Vì vậy, việc tìm ra công nghệ, phương thức mới để cảnh báo thiên tai chính xác và kịp thời, cùng với đó nâng cao trách nhiệm, ý thức của chính quyền và người dân địa phương là rất quan trọng.
Công nghệ cảnh báo thiên tai chưa chi tiết đến từng thôn, bản
Trong những năm gần đây, lũ quét, sạt lở đất xảy ra thường xuyên, gây thiệt hại nặng nề. Trung bình mỗi năm tại Việt Nam xảy ra khoảng 10-15 trận lũ quét và hàng trăm trận sạt lở đất lớn nhỏ. Các khu vực thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất là vùng núi Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng chí Đặng Thanh Mai, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, mưa lớn là nguyên nhân kích hoạt lũ quét, sạt lở đất. Không chỉ mưa cường độ rất lớn trong thời gian ngắn có thể gây lũ quét, sạt lở đất mà trường hợp mưa kéo dài nhiều ngày làm bão hòa lớp đất, không còn khả năng trữ nước và kết dính, chỉ cần một đợt mưa không lớn sẽ cuốn theo cây cối, đất đá cũng có khả năng gây lũ quét, sạt lở đất.
 |
Trạm cảnh báo rủi ro thiên tai sớm được lắp đặt tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. |
Với công nghệ dự báo hiện nay, thế giới mới chỉ có khả năng cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở một khu vực nhất định trong một khoảng thời gian nhất định, ví dụ trong hai ngày tới, khu vực có mưa lớn và cảnh báo được đưa ra cần đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong hai ngày đó, chứ chưa thể khẳng định xảy ra tại vị trí cụ thể nào, vào thời điểm nào, giờ nào trong ngày.
“Có những yếu tố chúng ta chưa quan sát được thường xuyên như sự cố nghẽn dòng thì sẽ khó để cảnh báo. Nghẽn dòng xảy ra do phía thượng nguồn các khe suối khi có mưa, dòng chảy làm cho đất đá và các vật dụng như cây cối dồn tại một điểm, tạo ra con đập tạm thành hồ nước phía trên. Khi mưa lớn quá sức chịu tải, đập này sẽ vỡ, cuốn theo lượng nước, bùn đá rất lớn, gây ra thiệt hại lớn cho các bản làng ở hạ lưu. Các trận lũ quét, lũ bùn đá năm 2019 ở Thanh Hóa, năm 2020 ở Quảng Nam và vừa qua ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai) là ví dụ điển hình”, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn giải thích.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã chỉ ra những hạn chế của các công nghệ dự báo thiên tai tại Việt Nam hiện nay như chưa tính toán, dự báo được gió giật mạnh cấp 17 trên đất liền (chưa từng xảy ra trong lịch sử) và thời gian tồn lưu bão kéo dài hơn bình thường. Công nghệ cũng chưa dự báo được cường độ mưa lớn trong thời đoạn ngắn như mưa cường suất lớn hơn 200mm/6h. Chưa tính toán, dự báo sớm được lũ lịch sử lên nhanh với cường suất lớn tại một số vị trí trên sông Thao. Chưa cảnh báo được chi tiết đến thôn, bản, điểm lũ quét, sạt lở đất.
Trạm cảnh báo rủi ro thiên tai ở cấp xã
Theo các chuyên gia, sự phát triển của viễn thám với khả năng cung cấp dữ liệu có độ phân giải thời gian, độ phân giải không gian và độ phân giải phổ ngày càng được cải thiện đã cung cấp một cơ sở dữ liệu mạnh mẽ cho việc ứng dụng ảnh viễn thám trong nghiên cứu sạt lở đất và lũ bùn đá. Việc thành lập một bản đồ kiểm kê sạt lở đất là rất cần thiết. Thông thường, bản đồ kiểm kê sạt lở đất được thực hiện bằng phương pháp vẽ trực quan. Phương pháp này đã được sử dụng một cách phổ biến trong quá khứ và hiện nay vẫn là một phương pháp hiệu quả trong việc thành lập bản đồ sạt lở đất.
