Phóng viên (PV): Được đánh giá là hấp dẫn ngay từ tên gọi, kêu gọi giáo viên, nhà quản lý giáo dục tâm huyết và sáng tạo, theo ông, ngành giáo dục Hà Nội đã thu được những gì qua các năm?

Ông Đỗ Văn Nam: Giải thưởng đã tôn vinh những nhà giáo Hà Nội nhiệt tình, tâm huyết với nghề dạy học; có đóng góp xuất sắc trong Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. Mang tên là đổi mới và sáng tạo, giải thưởng đã góp phần tạo ra phong trào và khích lệ các nhà giáo Hà Nội tự học tập, rèn luyện, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn giáo dục mỗi cơ sở, tạo ra những hiệu quả mới, những chuyển biến mới ở mỗi đơn vị nhà trường, lớp học. Các nhà giáo có nhiều giải pháp, phương pháp đổi mới, giờ giảng bùng nổ đổi mới sáng tạo. Giải thưởng đã góp phần giúp các nhà giáo nâng cao năng lực nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

leftcenterrightdel
 Ông Đỗ Văn Nam.

Ngoài nâng cao năng lực nghề nghiệp cho các nhà giáo, các hoạt động phong trào như thế này, chính quyền và công đoàn các đơn vị đã “thổi lửa”, tạo ra nguồn năng lượng tích cực cho các nhà giáo. Thầy cô thay đổi thì nhà trường hạnh phúc. Các nhà giáo trong nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển đã giúp đỡ nhau về hoàn cảnh gia đình, chuyên môn, công nghệ thông tin (CNTT), công tác chủ nhiệm, hoạt động trải nghiệm, kỷ luật tích cực, ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo... Quá trình tìm kiếm các nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo cũng là quá trình toàn ngành nói riêng, xã hội nói chung quan tâm, động viên tới nhà giáo ở những cơ sở giáo dục còn khó khăn có những sáng tạo độc đáo, tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, giúp đỡ những học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu phát triển tài năng.

PV: Ông chia sẻ thêm về một vài thực tế từ các trường học, địa phương sau những Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo?

Ông Đỗ Văn Nam: Giải thưởng này ghi nhận những cống hiến của nhà giáo trong các phong trào thi đua, cuộc vận động như “Đổi mới sáng tạo trong quản lý, dạy và học”, “Xây dựng trường học hạnh phúc”, “Nhà trường cùng chung tay phát triển-Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”, kế hoạch triển khai nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, “Thi đua hai tốt”, viết sáng kiến, kinh nghiệm làm đồ dùng, ứng dụng công nghệ thông tin vào chuyển đổi số, “Xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn”...

leftcenterrightdel
 Thầy trò Trường THPT Phan Huy Chú-Đống Đa cùng tìm kiếm các giải pháp đổi mới, sáng tạo trong các bài học STEM.

Khi các thầy, cô giáo nhận giải thưởng vừa là vinh dự song cũng nhận trách nhiệm vừa tiếp tục phát triển bản thân, vừa lan tỏa, nhân rộng tinh thần sáng tạo, các nhà giáo vừa tự nâng bậc, vừa giúp được học sinh và đồng nghiệp cùng sáng trí, ấm lòng. Đó chính là giá trị đích thực của một danh hiệu. Thực tiễn cho thấy, tất cả sáng kiến, cải tiến, đổi mới của các nhà giáo Hà Nội đều thực sự đem lại nhiều thay đổi trong thực tế giảng dạy tại các địa phương, các trường học. Phong trào “Tiếng trống học bài ở Ba Vì” là một ví dụ. Phong trào bắt nguồn từ sáng kiến đổi mới của nhà giáo Nguyễn Văn Nghiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Phú Châu, xã Phú Châu, huyện Ba Vì. “Tiếng trống học bài” trở thành người bạn đồng hành thân thiết mỗi tối của các em học sinh trên địa bàn huyện Ba Vì, giúp các em xây dựng ý thức tự giác trong học tập và không còn tình trạng tối đến học sinh rủ nhau đi chơi tới khuya.

