Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH-CN) Việt Nam về yêu cầu tự chủ công nghệ đối với doanh nghiệp Việt Nam.  

Một số chính sách cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn chưa phù hợp 

Phóng viên (PV): Ông đánh giá vai trò của việc làm chủ công nghệ đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp KH-CN nói riêng trong bối cảnh hiện nay như thế nào?

Ông Hoàng Đức Thảo. 

Ông Hoàng Đức Thảo: Chúng tôi rất vui mừng vì Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra những vấn đề mà các doanh nghiệp KH-CN trăn trở lâu nay. Mô hình hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam dựa vào việc tăng trưởng vốn và khai thác tài nguyên đến nay đã không còn nhiều dư địa để phát triển. Thay vào đó, chủ trương của Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực chuyển đổi hướng phát triển kinh tế-xã hội dựa trên KH-CN và đổi mới sáng tạo.

Nếu không làm chủ được công nghệ, doanh nghiệp khó có thể cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa, chứ chưa nói đến việc tiến sâu hơn vào thị trường quốc tế. Do đó, vấn đề quan trọng đặt ra đối với doanh nghiệp Việt Nam là cần phải chú trọng nghiên cứu, ứng dụng để làm chủ được công nghệ. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp KH-CN thì công nghệ chính là sức mạnh, doanh nghiệp nắm càng nhiều bí quyết về công nghệ thì sẽ là đầu tàu dẫn dắt.  

PV: Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp đều bỏ tiền ra mua công nghệ có sẵn của nước ngoài chứ ít tự đầu tư nghiên cứu công nghệ. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này? 

Ông Hoàng Đức Thảo: Để đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ công nghệ tiêu tốn rất nhiều nguồn lực của doanh nghiệp, từ kinh tế, nhân lực cho đến thời gian. Không nhiều doanh nghiệp can đảm lựa chọn hướng đi này mà thay vào đó họ lựa chọn phương án an toàn là mua lại công nghệ và cho ra sản phẩm với mục đích mang lợi nhuận tức thì. Tuy vậy, hướng đi này sẽ không thể giúp doanh nghiệp bứt phá mạnh mẽ. Việc các doanh nghiệp tự nghiên cứu và làm chủ được công nghệ sẽ nắm được quyền chủ động, không bị phụ thuộc vào nước ngoài. Nghiên cứu ra được công nghệ rồi, bước tiếp theo các doanh nghiệp phải làm không phải là tính ngay đến thương mại hóa công nghệ hay làm sao ứng dụng công nghệ đó cho hiệu quả, mà cần chú trọng việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Điều này để bảo đảm sự cạnh tranh công bằng, đề phòng trường hợp khi có doanh nghiệp hay đơn vị khác sao chép công nghệ của mình còn có căn cứ pháp luật để khởi kiện vì xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

PV: Hiện nay, còn những trở ngại gì trong việc thúc đẩy doanh nghiệp làm chủ công nghệ?

Ông Hoàng Đức Thảo: Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu KH-CN và đổi mới sáng tạo. Song vẫn còn một số chính sách chưa phù hợp, doanh nghiệp chưa được hưởng đầy đủ các ưu đãi. Đơn cử về vấn đề thuế thu nhập cá nhân hiện chưa công bằng, chưa khuyến khích được động lực sáng tạo. Bởi những nhà khoa học tự bỏ tiền ra, chịu rủi ro để nghiên cứu, thử nghiệm rồi thương mại sản phẩm KH-CN cũng đóng thuế bằng người làm nghiên cứu dự án khoa học từ vốn nhà nước, được hưởng lương từ Nhà nước.

Hay như, doanh nghiệp KH-CN hiện nay chưa được hưởng đầy đủ ưu đãi theo quy định. Ví dụ, doanh nghiệp KH-CN cần ưu đãi về đất đai nhưng hiện nay quỹ đất trong khu công nghiệp, khu sản xuất còn hạn chế nên quy định miễn tiền thuê đất khó áp dụng được. Để nhận ưu đãi về thuế cũng khá khó khăn khi doanh nghiệp phải bảo đảm mức tăng trưởng và doanh thu từ KH-CN. Về ưu đãi tín dụng, doanh nghiệp KH-CN có tài sản trí tuệ nhưng không thể đem tài sản trí tuệ ra thế chấp vay vốn.

Hoạt động nghiên cứu sản phẩm tại Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Việt Nam. Ảnh: QUANG DUY 

Nhà nước cần bảo trợ cho hoạt động đầu tư nghiên cứu khoa học và công nghệ

PV: Ông có đề xuất gì để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước làm chủ công nghệ, tiến sâu hơn vào thị trường quốc tế trong thời gian tới?

Ông Hoàng Đức Thảo: Để thúc đẩy doanh nghiệp làm chủ công nghệ, Nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp hưởng đầy đủ các ưu đãi. Cần giảm thuế đối với những nhà khoa học tự bỏ tiền ra, chịu rủi ro để nghiên cứu, thử nghiệm rồi thương mại sản phẩm KH-CN nhằm khuyến khích họ tiếp tục đầu tư nghiên cứu các công nghệ mới. Đồng thời cần tăng mức xử phạt đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bộ KH-CN xem xét trình Chính phủ chủ trương thiết lập cơ chế, chính sách đặc thù, theo hướng xem hoạt động đầu tư nghiên cứu KH-CN là hoạt động đầu tư rủi ro, mạo hiểm cần được bảo trợ chính sách của Nhà nước. Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái công nghệ với sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức hỗ trợ.

Đặc biệt, mỗi doanh nghiệp đều phải có ý thức tự chủ về công nghệ, phải tự đặt ra mục tiêu phát triển cao, đầy khát vọng và không ngừng nâng cao chất lượng nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Người dân cũng cần đặt niềm tin và ưu tiên sử dụng các sản phẩm được tạo ra từ công nghệ của doanh nghiệp trong nước thay vì sính ngoại để tiếp động lực cho các doanh nghiệp nội địa vươn mình. Điều quan trọng nữa là Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới, thu hút thêm các tổ chức nghiên cứu và sản xuất công nghệ số vào Việt Nam như lời Tổng Bí thư Tô Lâm nói: “Chúng ta phải biết cách “đứng trên vai của những người khổng lồ”.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

LA DUY (thực hiện)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.