Mặc dù tốn nhiều thời gian, nhất là khi thành lập bản đồ trên những khu vực có nhiều vết sạt lở đất nằm trải rộng nhưng phương pháp này vẫn là phương pháp chính xác nhất và có thể tận dụng hiệu quả kiến thức và sự hiểu biết về khu vực có sạt lở đất. Nhằm giảm thiểu mức độ vẽ thủ công, việc phân tích ảnh viễn thám đa thời gian thực sự có giá trị khi có sẵn cả hai ảnh trước và sau sự cố sạt lở đất. Việc tìm kiếm sạt lở đất cũng có thể thực hiện đối với ảnh viễn thám đa phổ được thu nhận sau sự cố sạt lở đất bằng các kỹ thuật xử lý ảnh dựa trên cơ sở các đặc trưng của ảnh. Trong khi đó, để thành lập bản đồ các khu vực lũ quét cần sử dụng dữ liệu viễn thám nhờ khả năng có thể quan trắc một khu vực rộng lớn cũng như các vị trí không thể tiếp cận.
Cùng với đó, việc lắp đặt trạm cảnh báo rủi ro thiên tai sớm sử dụng công nghệ tiên tiến cũng được xem là giải pháp hiệu quả cho công tác dự báo thiên tai. Tại Việt Nam, 24 trạm cảnh báo rủi ro thiên tai sớm đã được lắp đặt thông qua Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” (dự án GCF) do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Chính phủ Việt Nam triển khai tại 7 tỉnh: Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cà Mau.
Xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau có chiều dài 37km, 3 mặt giáp biển nên phần lớn người dân mưu sinh bằng nghề đi biển. Việc quan tâm đến thời tiết, thiên tai được xã ưu tiên đặt lên hàng đầu. Năm 2022, xã được lắp đặt trạm cảnh báo rủi ro thiên tai sớm từ sự hỗ trợ Dự án GCF. Đánh giá về hiệu quả của trạm cảnh báo rủi ro thiên tai sớm, đồng chí Bùi Thanh Thương, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Từ khi xã được lắp đặt trạm cảnh báo rủi ro thiên tai sớm, chính quyền địa phương đã có thể nắm bắt sớm và chi tiết hơn về tình hình thời tiết. Cụ thể, khi đèn báo của trạm đổi màu từ xanh sang vàng hoặc đỏ, cán bộ xã sẽ truy cập vào trang web: undp.thuyloivietnam.vn để xem chi tiết về lượng mưa, cấp độ của gió kết hợp với theo dõi các bản tin dự báo thời tiết để từ đó đưa ra thông báo kịp thời đến người dân khi có bão cần gia cố nhà cửa, kêu gọi tàu, thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Hai năm trở lại đây, trên địa bàn xã không ghi nhận thiệt hại về người và nhà cửa do bão, lũ gây ra.
Có thể thấy rằng, hiện nay có nhiều công nghệ phục vụ cho công tác cảnh báo thiên tai. Tuy nhiên, trong điều kiện thiên tai ngày càng khốc liệt, khó lường, chính quyền địa phương và người dân nằm trong vùng nguy cơ cao của lũ quét, sạt lở đất cần chủ động nhận biết nguy cơ, tìm hiểu đánh giá mức độ nguy hiểm ở nơi mình sinh sống, từ đó chuẩn bị các kế hoạch, phương án, trang bị để sơ tán khẩn cấp khi xảy ra tình huống. Người dân cần xác định các vị trí xung yếu khu vực xung quanh nhà mình, những nơi trong nhà cần được gia cố và luôn sẵn sàng để di chuyển nhanh chóng, an toàn nhất.
Bài và ảnh: LA DUY
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.