leftcenterrightdel
Ở nhà cô Ngô Thị Nhàn, Sùng Thị Chấu vẫn tranh thủ ôn kiến thức chờ ngày khai giảng. 
Mới chỉ cách đây chưa đầy một tháng, Sùng Thị Chấu, học sinh lớp 12A Trường PTDT nội trú THCS & THPT Yên Minh, Hà Giang tưởng như sẽ phải dừng chân trước ngưỡng cửa đại học, dù em đã đỗ với số điểm khá cao 28,5 (cả điểm cộng ưu tiên) nếu không có những tấm lòng thiện nguyện tiếp sức cho Chấu trên con đường thực hiện ước mơ của mình.

Học để thay đổi cuộc đời

Sinh ra và lớn lên ở thôn Cán Hồ, xã Thái An, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, cô học trò người dân tộc Mông (sinh năm 1999) biết rằng chỉ có con đường học mới giúp cô và gia đình với 10 người con thoát khỏi cảnh đói nghèo. Cuộc sống mà không chỉ gia đình Chấu mà toàn bộ người dân trong thôn bao đời nay lam lũ, phơi mình trên nương rẫy mà chưa bao giờ đủ ăn.

Vượt qua bao khó khăn, 12 năm học Chấu điều đạt học sinh tiên tiến, học sinh giỏi tại địa phương. Em cũng là một trong 5 học sinh của tỉnh Hà Giang vừa đoạt danh hiệu Học sinh giỏi cấp Quốc gia năm học 2016-2017.

Là con thứ 5 trong gia đình, em út của Chấu năm nay mới 3 tuổi nên dù đi học xa nhà, cuối tuần Chấu đều tranh thủ về nhà giúp gia đình. Hôm thì trông em, hôm cho gà lợn ăn, đi lấy cỏ cho bò, làm nương, hun ngô... Ở làng, bằng tuổi Chấu, ai cũng lấy chồng hết, mỗi mình Chấu đi học.

Chấu kể, đôi lúc cũng muốn bỏ học ở nhà giúp bố mẹ nhưng nghĩ nếu không học thì cuộc sống cũng giống bố mẹ, suốt ngày quanh quẩn trên nương, không biết cuộc sống bên ngoài ra sao, vất vả vậy mà chưa bao giờ đủ tiền mua bộ quần áo mới cho các con. Thế nên Chấu nghĩ “thôi mình đi học một thời gian rồi về giúp bố mẹ bằng chính kiến thức của mình”.

Trong làng Chấu ai cũng khó khăn, bữa cơm chỉ có mèn mén với rau; quần áo đều do các đoàn từ thiện mang lên. Lý do mà bố mẹ đồng ý cho Chấu đi học là vì “đi học được ăn cơm”. Chấu kể hồi em học dưới xã, bữa ăn cũng chỉ có cơm với nước trắng. Cuối tuần còn tranh thủ mang ít cơm về cho mẹ.

Thế rồi lớp 6, lớp 7 Chấu được lên huyện học. Mỗi lần về nhà đi bộ hơn 25km từ 7 giờ sáng đến tận 4-5 giờ chiều mới về tới nhà. “Đi cả ngày như thế mẹ thương quá, nhà không có gì vậy mà mẹ còn mổ con gà bé tí, lấy đùi gà cho mang đi”, Chấu ngân ngấn nước mắt nhớ lại.

Cái đói, cái nghèo trên mảnh đất núi đá khô cằn ấy không những không làm “héo mòn” đi ý chí của Chấu, mà còn khiến em quyết tâm hơn, đặt toàn bộ niềm tin và mơ ước vào học. Nhìn tấm gương các anh chị ở trường nội trú khóa trước, Chấu ngưỡng mộ lắm. Em cũng thầm ước một ngày nào đó mình cũng làm được như họ.

Hôm nhận tin đỗ đại học, Chấu vừa vui vừa buồn, buồn vì thành tích của mình lại là gánh nặng cho gia đình. Chấu chỉ dám vui âm thầm thôi. Cuối cùng, cô vẫn hé lộ tin vui này với bố mẹ nhưng bố mẹ Chấu chẳng hiểu đỗ đại học là gì, còn hỏi “như thế là cái gì?”.

Anh trai thấy Chấu vui vui nên gặng hỏi, Chấu nói “em đỗ đại học rồi, anh có cho em đi học không?, anh bảo đừng đi học nữa, ở nhà chăn dê thôi!”. Lúc đó Chấu buồn lắm, em chỉ bảo “nếu không cho em đi học nữa em cũng không ở nhà, suốt năm lên nương mà không kiếm được nghìn nào, thà đi làm thêm như chị hai còn có tiền giúp bố mẹ và mấy em ăn học”.

Đúng lúc Chấu chuẩn bị đi tìm việc làm thì anh Nguyễn Duy Tuấn - công tác ở Báo Hà Giang, người mà Chấu có dịp biết trong mấy lần anh xuống trường và cả hôm Chấu đoạt giải Ba môn Địa lý Kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia - thông báo đã có người nhận đỡ đầu, giúp đỡ em ăn học ở Hà Nội.

