Phóng viên (PV): Theo cô giáo, cơ hội và thách thức của giáo viên hiện nay là gì?
Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy: Chất lượng giáo dục luôn gắn liền với sự phát triển bền vững của tất cả các quốc gia, nhất là khi chúng ta đang ở trong bối cảnh xã hội hội nhập thì giáo dục càng cần phải đi trước và là bệ phóng để đào tạo nhân lực, nhân tài. Thực ra trong xã hội ngày nay, giáo dục có rất nhiều cơ hội, thuận lợi, nhưng đấy cũng chính là thách thức đối với người làm công tác giáo dục.
Khi xã hội cởi mở, kiến thức có thể được học ở mọi nơi, mọi lúc, trên rất nhiều phương tiện thì giáo viên không phải là người duy nhất nắm được nguồn lực kiến thức. Do đó, người giáo viên phải hiểu rất rõ mục tiêu của mình, đó là không chỉ truyền thụ kiến thức mà họ phải là người hướng dẫn, chia sẻ với học sinh cách thức để lĩnh hội được kiến thức. Đặc biệt, giáo viên phải làm sao khơi dậy được năng lực của học sinh. Việc khai phóng và khơi dậy năng lực của học sinh là tiền đề để các em tự học và học tập suốt đời. Theo tôi, học tập suốt đời mới là mục tiêu quan trọng trong một xã hội luôn thay đổi và vận động như ngày hôm nay.
 |
Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy.Ảnh: THÚY HẰNG |
PV: Theo cô, vị thế của người thầy trong xã hội hiện đại có gì khác so với trước đây?
Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy: Tôi nghĩ rằng người thầy mang tính định hướng, hướng dẫn, khơi dậy tiềm năng cho học sinh sẽ quý giá hơn rất nhiều so với việc người thầy chỉ truyền bá một lượng kiến thức nhất định mà ngày mai có thể lạc hậu. Như thế, người thầy sẽ luôn đồng hành với trò trong quá trình tự học, sáng tạo suốt cả cuộc đời. Đối với tôi, đó cũng vừa là cơ hội, vừa là thách thức rất lớn để người thầy không ngừng nỗ lực sáng tạo, đổi mới, để làm sao mình không bị cũ đi và thực sự xứng đáng với danh vị người thầy trong xã hội.
Giáo dục là dạy làm người, để hình thành nên những phẩm chất giá trị của con người chứ không đơn giản chỉ là trao truyền kiến thức. Ngay khi tất cả chúng ta, từ mỗi cá nhân giáo viên đến các nhà trường đều hiểu thấu tinh thần của triết lý ấy thì sẽ được thể hiện bằng những hành động, việc làm cụ thể nhất. Trong đó, việc của người thầy là làm sao cho học sinh nhìn thấy thầy mình dù chưa hoàn hảo nhưng luôn nỗ lực rèn luyện, phấn đấu để tiến tới sự hoàn hảo nhất. Từ đó, học sinh cũng noi theo và cùng nỗ lực phấn đấu theo tấm gương người thầy. Như thế, cả thầy và trò đều nỗ lực phấn đấu để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
PV: Cô giáo đánh giá thế nào về thế hệ trẻ ngày nay?
Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy: Tôi luôn thấy xúc động khi đứng trước thế hệ trẻ. Họ luôn có sự mới mẻ, sáng tạo. Thế hệ sau mới mẻ và sáng tạo hơn thế hệ trước, có thể do họ đã được thừa kế những giá trị của thế hệ đi trước. Bởi thế, tôi luôn có niềm tin sâu sắc vào thế hệ trẻ. Tôi luôn học hỏi được rất nhiều từ các trò của mình. Chính sự năng động, sáng tạo, thông minh, nhạy bén của các trò ở từng thế hệ làm cho tôi luôn cảm thấy phấn khích và luôn cố gắng để học hỏi không ngừng, làm sao đáp ứng được sự thông minh, tài giỏi, sáng tạo của các em.
PV: Trân trọng cảm ơn cô!
THANH NGA (thực hiện)