Đây là lần đầu tiên nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo mô hình TMĐT xuyên biên giới. Việc xuất khẩu thành công lô hàng trên là bước tiến đáng ghi nhận đối với ngành TMĐT nước ta trong việc đưa các sản phẩm nông sản tươi chất lượng cao ra thị trường nước ngoài có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như thị trường châu Âu.
 |
Xe trung chuyển vải thiều của Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò tại Bắc Giang. Ảnh: VĂN THƯƠNG |
Việt Nam có rất nhiều trái cây thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao như: Mận hậu, xoài dài Sơn La; lê thơm Tai Nung Lào Cai; nho xanh Ninh Thuận; khoai lang tím Vĩnh Long; sầu riêng Ri6 Trà Vinh; bơ Đắc Lắc; nhãn xuồng Tây Ninh-Vĩnh Long; cam sành Vĩnh Long; roi An Phước; vải thiều Hải Dương; vải thiều Bắc Giang; nhãn lồng Hưng Yên; thanh long Bình Thuận... Trong bối cảnh thị trường trong nước gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid-19, với lợi thế của TMĐT là có thể kết nối trực tiếp từ người bán tới người tiêu dùng, TMĐT xuyên biên giới sẽ mở ra hướng xuất khẩu mới cho các sản phẩm nông sản nói riêng, các sản phẩm khác vốn là thế mạnh của Việt Nam nói chung. Đây là cơ hội không chỉ cho doanh nghiệp xuất khẩu nói chung mà cho cả các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, cá nhân có sản phẩm chất lượng tốt và biết vận dụng TMĐT xuyên biên giới. Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương: Nước ta đã xuất khẩu rất nhiều trái cây, nông sản sang thị trường các quốc gia châu Âu, châu Á... trong đó xuất khẩu qua TMĐT B2C đều thông qua nền tảng TMĐT quốc tế như Amazon. Sự kiện xuất khẩu thành công vải thiều Bắc Giang theo phương thức TMĐT xuyên biên giới của Viettel Post là dấu mốc đặc biệt, có thể coi đây là bước tiến mở đầu cho ngành TMĐT nước ta trong việc đưa các sản phẩm nông sản tươi chất lượng cao ra thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, cơ hội bao giờ cũng đi kèm với thách thức. Đó là những khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, bảo quản hàng hóa, thông quan hàng hóa, hiểu biết về thủ tục xuất nhập khẩu và đặc biệt là đối với lĩnh vực TMĐT xuyên biên giới. Vì vậy, theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp cần chuẩn bị một số điều kiện cần thiết như: Hiểu biết về thị trường nước nhập khẩu, bởi một sản phẩm có thể bán rất tốt ở thị trường này nhưng sẽ không thể bán được ở thị trường khác do tính chất của sản phẩm và đặc tính tiêu dùng của thị trường. Đặc biệt, cần hiểu biết về các quy định liên quan đến chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa; các quy định liên quan tới nhập khẩu của thị trường nước nhập khẩu, bao gồm cả những thủ tục liên quan tới phân phối qua TMĐT tại nước nhập khẩu. Đồng thời, các doanh nghiệp cần nắm rõ được quy trình logistics, bảo quản hàng hóa và tính toán được phương án logistics tối ưu nhất, chi phí thấp nhất để hàng hóa có giá bán cạnh tranh nhất khi phân phối trên TMĐT tại thị trường nước ngoài.
Với thành công bước đầu từ việc xuất khẩu thí điểm hơn 3 tấn vải thiều Bắc Giang, trong thời gian tới, sàn TMĐT Vỏ Sò tiếp tục được hoàn thiện và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam từng bước tiếp cận phương thức xuất khẩu mới, mở rộng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm Việt Nam. Tới đây, Bộ Công Thương sẽ phối hợp bộ, ngành khác, như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức các chương trình hỗ trợ đào tạo TMĐT cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, tổ chức quảng bá sản phẩm ở cả trong và ngoài nước, kết nối với người tiêu dùng ở thị trường nhập khẩu... Ngoài ra, Bộ Công Thương có thể kết nối doanh nghiệp phối hợp với Viettel Post để thúc đẩy việc tổ chức phân phối, thẩm định hàng hóa, thông quan hàng hóa, thanh toán đơn hàng cũng như vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng ở thị trường các quốc gia nhập khẩu. Đây cũng là tiền đề để các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa qua TMĐT xuyên biên giới trên nền tảng TMĐT của nước nhà, đồng thời khẳng định vị thế của hàng Việt Nam không chỉ trong nước mà còn trên thế giới.
NAM TRỰC