Tạo tâm thế tốt cho học sinh, giúp các em thích nghi nhanh hơn với việc trở lại học tập trực tiếp là việc cần được quan tâm nhiều hơn vào lúc này.

Vượt qua sức ỳ

Dù mong con sớm được đến trường học trực tiếp để ổn định sức khỏe tâm sinh lý khi học trực tuyến quá lâu, nhưng theo dõi tình hình dịch bệnh, nhiều phụ huynh vẫn tỏ ra e ngại khi con đến trường học vào thời điểm này. Nỗi lo không chỉ của riêng phụ huynh mà ngay cả những thầy cô giáo cũng có cảm xúc mừng-lo đan xen.

Phấn khởi vì học sinh các khối lớp đã dần bắt nhịp với việc học trực tiếp trở lại, nhưng cô Đinh Thị Băng Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm, Hà Nội) vẫn không giấu được nỗi lo. Cô Tâm cho biết, trường có gần 2.000 học sinh, trong đó có 370 học sinh lớp 1. Trường lại nằm trên địa bàn có khu đô thị đông dân cư, sau dịp Tết, người dân di chuyển từ nhiều nơi về nên số ca mắc F0 tăng là điều có thể xảy ra.

Tuy nhiên, “nhà trường đã chuẩn bị kỹ càng các điều kiện về cơ sở vật chất; diễn tập xử lý, ứng phó các tình huống có thể xảy ra. Ban Giám hiệu cũng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm các lớp tăng cường các hoạt động để học sinh được giải tỏa tâm lý, yên tâm khi tới trường học trực tiếp. Thời điểm này, ai cũng mong muốn không xảy ra trường hợp F0 trong trường học”, cô Tâm chia sẻ.

Học sinh Trường THCS Thăng Long, Hà Nội tham gia các hoạt động học tập thể chất khi quay lại trường.

Cho rằng về việc cho học sinh trở lại trường học vào thời điểm này là cần thiết, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng nêu quan điểm: Hiện đa phần người dân đã được tiêm và tiêm đủ mũi vắc xin ngừa Covid-19, dịch bệnh cũng dần được kiểm soát. Nếu cứ lo sợ mãi thì không biết đến bao giờ cuộc sống mới được trở lại trạng thái bình thường.

Đánh giá những những hiệu quả tích cực của việc học trực tuyến, nhưng TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng học trực tuyến chỉ thực sự có hiệu quả đối với học sinh có ý thức tự giác, năng lực tiếp thu tốt. Vì vậy, khi học sinh ở nhà quá lâu hậu quả sẽ khó lường. Phụ huynh cần nhận thức đúng về việc cho học sinh trở lại trường học thời điểm này. Để học sinh hứng thú, vượt qua sức ỳ để quay trở lại hình thức học trực tiếp, ngoài việc giúp các em ổn định tâm lý, các trường không nên tạo áp lực học tập cho học sinh trong thời gian đầu các em trở lại trường. Nhà trường nên điều chỉnh cách dạy học cho phù hợp, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, quan tâm hơn tới sức khỏe tâm thần của học sinh.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, nếu học sinh không may bị F0, thầy cô và cha mẹ không nên quá căng thẳng, hãy đồng hành đối diện với con để con nhanh chóng vượt qua. Việc không cho học sinh tới trường hậu quả có thể lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ trẻ mắc Covid-19.

Học cách đối diện với nguy cơ và thích nghi với biến động

Thực tế cho thấy, trong 2 năm trường học đóng cửa, tỷ lệ trẻ bị cận thị, béo phì, tổn thương sức khỏe tâm thần, lo âu, trầm cảm tăng cao. Thậm chí có những em ở lớp nhỏ vẫn chưa biết đọc, biết viết, mất khả năng tập trung, nghiện game, suy giảm khả năng nhận thức…

Giáo dục là một bộ phận rất quan trọng của nền kinh tế. Không có lý gì khi nền kinh tế nước ta và các nước trên thế giới đã mở, giáo dục lại đứng ngoài cuộc, dù vẫn còn nhiều nguy cơ do dịch bệnh. Mặt khác, Covid-19 là căn bệnh đã có thuốc điều trị. Nghiên cứu của các chuyên gia cũng cho thấy, trẻ em khi không may mắc Covid-19 thì các triệu chứng đều rất nhẹ, không có biến chứng và khỏi bệnh nhanh hơn.

PGS, TS Trần Thành Nam, Trưởng khoa các Khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Hiện nay chúng ta đang sống trong thế giới với tình trạng biến động bất định, tính phức tạp cao. Vì vậy, chúng ta phải học cách đối diện với nguy cơ và thích nghi với biến động bất định và phức tạp này. Những công dân số cũng cần phải học cách đối diện với điều này".

“Chúng ta không còn chiến lược “Zero-Covid” nên nguy cơ trở thành F0 cũng giống như nguy cơ bị tai nạn khi tham gia giao thông. Khi người dân được trang bị những kiến thức về luật, thực hiện các quy tắc an toàn để tham gia giao thông thì số vụ tai nạn giao thông được hạn chế tối đa. Tương tự, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi học sinh trở lại trường sẽ được giảm thiểu khi phụ huynh dạy con đúng luật, đó là quy tắc phòng chống dịch 5K, các quy định tại trường, thực hiện các cách thức giữ an toàn cho bản thân… Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề theo hướng đó để yên tâm và biết việc cần phải làm”, PGS, TS Trần Thành Nam bày tỏ.

Theo chuyên gia tâm lý này, giai đoạn đầu trở lại trường, các trường học cần tập trung quan tâm về mặt chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh. Ngay cả mục tiêu bù đắp kiến thức, bảo đảm chất lượng trong thời gian học trực tuyến cũng nên xem là thứ yếu sau sức khỏe. Việc ổn định tâm lý sẽ giúp các em tái thiết lập lại độ sắc bén của tư duy, khả năng tập trung và thích nghi lại với guồng quay của việc học tập ở trường.

Thời gian qua, nhiều em có thể trải qua sang chấn tâm lý, mất đi người thân, hoặc cảm thấy áp lực trước lượng thông tin khổng lồ trên các kênh như mạng xã hội hay truyền hình về nguy cơ khi trở lại trường. Vì vậy, các em cần sự lắng nghe chủ động của cha mẹ. Cần sự hỗ trợ tích cực từ cha mẹ để có một tâm thế tốt khi quay trở lại trường học. Trách nhiệm đưa học sinh trở lại trường không phải của riêng ngành giáo dục mà còn là của gia đình và xã hội. Vì vậy, thay vì sợ hãi, lo lắng, việc cần làm lúc này là thực hiện tốt công phòng, chống dịch. Phụ huynh là chỗ dựa, là chốt chặn để phát hiện dấu hiệu bất thường đầu tiên của con qua đó có cách xử lý kịp thời.

Bài, ảnh: KHÁNH HÀ