Từ hôm tin về Chấu được đăng trên Báo Dân trí, rất nhiều người đã gọi điện ngỏ ý muốn giúp đỡ em khiến Chấu vừa cảm động, vừa lo lắng vì “em không giỏi gì, chỉ là người bình thường thôi nhưng được nhiều người quan tâm chăm sóc, ai cũng tốt, em chỉ sợ phụ niềm tin của mọi người”.

leftcenterrightdel
 Sau khi hoàn thành thủ tục nhập học, Chấu đã chính thức trở thành sinh viên Trường ĐH Luật Hà Nội.

Nâng cánh những ước mơ

Ngôi nhà số 111 xóm Cầu, thôn Nội, huyện Thanh Trì, Hà Nội của gia đình cô Ngô Thị Nhàn mấy hôm nay có thêm thành viên mới. Vậy là Sùng Thị Chấu đã được các cô chú trong Đoàn từ thiện Hà Nội đón về 5 hôm rồi. Những cảm giác ngại ngùng, bỡ ngỡ đã dần qua đi, bởi Chấu cảm nhận được không khí gia đình ấm cúng mà các thành viên trong gia đình cô Nhàn dành cho em.

Cô Nhàn kể, đoàn từ thiện đã hoạt động hơn 10 năm nay và hay lên Hà Giang. Đoàn có nhờ Báo Hà Giang tìm một cháu học sinh nghèo vượt khó, nếu sau này đỗ đại học đoàn sẽ đỡ đầu nuôi và lo mọi chi phí cho cháu trong 4 năm học đại học.

“Việc tiếp sức giúp cháu đến trường không phải riêng mình tôi, mà phải kể đến đoàn từ thiện và chị Trần Ánh Tuyết, Trưởng đoàn từ thiện Hà Nội. Chị là người cung cấp tài chính cho cháu trong 4 năm học. Tôi ở nhà nên có điều kiện, tình nguyện nhận cháu về nhà chăm sóc, coi như con trong gia đình”, cô Nhàn cho biết.

Từ khi Chấu về ở, mọi thành viên trong gia đình đều rất phấn khởi và ủng hộ, bởi cô bé rất ngoan, rất có ý thức, lễ phép. Hàng xóm ai cũng quý mến.

Cô Nhàn hy vọng trường hợp Chấu vượt khó học giỏi được giúp đỡ đi học sẽ là tấm gương, động lực để các bạn đi sau noi theo. Mong có nhiều học sinh vùng sâu, vùng xa khó khăn được tiếp cận điều kiện học hành, tiếp cận kiến thức mai ngày trở về giúp đỡ quê hương.

leftcenterrightdel
 Bữa trưa bên "gia đình mới" của Chấu.

Ngay sau khi tiếp nhận được thông tin về em Chấu trên báo chí, ông Nguyễn Văn Phú, Trưởng Phòng Công tác học sinh sinh viên (HSSV), ĐH Luật Hà Nội đã trực tiếp liên lạc và mời Chấu đến trường, lắng nghe nguyện vọng của em.

Ông Nguyễn Văn Phú cho biết: Với điểm thi rất tốt, Chấu hiện đã hoàn thành thủ tục và nhập học Khóa 42 của trường. Hiện trường đã có một số phương án để tạo điều kiện hỗ trợ Chấu tốt nhất.

Với điều kiện hiện nay, trường sẵn sàng bố trí cho Chấu vào ở ký túc xá để việc đi học được thuận tiện. Bên cạnh đó, trường cũng có những khóa cựu sinh viên quan tâm đến và đã kêu gọi tài trợ. Do đó, trong lễ khai giảng tới, nhà trường sẽ trao cho em, đồng thời có những suất học bổng để hỗ trợ Chấu.

“Chấu là người dân tộc thiểu số, dưới góc độ của Phòng Công tác HSSV, sẽ thực hiện ngay tiêu chuẩn, chế độ cho em. Em sẽ không phải đóng học phí. Trường sẽ làm các thủ tục trợ cấp xã hội và các thủ tục cho em được hưởng chi phí học tập. Như vậy, đứng về góc độ nào đó, trường đã có phần chuẩn bị cho Chấu vào học tập”, ông Nguyễn Văn Phú cho biết thêm.

Để giúp Chấu nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, Trường cũng đã đề nghị Bí thư Đoàn trường và các bạn học cùng lớp, cùng khóa gặp gỡ chia sẻ động viên về mặt tinh thần.

“Em sẽ cố gắng học tốt, để sau này trở về quê hương, góp phần giúp người dân thoát khỏi đói nghèo...”, Chấu nói.

Mong rằng, với nghị lực và quyết tâm của Chấu, cùng sự chung tay tiếp sức của những tấm lòng nghĩa cử, ước mơ của Chấu sẽ sớm thành hiện thực.

Bài, ảnh: THU HÀ