Lớp học riêng cho các F0

Tính đến ngày 15-2, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội có 37 lớp học có F0 và chuyển sang học trực tuyến, trên tổng số 76 lớp từ khối 7 đến 12. Toàn trường có 111 trường hợp F0, trong đó có 9 giáo viên, nhân viên; 63 học sinh THPT và 39 học sinh THCS.

Còn Trường THCS Vinh Tân, thành phố Vinh, Nghệ An sau một tuần đi học trở lại, đã có 19 học sinh F0 và 68 học sinh F1. Toàn trường có một nửa số lớp đã phải chuyển sang dạy học trực tuyến, gồm cả học sinh lớp 6. Cô Nguyễn Thị Lệ Hằng, Hiệu trưởng Trường THCS Vinh Tân cho biết: Do điều kiện còn nhiều khó khăn, nhà trường không có hệ thống ti vi kết nối đến từng lớp để vừa dạy trực tiếp vừa dạy trực tuyến nên phải cắt cử giáo viên, tổ chức các lớp học trực tuyến riêng cho học sinh F0, F1 hoặc ghép học sinh F0 với các lớp đang phải học trực tuyến.

Trường THCS Bế Văn Đàn, Hà Nội duy trì việc học trực tiếp bình thường.

“Nhà trường gặp một số khó khăn do vừa tổ chức dạy học trực tiếp, vừa tổ chức dạy học trực tuyến giữa nhiều khối lớp. Giáo viên phải nỗ lực rất nhiều vì phải dạy tăng tiết. Mỗi bộ môn nhà trường sẽ phân công một giáo viên dạy trực tuyến theo thời khóa biểu; đồng thời, duy trì việc cập nhật bài giảng trực tuyến lên hệ thống học liệu. Sau khi học sinh F0, F1 quay trở lại trường, giáo viên bộ môn phải dành thời gian ôn tập, phụ đạo lại cho các em những kiến thức cơ bản để bù đắp kiến thức kịp thời”, cô Nguyễn Thị Lệ Hằng khẳng định.

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có hơn 2.700 học sinh và gần 270 giáo viên F0 và con số có thể tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới. Trong quá trình triển khai việc tổ chức dạy và học, tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể, mỗi địa phương lại có một chỉ đạo riêng. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, các phương án khi xuất hiện các ca bệnh F0 đã được xây dựng khá chặt chẽ. Các trường căn cứ kết quả xét nghiệm, cơ quan y tế địa phương để ứng xử linh hoạt trong từng tình huống. Dù với phương án nào thì việc trở lại trường của học sinh chỉ được thực hiện khi đã đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cả học sinh và giáo viên.

Trước tình hình các ca F0 có chiều hướng tăng, cô Đào Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn, Hà Nội cho hay, hiện trường có 8 học sinh bị F0. Nhà trường đã tiến hành rà soát, kiểm tra sức khỏe những học sinh tiếp xúc gần với học sinh bị F0, cho các em chuyển hình thức học trực tuyến và theo dõi sức khỏe trong 1 tuần theo hướng dẫn của nhà trường. 26 lớp còn lại của các khối 7, 8, 9 vẫn duy trì việc học trực tiếp bình thường.

“Nhà trường và phụ huynh cùng thống nhất về việc cho học sinh trở lại trường thời điểm này là thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, không xử lý cứng nhắc. Cha mẹ sẽ là đầu mối theo dõi sức khỏe của con trước mỗi buổi đến trường. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường, cha mẹ lập tức báo với giáo viên chủ nhiệm để nhà trường có phương án cho học sinh nghi F0, F1 chuyển hình thức dạy học”, cô Hạnh chia sẻ.

Công tác y tế tại Trường THPT Nguyễn Khuyến, TP Nam Định đã nắm cơ bản các kiến thức, kỹ năng và cách xử trí nếu phát hiện F0 trong trường học theo quy định mới. Hằng ngày, học sinh đến trường đều có nhật ký theo dõi sức khỏe. Ban giám hiệu quản lý và có hướng trao đổi với phụ huynh để nhắc nhở học sinh tự giác tuân thủ quy định về an toàn phòng dịch. Cô Lê Thị Phương Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến cho biết, nhà trường đã xây dựng các kịch bản cụ thể để triển khai nhiệm vụ năm học ứng với tình hình dịch. Trường hợp có học sinh bị F0, F1 không thể tới lớp, giáo viên có thể áp dụng giảng dạy trực tiếp trên lớp kết hợp với online ngay tại lớp thông qua camera và ứng dụng trực tuyến.

Truy vết sâu, khoanh vùng hẹp

Bình tĩnh ứng phó với diễn biến dịch bệnh cũng là phương án được PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đưa ra. Trong trường hợp lớp học có F0, trường học không nên đóng cửa cả trường mà nên cho học sinh lớp đó tạm nghỉ học. Học sinh trở lại trường sau dịp nghỉ Tết, nguy cơ lây nhiễm sẽ cao hơn bởi các em di chuyển nhiều. Việc phối hợp giữa nhà trường, cơ quan y tế và phụ huynh để cùng theo dõi sức khỏe của học sinh đóng vai trò rất quan trọng.

Kiểm tra thực tế tại một số địa phương, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho rằng, trong quá trình cho học sinh đến lớp học trực tiếp cần theo tinh thần thích ứng linh hoạt chứ không nên máy móc. Tùy điều kiện từng nơi mà có thể linh hoạt trong việc truy vết sâu, khoanh vùng hẹp nếu phát hiện F0 trong trường học.

"Lớp học xuất hiện F0, không nhất thiết phải cho cả lớp nghỉ học để cách ly. Thực tế cho thấy, một lớp có gần nửa số em là F0 thì những em còn lại vẫn học trên lớp bình thường. Nếu sau khi điều tra dịch tễ em đó bị lây từ gia đình, nhà trường không nhất thiết bắt các em còn lại phải test hết. Kịch bản khi xử lý F0 cũng cần làm bài bản và thích hợp từng hoàn cảnh. Nhà trường cần tìm hiểu rõ em F0 đó có bắt tay, tiếp xúc, ăn uống ngồi cùng với ai đó trong lớp hay không?", Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh. 

Dù còn nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu đưa học sinh trở lại trường, nhưng hiện nay cùng với độ phủ vắc xin khá lớn, chúng ta đã hiểu hơn về cơ chế lây truyền của virus. Do đó, các trường, địa phương cần nắm bắt được sự chỉ đạo từ các cơ quan chuyên môn để có cách làm phù hợp; không chủ quan, lỏng lẻo nhưng cũng không gây hoang mang thái quá cho phụ huynh và học sinh.

Bài, ảnh: KHÁNH HÀ