Liêm chính học thuật (academic integrity) là vấn đề không chỉ ở nước ta mà nhiều quốc gia cũng rất quan tâm. Trong bối cảnh toàn cầu hóa thì liên ngành là xu hướng tiếp cận khoa học phổ biến, mang lại hiệu quả tích cực. “Sân chơi” được nới rộng, hướng đi thì muôn ngả nên các nhà khoa học khó có thể bao quát được các sự kiện học thuật, các kết quả nghiên cứu của chuyên ngành mình. Sự bùng nổ của giáo dục đại học tất yếu cho ra đời nhiều ngành mới, kéo theo sự gia tăng về số lượng sinh viên, giảng viên, nghiên cứu viên. Thời đại internet phát triển thì “đạo văn” rất hay xảy ra, vì công nghệ dễ dàng tạo cơ hội cho người ta sao chép công trình luận án, luận văn và cũng dễ “qua mặt” người khác.

Đọc sách cần phải được duy trì thành thói quen thường xuyên. Ảnh minh họa: Báo Pháp luật

Ở phương Đông và Việt Nam, tình trạng liêm chính học thuật còn là vấn đề tập quán văn hóa. Truyền thống “thuật nhi bất tác” (thuật kể lại chứ không sáng tác) dù không được tôn trọng ở thời hiện đại nhưng vẫn có một sức cản dai dẳng, như ở quan niệm quá khứ luôn là tốt đẹp, khuôn phép cần noi theo. Thể văn “tập cổ” dù không được khuyến khích nhưng vẫn để lại những thói quen xấu. Nó là sự chép lại một hoặc nhiều câu thơ/văn của tiền nhân rồi gắn thêm một vài từ mới, đặt vào bối cảnh mới để mang nội dung khác. Ngày nay, “cách thức”, “thi pháp” này lại được sử dụng ở nhiều luận văn, luận án, công trình (nhiều hơn ở lĩnh vực khoa học xã hội). Người ta gọi đó là lối “tầm chương trích cú”, nêu ra la liệt ý người khác, nhưng ý của mình, chính kiến khoa học của tác giả thì rất mờ nhạt. Khoa học là cuộc chạy tiếp sức nên kế thừa như một tất yếu nhưng có người lại đánh đồng việc kế thừa với sự sao chép một cách tinh vi, trí trá. Cũng do lối “duy tình” của tâm lý tiểu nông, nên thực trạng ngày càng thêm trầm trọng vì cách xử lý xuê xoa, dĩ hòa vi quý của những người có thẩm quyền, trách nhiệm.

Nền móng của ngôi nhà “liêm chính học thuật” là sự trung thực, ngay thẳng, trong sáng, trách nhiệm trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Ba “kẻ trộm” phổ biến thường xuyên rình mò trộm cắp ngôi nhà này là “đạo văn”, “gian lận” và “bịa đặt”!

Đạo văn (plagiarism) là những hành động sử dụng từ, ý tưởng hay tác phẩm của người khác mà không trích dẫn nguồn. Chữ “đạo” ở đây có nghĩa là “ăn cắp”, tức dùng chữ đích đáng để phê phán hành động không trung thực trong học thuật. Đáng tiếc, “đạo văn” có cả ở người có học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ mà dư luận từng lên tiếng phê phán. Gian lận (cheating) là dùng các hình thức gian dối, ngụy tạo không đúng sự thật với các hành vi dùng sách, tài liệu... không được phép để tạo ra kết quả không thực chất. Bịa đặt (fabrication) là cố ý làm giả hoặc bịa ra thông tin, trích dẫn để có kết quả như ý. Ba dòng nước bẩn này “tụ” vào nhau tạo thành những “chợ luận văn”, “chợ luận án” trôi nổi bập bềnh trên mạng...

Nếu “liêm chính học thuật là trái tim của đời sống trí tuệ” thì ba kẻ trộm kia rất đáng lên án và phải lập tức ngăn chặn vì chúng “tấn công” trực diện vào “trái tim”. Chúng sẽ “ăn cắp” niềm tin của xã hội với giới học thuật. Mà nếu khoa học để mất niềm tin, tức đánh mất sự liêm chính, thì không thể nói tới chuyện kiến tạo hay truyền bá tri thức, do vậy sẽ gây tác động tiêu cực đến tiến bộ xã hội. Thế nên, tha hóa trong khoa học nguy hiểm hơn rất nhiều sự tha hóa ngoài xã hội.

Một nền khoa học chân chính, một nền giáo dục đích thực không có chỗ dung thân cho nạn “bất liêm” trong nghiên cứu khoa học. Dù thực tế nhiều trường đã có phần mềm chống “đạo văn” nhưng thực ra chỉ “chống” về mặt hình thức câu chữ văn bản, còn nhiều kẽ hở, như “đạo ý tưởng” thì chưa quản lý, kiểm soát được. Vì vậy, muốn đẩy lùi vấn nạn bất liêm trong học thuật, ngoài việc xây dựng và quy định chặt chẽ hội đồng phản biện vừa có uy tín học thuật vừa có uy tín đạo đức; thì cầm sớm công khai chi tiết toàn bộ hồ sơ khoa học của người cần đánh giá để dư luận rộng đường thẩm định, nhận xét.

TRUNG NGÔN