Chính sách còn bất cập
Điểm ưu tiên trong tuyển sinh ĐH, CĐ là mức điểm Nhà nước dành cho các thí sinh diện đặc biệt thuộc một trong các đối tượng và khu vực theo quy định, nhằm tạo sự công bằng cho các đối tượng/vùng miền khi điều kiện tiếp cận giáo dục bậc phổ thông chưa đều. Hiện chính sách cộng điểm ưu tiên chia làm 4 khu vực (KV). Mức điểm ưu tiên áp dụng cho KV1 (thuộc vùng dân tộc và miền núi) là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) là 0,5 điểm, KV2 là 0,25 điểm và KV3 không được tính điểm ưu tiên.
 |
Thí sinh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022. |
Qua thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT của 3 năm qua, nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên (chiếm 25% tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp) luôn có phổ điểm tổng 3 môn cao hơn hẳn so với các nhóm thí sinh còn lại (nhóm được cộng điểm ưu tiên ở các mức độ khác nhau). Sau khi cộng điểm ưu tiên theo quy định hiện tại, tỷ lệ thí sinh có tổng điểm 3 môn dưới 22,5 điểm của nhóm đã cộng điểm ưu tiên tiệm cận với nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên. Điều này chứng tỏ việc cộng điểm ưu tiên đã gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH cho những nhóm thí sinh có điều kiện khó khăn hơn.
Tuy nhiên, phân tích dữ liệu cho thấy có sự bất hợp lý là tỷ lệ thí sinh đạt điểm cao từ 22,5 điểm trở lên của nhóm được ưu tiên lại tăng vọt, cao hơn hẳn (thậm chí tỷ lệ này cao gấp đôi ở nhiều mức điểm) so với nhóm thí sinh không thuộc diện ưu tiên. Điều này dẫn tới sự mất công bằng khi những thí sinh không được cộng điểm tiếp cận, ứng tuyển vào các ngành, các trường có mức độ cạnh tranh cao; thậm chí dẫn tới hiện tượng một số ngành có điểm chuẩn tiệm cận 30 điểm.
Thực tế, chính sách này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) điều chỉnh không ít lần, nhưng vẫn bộc lộ bất cập. Từ năm 2003 trở về trước, mức chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp là 1 điểm, như vậy thí sinh được cộng tối đa lên tới 3 điểm. Từ năm 2004 đến 2017, hai khu vực kế tiếp chênh nhau nửa điểm, thí sinh được cộng tối đa 1,5 điểm. Từ 2018 đến nay, thí sinh chỉ được cộng tối đa 0,75 điểm.
Nhiều ý kiến cho rằng, cộng điểm ưu tiên cho thí sinh thuộc các khu vực khó khăn là một chính sách nhân văn, tuy nhiên khi đời sống kinh tế-xã hội đã tăng lên, sự chênh lệch giữa một số vùng không còn như trước. Nên phân chia lại cách cộng điểm cho phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn; để học sinh ở khu vực không được được cộng điểm đỡ thiệt thòi, nhất là trong bối cảnh một số trường điểm chỉ chênh nhau 0,01 cũng quyết định việc đỗ hay trượt.
Với quan điểm chưa thể bỏ điểm ưu tiên trong thi cử, PGS, TS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: "Chính sách ưu tiên của Nhà nước cho những vùng khó khăn để bảo đảm sự bình đẳng, công bằng là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Nhờ đó, mở ra nhiều cơ hội học tập cho thí sinh ở khu vực khó khăn. Sau khi tốt nghiệp, các em trở về phục vụ địa phương, từng bước góp phần nâng cao đời sống, phát triển kinh tế quê hương mình".
 |
Thí sinh làm thủ tục nhập học vào Trường Đại học Phenikaa, năm học 2020-2021. |
Theo chuyên gia này, việc cộng điểm ưu tiên cũng ví như liều thuốc bổ, nếu quá liều sẽ phản tác dụng. Cộng điểm quá nhiều đôi khi khiến trình độ của người học giảm sút, trường không tuyển được những thí sinh có đủ năng lực thực sự. Do đó, cần tính toán, điểm ưu tiên ở mức độ nào để tạo được nguồn đào tạo chất lượng. Bên cạnh chính sách cộng điểm, cần nâng cao chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất bảo đảm điều kiện học tập cho học sinh vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn và phát huy hệ thống hỗ trợ của các trường dân tộc nội trú, trường dự bị đại học. Khi những chính sách này được làm tốt thì mới không cần cơ chế cộng điểm ưu tiên.
