Niềm vui đến trường

Phấn khởi giành quyền trả lời câu hỏi trong trò chơi Trường đua, em Nguyễn Kim Hà, học sinh lớp 3A3, Trường Tiểu học Hội Hợp B nhanh chóng đưa ra con số chính xác của một phép toán. Thông qua trò chơi, cuộc đua kiến thức giữa các học sinh trong lớp diễn ra đầy hào hứng. Em Phạm Minh Anh bày tỏ: “Các tiết học rất hấp dẫn vì em được chơi nhiều trò chơi vui nhộn. Đi học vui lắm, thầy cô không trách phạt, không giao bài tập về nhà, mà ôn trên lớp. Chỉ có 2 bài tập nâng cao về nhà dành cho những bạn nào muốn làm thêm, em làm khoảng 30 phút là xong”.

leftcenterrightdel

 Học sinh vui thích học tập thông qua trò chơi.

Không khí học tập nhẹ nhàng, không áp lực điểm số, thành tích cho cả giáo viên và học sinh, Trường Tiểu học Hội Hợp B còn có những giờ ra chơi, giờ thể dục giữa giờ rất đặc biệt. Từ học sinh đến thầy hiệu trưởng, không ai không biết nhảy shuffle dance. Chỉ cần tiếng nhạc nổi lên, tất cả cùng ùa ra và nhập vào thành đội hình toàn trường. Những bước chân uyển chuyển với nhiều động tác đáng yêu, vũ điệu sôi động như xóa đi mọi mệt mỏi, căng thẳng và mang đến nguồn năng lượng tích cực cho cả thầy và trò, sẵn sàng cho các giờ học tiếp theo.

Nếu chỉ nhìn vào các hoạt động học tập, vui chơi mà trường dành cho học sinh, không ít người đặt câu hỏi nghi ngại liệu học như thế có hiệu quả, học không áp lực thì người học sẽ thiếu ý chí phấn đấu? Tuy nhiên, bằng những hành động cụ thể, bằng sự tiến bộ của học trò, thầy giáo Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B đã chứng minh rằng một môi trường học tập không áp lực không chỉ giúp học sinh vượt qua những thách thức học thuật mà còn xây dựng cho các em tư duy lạc quan, sáng tạo và trách nhiệm.

Trong suốt những năm qua, thầy Mạnh nỗ lực để trường học có những thay đổi trong văn hóa giao tiếp, ứng xử; thay đổi trong hoạt động dạy học, chú trọng phát triển năng lực phẩm chất thay vì chú trọng kiến thức; thay đổi trong cách vận hành nhà trường, trong đó giảm những việc làm hình thức, tăng thực chất, xây dựng văn hóa tự học. Lấy sự ham học của mình để truyền động lực cho những người khác thay đổi, thầy Mạnh tự học tiếng Anh, dạy Toán bằng tiếng Anh, áp dụng công nghệ vào bài dạy, tự học nhảy... “Mỗi bạn nhỏ là một thế giới rất tuyệt vời mà trong quá trình dạy học hay giáo dục cần được yêu thương, tôn trọng, an toàn, được hiểu và được có giá trị. Luôn làm sao để khơi dậy năng lực tự học, niềm đam mê học tập của các bạn ấy. Áp lực cần được thầy cô tính toán đủ để chuyển hóa thành động lực, phát huy khả năng sáng tạo”, thầy Đào Chí Mạnh nói.

Giảm áp lực bên ngoài chính là cách nhà trường khuyến khích áp lực nội tại trong mỗi giáo viên, mỗi học sinh. Nhờ được truyền lửa, truyền cảm hứng từ thầy cô, nhà trường, bạn bè và cả cha mẹ, các em hứng thú, đam mê học tập, làm việc và rèn luyện. Sự hứng khởi và đam mê học tập, rèn luyện tạo ra nguồn năng lượng tự thân to lớn giúp học sinh vượt qua chính mình để đạt kết quả hơn cả mong muốn.

Hiểu để thay đổi

 Thầy Đào Chí Mạnh được phân công về Trường Tiểu học Hội Hợp B làm hiệu trưởng từ năm 2021, khi đó cơ sở vật chất của một trường vùng ven thành phố còn khá khó khăn, giáo viên còn thiếu. Thầy Mạnh quan niệm không thể có kết quả mới trên cách làm cũ. Nếu không có sự khác biệt chắc chắn trường không thể có học sinh vì phụ huynh rất thông thái, họ sẽ chọn lựa những ngôi trường tốt, có những điểm mới, những giá trị mới để cho con theo học. “Sau gần 3 năm, các thầy cô giáo đã có nhiều thay đổi tích cực. Họ đã ứng dụng công nghệ thông tin như công cụ hữu hiệu để tiếp cận học sinh và phụ huynh, giúp thầy cô đỡ vất vả, việc dạy và học mang lại nhiều hứng thú cho học sinh”, Thầy Đào Chí Mạnh cho biết. 

Hơn 30 năm công tác tại nhà trường, cô Trần Thị Lan Hương chia sẻ về những thay đổi của chính mình: “Mới đầu tôi cảm thấy áp lực và muốn về hưu sớm nhưng nay lại rất hào hứng và muốn gắn bó lâu hơn bởi cảm giác mong muốn được đến trường. Trong vòng hai tháng, dưới sự hướng dẫn của ban giám hiệu và đội ngũ thầy cô dạy công nghệ, lại có thể sử dụng thành thạo những phần mềm dạy học, nhúng vào bài giảng, mang lại nhiều điều thú vị đến vậy”.

Cô Chu Cẩm Lệ, Phó hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Những suy nghĩ và việc làm thay đổi của thầy Mạnh đã truyền năng lượng cho giáo viên để mỗi thầy cô giáo đều cảm thấy vui và hạnh phúc trong từng việc làm của mình. Thầy cô không còn cảm thấy áp lực và mệt mỏi trong công việc. Trước đây tôi nghĩ, dạy học là một nghề thì nay tìm thấy niềm vui của sự cống hiến. Mỗi ngày qua đi thấy được việc làm của mình có giá trị, tác động đến sự thay đổi của giáo viên, học sinh”.

Nói về cách làm của thầy Mạnh, ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, giáo viên hiện đang đối mặt với những thay đổi rất lớn của ngành giáo dục, đòi hỏi cao và rất áp lực. Với giáo viên khác thì rất khó khăn nhưng với những giáo viên mà thầy Mạnh tác động tới họ rất tự tin, chủ động vượt qua chính mình để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục và tác động nhiều tới ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc và trường học Việt Nam.

 Với những cống hiến trong lĩnh vực giáo dục, thầy giáo Đào Chí Mạnh vừa được vinh danh là 1 trong 20 người trên toàn cầu giành Giải thưởng Gusi Hòa bình quốc tế 2023. Đây là một trong những giải thưởng uy tín hàng đầu châu Á và 5 trong số những giải thưởng hàng đầu thế giới hiện nay, trao tặng các cá nhân và tổ chức có những đóng góp cho hòa bình và tiến bộ toàn cầu ở nhiều lĩnh vực. 

    

Bài và ảnh: THU HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.