Hay nhiều nhà giáo đã có giải pháp sáng tạo để khai thác, sửa chữa cơ sở vật chất cho nhà trường khang trang hơn, khai thác vào dạy học liên môn, dạy học trải nghiệm hay các thư viện mở, lớp học mở mà làm lợi hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt các nhà giáo đã có những giải pháp hay thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Có nhà giáo xây dựng cả kho bài giảng ứng dụng CNTT, các thí nghiệm ảo, sổ liên lạc giữa thầy cô chủ nhiệm và cha mẹ học sinh. Mô hình “Giáo viên của giáo viên-Giáo viên của học sinh”, “Ngân hàng giáo viên” nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở một số bộ môn, hay giáo viên giỏi giúp đỡ giáo viên còn trẻ đã có nhiều ý tưởng sáng tạo như: “Ứng dụng yoga trong trường mầm non thông qua biện pháp yoga kể chuyện và trò chơi yoga giúp trẻ mẫu giáo nhỡ 4-5 tuổi rèn luyện sự tập trung chú ý” của cô Trần Lan Phương, giáo viên Trường Mầm non Tương Mai, quận Hoàng Mai; “Xây dựng video khoa giáo giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch cho trẻ 5-6 tuổi” của cô Nguyễn Minh Thúy, giáo viên Trường Mầm non Ánh Sao, quận Cầu Giấy; Phát triển trí tuệ cảm xúc (EQ) để giúp học sinh có khả năng giao tiếp tốt, tự tin xử lý các vấn đề trong cuộc sống của cô Lê Thị Na Sa, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Nghĩa Dũng, quận Ba Đình...

PV: Qua 7 lần trao giải, trong quá trình bình xét giải thưởng, liệu có sự “ưu tiên” nào không, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Nam: Ưu tiên theo nghĩa tiêu cực thì không có đâu. Toàn bộ quá trình bình xét đều được thực hiện công khai, minh bạch. Đợt bình xét giải thưởng lần thứ 8 này mời nhà báo đến chứng kiến các nhà giáo báo cáo giải thưởng và các nhà khoa học lắng nghe, đặt câu hỏi trực tiếp để các nhà giáo trả lời làm sáng tỏ hơn sự sáng tạo của mình.

Tuy nhiên, ưu tiên theo nghĩa tích cực thì có. Trong kế hoạch giải thưởng, chúng tôi luôn ưu tiên nhà giáo trực tiếp giảng dạy để xét giải thưởng. Tất nhiên, chúng ta không thể bỏ quên công lao của các nhà quản lý. Qua các năm đều có các nhà quản lý giáo dục giành giải cao. Các nhà giáo trực tiếp giảng dạy vẫn có chút ưu ái hơn vì họ là những người trực tiếp tạo ra nguồn cảm hứng tới học trò.

PV: Giải thưởng năm nay có gì đặc biệt hơn so với các năm trước, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Nam: Năm học 2023-2024 là mùa giải lần thứ 8 đang được phát động. Đây cũng là giải thưởng đặc biệt chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 70 năm thành lập ngành. Vì thế, nếu như những năm trước có 40 nhà giáo xuất sắc được vinh danh tại lễ trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” thì năm nay dự kiến sẽ có 70 hồ sơ xuất sắc nhất được lựa chọn cho lễ tôn vinh dịp kỷ niệm 70 năm thành lập ngành và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Để các hồ sơ, nhà giáo có thành tích và báo cáo chất lượng, Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội phối hợp với Sở GD-ĐT thành phố đang tích cực tuyên truyền mạnh mẽ nhất, triển khai cụ thể nhất tới các đơn vị, trường học với mong muốn cán bộ, nhân viên nào trong ngành cũng hiểu và mong muốn tham gia giải thưởng, đóng góp chung cho sự nghiệp GD-ĐT toàn thành phố.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

MAI THANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.