Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long khẳng định với tinh thần thần chủ động, vượt khó của chính quyền và toàn ngành giáo dục, mọi công tác chuẩn bị năm học mới đã sẵn sàng.
Phóng viên (PV): Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa năm học mới sẽ bắt đầu, công tác chuẩn bị năm học mới đến thời điểm này đã triển khai như thế nào thưa ông?
Ông Trịnh Văn Ngoãn: Công tác chuẩn bị năm học mới được các cấp chính quyền và ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đặc biệt quan tâm thực hiện ngay từ trong hè. Việc xây dựng mới hoặc sửa chữa các phòng học, phòng làm việc, nhà vệ sinh và các hạng mục công trình phục vụ học tập được thực hiện quyết liệt trong thời gian học sinh nghỉ hè, đặc biệt tỉnh đầu tư kinh phí lớn để sửa chữa, nâng cấp các nhà vệ sinh và công trình nước sạch phục vụ cho học sinh và giáo viên ngày một tốt hơn.
 |
Ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long. |
Việc đầu tư sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, sách và tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập cũng được Sở GD&ĐT cùng các cơ sở giáo dục quan tâm, triển khai thực hiện. Đặc biệt các hoạt động chuyên môn liên quan đến Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở lớp 2, lớp 6 được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Ngoài ra Ban chỉ đạo phổ cập, xóa mù chữ các cấp cùng với thầy cô các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh đã rà soát nắm trữ lượng và tổ chức vận động học sinh đi học đúng độ tuổi nhằm duy trì và nâng chất lượng phổ cập của địa phương, phấn đấu huy động đạt 100% kế hoạch. Nhìn chung công tác chuẩn bị cho năm học 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long khá chu đáo.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Vĩnh Long là một trong các tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 19-7 đến nay nên công tác chuẩn bị năm học mới cũng gặp một số khó khăn nhất định. Với tinh thần chủ động, vượt khó, đồng tâm chống dịch nhiều thầy cô đã xung phong tham gia chống dịch, nhiều cơ sở giáo dục được trưng dụng làm địa điểm cách ly hoặc sử dụng cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Tính đến thời điểm hiện tại, có 138 cơ sở giáo dục mầm non được sử dụng cho công tác phòng chống dịch của địa phương.
PV: Với diễn biến phức tạp của dịch, ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Long đã ứng phó ra sao và có kế hoạch cho học sinh bước vào năm học mới như thế nào, thưa ông?
Ông Trịnh Văn Ngoãn: Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương chủ động, sáng tạo đổi mới hình thức chuẩn bị. Các hoạt động bồi dưỡng tập huấn và hội họp được chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến và từ xa; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giải quyết công việc, đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng giải quyết thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến.
 |
Học sinh tỉnh Vĩnh Long tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. |
Phương án đón học sinh trở lại trường cũng được tính toán cho phù hợp với điều kiện vừa thực hiện chương trình vừa phòng chống dịch Covid 19 hiệu quả theo phương châm đặt sự an toàn của học sinh lên trên hết. Thời gian học của học sinh được chia thành 3 đợt: Đợt 1 cho khối 9 và khối 12 bắt đầu học từ ngày 6-9; đợt 2 cho khối 6, 7, 8, 10, 11 vào học từ ngày 13-9; đợt 3 cho học sinh mầm non, tiểu học vào học từ 20-9. Các cơ sở giáo dục cũng xây dựng phương án, kịch bản tổ chức giảng dạy từ xa khi học sinh không thể đến trường do dịch bệnh.
PV: Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tất cả học sinh, trong đó khối học sinh đầu cấp chịu ảnh hưởng nhiều hơn cả. Trong hoàn cảnh đó, Sở GD&ĐT Vĩnh Long đã chỉ đạo việc tuyển sinh và tiếp nhận những học sinh này như thế nào, thưa ông?
Ông Trịnh Văn Ngoãn: Ngay từ tháng 4, tỉnh đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục thống kê số lượng học sinh và thực hiện các khâu trong quy trình tuyển sinh lớp 1, lớp 6 năm học 2021 – 2022 nghiêm túc, đúng quy trình, quy định. Riêng tuyển sinh lớp 10 được tỉnh thực hiện theo hình thức thi tuyển cho tất cả các trường trong địa bàn tỉnh. Danh sách học sinh trúng tuyển lớp 10 đã được phê duyệt, công tác huy động học sinh/học viên không trúng tuyển lớp 10 vào học hệ thường xuyên và học nghề theo mục tiêu phân luồng sau tốt nghiệp trung học cơ sở cũng được Sở GD&ĐT cùng Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện rất nhịp nhàng.
Những khối học sinh đầu cấp, các cơ sở chủ động chuyển đổi hình thức làm thủ tục nhập học trực tuyến cho học sinh, hồ sơ sẽ được hoàn chỉnh sau khi học sinh vào học chính thức. Đối với những học sinh không thể nhập học đúng lịch chung của tỉnh sẽ được các trường tổ chức phụ đạo để bù đắp kiến thức.
PV: Theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, năm nay cũng là năm đầu tiên học sinh lớp 2 và 6 được học sách giáo khoa mới. Đến thời điểm này việc nhận sách giáo khoa mới của các trường đã thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Trịnh Văn Ngoãn: Công tác thống kê nhu cầu sách cho học sinh và giáo viên của các cơ sở giáo dục được quan tâm thực hiện ngay từ đầu tháng 4. Tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các nhà xuất bản và các đơn vị cung ứng sách giáo khoa, đến thời điểm hiện tại có 6/8 huyện, thị xã, thành phố đã trang bị đủ sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 6. Hai huyện còn lại sẽ được trang bị đủ sau khi tỉnh hết giãn cách xã hội.
Với truyền thống tương thân, tương ái, đồng lòng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, các nguồn lực đã được huy động để trang bị sách cho học sinh nghèo, học sinh có điều kiện khó khăn nhằm không để học sinh tỉnh Vĩnh Long thiếu sách, vở trong năm học 2021 - 2022 tới.
PV: Xin cảm ơn ông!
KHÁNH HÀ (thực hiện)