Tọa lạc bên dòng sông Hương, trên con đường Lê Lợi đẹp nhất xứ Huế, Trường Quốc học là điểm giao thoa giữa vẻ đẹp cổ điển và tinh thần giáo dục theo kiểu phương Tây, khác biệt hoàn toàn với môi trường giáo dục của Nho giáo.

Ngôi trường là điểm đến du lịch không thể bỏ qua khi đến với Huế. Mỗi lần đều như một chuyến trở về, không chỉ với những dãy giảng đường đỏ thẫm mang vẻ đẹp cổ kính mà còn với mạch nguồn sâu lắng của lịch sử dân tộc.

Bước vào khuôn viên trường, du khách sẽ gặp bức tượng người thanh niên Nguyễn Tất Thành, tuổi chưa tròn đôi mươi, nhưng đã sớm mang trong mình nỗi đau đáu về những bất công của xã hội và cuộc sống cơ cực của người dân lao động.

 Quang cảnh Trường THPT chuyên Quốc học - Huế.

Sau khi theo cha vào kinh thành nhậm chức, Nguyễn Tất Thành thi đỗ vào lớp nhì Trường Quốc học. Ngôi trường khi ấy là nơi đào tạo học sinh ưu tú, phần lớn thuộc tầng lớp quan lại, trí thức. Huế đầu thế kỷ 20 dậy sóng bởi các cuộc biểu tình chống sưu thuế, Phong trào Duy Tân và Đông Du đã khiến chàng trai Nguyễn Tất Thành sớm nuôi dưỡng lý tưởng giải phóng dân tộc. Từ căn nhà nhỏ ở số 112 đường Mai Thúc Loan (số mới là 158, phường Thuận Lộc, TP Huế), ngày ngày qua cầu Trường Tiền đến lớp, cậu học trò ấy đã bắt đầu đặt những câu hỏi lớn về trách nhiệm với đất nước, với đồng bào. Và chính tại mái trường Quốc học, nơi giao thoa giữa học thuật Đông-Tây và lý tưởng canh tân, hạt giống đầu tiên của tinh thần độc lập, khai sáng đã âm thầm nảy mầm trong tâm hồn cậu học trò. Ở trường, Nguyễn Tất Thành được nhiều người thầy có tinh thần yêu nước giảng dạy, được tiếp xúc với sách báo tiến bộ, hình thành ý muốn đi sang phương Tây tìm hiểu tình hình các nước và học hỏi văn minh nhân loại.

Rời mái trường, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành xuôi xuống phương Nam rồi bắt đầu hành trình dài tìm đường cứu nước. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, chính quãng thời gian ngắn ngủi tại Trường Quốc học Huế là tia sáng đầu tiên trong hành trình lớn lao ấy. Ngôi trường này không trực tiếp làm nên một nhà cách mạng, nhưng chính tại đây, một tâm hồn yêu nước, một tư duy khai phóng đã được nuôi dưỡng. Từ mái trường này, một con đường lớn đã mở ra - con đường mà Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh không đi vì danh vọng cá nhân mà đi để tìm kiếm tương lai cho dân tộc.

Huế ngày nay ngày càng được chăm chút hơn, trở thành một thành phố đáng để dừng chân và suy ngẫm. Trường Quốc học vẫn hiện diện nguyên vẹn với dáng vẻ cổ kính thuở nào. Dưới những tán cây cổ thụ, giữa hành lang lớp học rợp bóng, vẫn vang vọng tiếng trống trường, tiếng giảng bài, tiếng học sinh ríu rít giờ ra chơi. Không gian ấy đậm nét xưa cũ nhưng không hề phai mờ, bởi nội lực học thuật, bởi tinh thần hiếu học luôn rực cháy.

Với bề dày lịch sử hơn 100 năm, Trường Quốc học Huế vì thế không chỉ là một ngôi trường mà còn là một địa chỉ đỏ khơi dậy khát vọng, nuôi dưỡng chí hướng, nhắc nhở chúng ta về cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Bài và ảnh: MY CAO

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.