Bạn tôi cười: “Ừ, quà tặng của trò cũng tương đối. Nào là hoa, quả, bánh kẹo, rồi thì khăn tắm, khăn mặt, xà phòng thơm, kem đánh răng, có năm các em cũng tặng bộ ấm chén”. Tôi hỏi vui: “Thế có “hoa khô” không?”. Bạn tôi thật thà: “Hoa khô làm bằng giấy, vải, nhựa à? Ở xã miền núi này có mấy khi bán các loại hoa ấy đâu?”. Tôi vội lấy tay che miệng để không bật ra tiếng cười vô duyên của mình khi biết rằng, bạn tôi không hề biết “hoa khô” là một cách nói lóng của từ “phong bì”. Thì đấy, nhìn vào ánh mắt bạn, dù đã ngoại tuổi tứ tuần mà vẫn hồn nhiên như mấy đứa trò nhỏ mới phần nào hiểu trong suy nghĩ bạn tôi chưa bao giờ có khái niệm “hoa khô” nghĩa là… phong bì.
Rồi nghe bạn kể, năm nào đến ngày 20-11, nhà cô cũng đầy ắp tiếng cười. Trò thường mang mấy bông hoa hồng đến, cô đón nhận, cắm vào những lọ bình trong nhà. Còn nếu là quà bánh, cô trò trải chiếu ra nền nhà cùng ăn, trò chuyện rôm rả. Riêng khăn mặt, khăn tắm, xà phòng thơm, kem đánh răng, ấm chén… cô vui vẻ nhận, nhưng sau đó cô dành chính những mòn quà này tặng các em học sinh nào có ý thức vượt khó và đạt điểm học tập cao nhất trong tháng. Học sinh nào nhận được quà tặng của cô phấn khởi lắm. Bạn tôi bộc bạch, học trò cô dạy phần lớn sinh ra trong hoàn cảnh gia đình khó khăn. Các em phải chắt chiu từng đồng bạc lẻ mới có cái ăn, cái mặc để đến trường, bám lớp. Thế nên, mình động viên, san sẻ cho các em được cái gì hay cái nấy. Đấy là một cách để “giữ chân” học trò. Niềm vui của các thầy cô vùng cao là ngày nào cũng nhìn thấy bàn ghế học sinh không còn một chỗ trống!
Lại nhớ những năm 80 của thế kỷ trước, khi xã hội còn muôn vàn khó khăn, cuộc sống của các thầy cô giáo cũng gặp bao long đong, vất vả. Nhiều thầy cô ở thành phố, thị xã phải tranh thủ thời gian chăn nuôi thêm lợn gà, buôn bán lặt vặt để có thêm đồng rau, đồng muối. Còn các thầy cô ở nông thôn, miền núi thì cũng có lúc phải đi gặt mướn, cấy thuê, khai khẩn đất hoang để làm nương, làm rẫy. Thế hệ học trò chúng tôi ngày ấy cũng nghèo, cũng quý trọng, sẻ chia nỗi vất vả của các thầy cô như tình thương yêu dành cho cha mẹ mình. Chuẩn bị đến ngày 20-11, tổ họp, lớp họp, bàn ra bàn vào mua gì tặng thầy cô như cái cảnh… vỡ chợ, mà sao vui thế. Cánh con gái thì bảo mua tặng cô chiếc áo lụa sa tanh, bọn con trai thì nói mua tặng thầy đôi dép quai hậu. Nhưng số tiền đóng góp thì ít, cuối cùng “hiệp thương, thống nhất” với nhau, mua tặng cô chủ nhiệm một chiếc khăn len, còn lại các thầy cô khác thì mua tặng chiếc khăn mặt hay bánh xà phòng. Thầy cô hồi ấy thấu hiểu lòng học trò nghèo, biết rằng ngày 20-11 các em sẽ đến phòng (khu) tập thể hay nhà riêng tặng quà, nên hầu như ai cũng chuẩn bị sẵn rổ khế, rổ khoai lang luộc hay gói kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo kéo… để “phục vụ” và cùng chia vui với bọn học trò ham ăn, ngộ nghĩnh. Trò đến chúc thầy bằng tình cảm hồn hậu mà quý trọng, thiêng liêng. Thầy đáp lại trò bằng tấm lòng chân thật, trong sáng và tràn ngập tình yêu thương.
Mỗi lần nghe những câu chuyện kể cảm động của các giáo viên và học sinh vùng cao trong ngày 20-11 hay nhớ về những ký ức tình thầy trò ngày xưa sao mà tươi đẹp đến thế. “Nếu có ước muốn trong cuộc đời này, hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại…”. Nghe câu ca ấy dịu dàng, lãng mạn quá. Nhưng thực tế thời gian sẽ không bao giờ trở lại, chỉ có tình thầy trò trong sáng, thủy chung còn neo lại trong miền nhớ của mỗi con người. Thời nay chẳng ai muốn nghèo khó. Thầy cô cũng vậy. Mong sao, dù xã hội có phát triển đến đâu, nhưng cả trò và thầy khi dành tặng hay đón nhận món quà “ngày Tết 20-11” sao cho tinh tế, nhã nhặn, đúng mực, để món quà thân thương ấy sẽ góp phần vun đắp tình thầy trò mãi trong trẻo cùng thời gian.
THIỆN VĂN