhà DN. Đó là gắn kết hoạt động đào tạo của nhà trường với hoạt động sản xuất của DN thông qua các mô hình liên kết đào tạo giữa nhà trường và DN hay đẩy mạnh việc hình thành các CSĐT trong DN để chia sẻ các nguồn lực chung. Theo TS Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Hợp tác DN, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, hợp tác giữa các trường đại học và DN là yếu tố cốt lõi trong  phát triển nguồn nhân lực gắn liền yêu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Chính vì vậy, nhà trường cần có cơ chế khuyến khích giảng viên tới DN để tiếp cận thực tế, nắm bắt yêu cầu của DN, cùng với đó, xây dựng cơ chế mời chuyên gia giỏi từ DN tham gia giảng dạy, hướng dẫn tại trường.

leftcenterrightdel
Mô hình tự động hóa trong dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần công nghệ Năng lực Việt tại KCN Nam Thăng Long, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) nhận định: "Từ tổng quát nhất để mô tả tính chất CMCN 4.0 là làm ngược. Công cụ của công nghệ 4.0 chủ yếu hỗ trợ cho việc làm khác đi. Còn nếu cứ làm giống những người đi trước, mãi mãi thì sẽ không có cơ hội bứt phá. Nhưng quan trọng là người ta có dám làm, dám thay đổi hay không. Đó cũng chính là cách mà Viettel vận hành, biến đổi và đào tạo nhân lực”.

Nêu rõ về cách thức đào tạo nhân lực cho Viettel trong cuộc CMCN 4.0, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra triết lý "ngược" đã được tập đoàn ứng dụng. Cụ thể, nếu trước đây người ta học trước rồi mới làm thì nay phải ngược lại, làm trước mới học sau. Trước đây giáo viên là thầy thì nay giáo viên chỉ nên là huấn luyện viên, để học trò làm là chính. Việc giảng dạy nếu trước là dạy sâu chuyên ngành thì nay phải là đa ngành vì cơ hội nằm ở sự liên kết giữa các ngành.... Bên cạnh đó, để nhân lực đáp ứng được yêu cầu công việc trong tương lai, hạ tầng của nhà trường không phải chỉ là sách và thư viện mà cần có hạ tầng giống như một nhà máy để sinh viên thực tập, hành nghề.

Thời gian qua, Viettel đã phối hợp với một số trường đại học trong đào tạo nhân lực. Gần nhất, Đại học Quốc gia Hà Nội và Viettel đã phối hợp thành lập Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ. Cùng với Đại học FPT (thuộc Tập đoàn FPT) đã hình thành từ trước thì có thể thấy rõ xu hướng các DN thành lập các CSĐT, trường đại học.

Để đảm bảo mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của một nền sản xuất thông minh trong tương lai, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị các cơ sở giáo dục, đào tạo cần quyết liệt thực hiện việc chuyển đổi mô hình đào tạo theo hướng chủ động nắm bắt, đón đầu xu thế và yêu cầu của thị trường lao động. Đổi mới phương thức đào tạo và quản trị đại học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động giảng dạy. Cùng đó, phải nâng cao năng lực và chất lượng của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. “Đặc biệt, các CSĐT cần đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu thị trường. Đây là nội dung cần được đặc biệt quan tâm bởi cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi rất lớn cơ cấu việc làm trong xã hội. Do đó, cần phải nắm bắt được những thay đổi này và có những điều chỉnh kịp thời trong hoạt động đào tạo của nhà trường”-Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu quan điểm.

Bài và ảnh: VŨ DUNG