Điều chỉnh cho phù hợp
Thực tế, thí sinh diện được ưu tiên cộng điểm chiếm 75% số thí sinh dự thi nên mỗi sự thay đổi về quy định ưu tiên đều ảnh hưởng tới đa số, gây ra nhiều băn khoăn. TS Nguyễn Phi Long, Trưởng phòng Đào tạo (Học viện Phụ nữ Việt Nam) cho hay: "Trong điều kiện tiếp cận giáo dục không ngang nhau thì chính sách này bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục. Tuy nhiên, cộng điểm ưu tiên như thế nào là câu chuyện phải tính kỹ, không nên cào bằng trong cùng một khu vực như trước. Việc cộng điểm ưu tiên nên xét theo hướng: Đối với thí sinh ở vùng được cộng điểm ưu tiên khi đạt mức điểm nào thì nên cộng bao nhiêu điểm là phù hợp".
"Thực tế còn cho thấy tại nhiều trường đại học, do chính sách cộng điểm ưu tiên, thí sinh có điểm xét tuyển cao nhất vào trường không phải là thí sinh có điểm thi cao nhất" (TS Nguyễn Phi Long, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam).
Theo PGS, TS Nguyễn Viết Thái, Trưởng phòng Đối ngoại và truyền thông (Trường Đại học Thương mại), khoảng cách về điều kiện học tập giữa thành phố và nhiều vùng nông thôn hiện không quá xa nhau. Nếu so sánh với một số trường ở mức trung bình tại thành phố, nhiều trường THPT thuộc KV2 nông thôn có điểm thi còn cao hơn. Do đó, chính sách điểm ưu tiên dựa theo khu vực chỉ mang tính tương đối, nên chi tiết vào những vùng đặc biệt khó khăn.
Với những bất hợp lý trong cộng điểm ưu tiên hiện nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: "Về mặt lý thuyết, điều chúng ta mong muốn sau khi được cộng điểm ưu tiên, phổ điểm của 4 KV có tính tương đương. Nhưng qua phân tích phổ điểm của thí sinh, Bộ GD&ĐT đã nhận ra một số bất hợp lý trong việc cộng điểm ưu tiên khu vực".
Để khắc phục sự bất hợp lý nêu trên, bảo đảm tính công bằng trong toàn hệ thống và có lộ trình áp dụng, từ năm 2023, Bộ GD&ĐT sẽ áp dụng quy định mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10), sau đó sẽ giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0).
|
Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng sẽ bằng [(30 - tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường. Chẳng hạn, nếu lấy mốc 24 điểm, những thí sinh đạt từ 24 điểm/3 môn trở xuống vẫn sẽ được hưởng điểm ưu tiên như hiện nay. Nhưng nếu thí sinh đạt mức 25 điểm sẽ chỉ còn được hưởng 5/6 mức điểm ưu tiên, 27 điểm sẽ chỉ còn 3/6... Thí sinh 30 điểm thì không được điểm ưu tiên.
Với cách làm như trên, sẽ không có thí sinh có điểm xét vượt quá 30, các ngành điểm cao việc cạnh tranh sẽ công bằng hơn. Cũng từ năm 2023, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp để xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Có thể thấy, việc áp dụng chính sách xã hội là cần thiết, giúp tăng tiếp cận giáo dục và đào tạo bậc cao đối với các thí sinh ở vùng khó khăn và thuộc đối tượng yếu thế. Tuy nhiên, tổng số thí sinh thuộc diện hưởng các ưu tiên khác nhau là rất lớn, nên cần bảo đảm sự công bằng, tránh để sự hỗ trợ đó lại khiến nhóm thí sinh khác bị bất lợi...
|
Bài và ảnh: THU HÀ