Đây là loài cá mập có tên gọi khoa học Sphyrna tiburo - một loài cá mập nhỏ (dài 150cm, nặng 11kg) thuộc họ cá mập đầu búa (Bonnethead shark) thường sinh sống ở các vùng biển nông ở châu Mỹ.

Từ trước tới nay, nhân loại chỉ biết rằng, cá mập nói chung và cá mập đầu búa nói riêng là loài ăn thịt. Dù nhiều nghiên cứu đã tìm thấy ít nhất 60% thành phần trong dạ dày cá mập đầu búa là thực vật, nhưng khoa học đều tin rằng chúng đã nuốt nhầm bởi con mồi của chúng chủ yếu là cua, mực và một số loài giáp xác hay lẩn trốn trong tảo biển.

Ảnh: Version Weekly

Để chứng minh loài cá mập đầu búa này có “thực đơn chay”, các nhà nghiên cứu từ Đại học California và Đại học Quốc tế Florida (Mỹ) đã trồng một lượng tảo biển từ Vịnh Florida trong phòng thí nghiệm và đưa vào chúng một chất chỉ thị an toàn là đồng vị ổn định carbon-13.

Tiếp theo đó, họ nuôi 5 con cá mập đầu búa trong 3 tuần với thực đơn gồm 90% tảo biển và 10% mực ống. Sau nhiều xét nghiệm, họ đã tìm ra dấu vết của carbon-13 bên trong chất thải, máu và hệ tiêu hóa của cá mập, cũng như các enzyme tiêu hóa thực vật trong ruột của chúng.

Theo nhà sinh vật học biển Samantha Leigh, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, ruột của cá mập đầu búa có chứa enzyme β-glucosidase có khả năng phân giải cellulose có trong thực vật. Điều này có nghĩa rằng, chúng thực sự đã hấp thụ được dinh dưỡng trong tảo biển.

Clip các nhà nghiên cứu cho cá mập đầu búa ăn tảo biển.

Bà Samantha Leigh khẳng định, kết quả trên góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn loài cá mập đầu búa này cũng như giúp bảo vệ các hệ sinh thái tảo biển vốn đang bị đe dọa do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.

Nhóm nghiên cứu dự định tiếp tục mở rộng công trình để tìm hiểu thêm, tại sao cá mập đầu búa lại có thể tiêu hóa được tảo biển và liệu còn có loài cá mập nào khác cũng có khả năng như trên hay không.

MINH ANH (theo Vice)