Đó là Nghĩa trang 21-10 (xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Sở dĩ nghĩa trang mang tên này là vì vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 21-10-1966, khi các em học sinh đang chuẩn bị tan trường thì máy bay Mỹ ném bom vào đúng vị trí gần hầm trú ẩn của lớp học. 30 học sinh lớp 7, tuổi từ 13 đến 16, đã bị vùi lấp và tử vong bởi sức ép của bom Mỹ trong các giao thông hào. Cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân cũng bị bom vùi lấp khi vừa tròn 24 tuổi, độ tuổi đẹp nhất đời người và khi đang mang thai đứa con thứ hai, để lại một con thơ chưa đầy 3 tuổi. Khi được tìm thấy, cô Xuân vẫn còn ôm chặt hai học sinh trong vòng tay thân yêu của mình.

Cô và trò Trường Tiểu học và THCS Thụy Ninh thắp hương tưởng niệm tại Nghĩa trang 21-10.

Sự kiện đau thương này đã gây chấn động dư luận trong nước và thế giới ngày ấy. Ngay khi sự việc xảy ra, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên án giặc Mỹ ném bom xuống Trường cấp 2 Thụy Dân. Cả nước hờn căm tội ác dã man của đế quốc Mỹ. 3 ngày sau (24-10-1966), nhà thơ Huy Cận đã viết bài thơ “Hãy trả thù cho các cháu Thụy Dân”.

Thi hài của cô Xuân và các em học sinh được chính quyền xã Thụy Dân cùng bà con an táng tại nghĩa trang nhân dân của thôn An Tiêm 3, xã Thụy Dân. Từ năm 1970, hài cốt của cô và trò được quy tập về yên nghỉ tại khuôn viên trường cũ. Năm 1987, Trường cấp 2 Thụy Dân được xây dựng trên khu đất này nên UBND xã đã chọn một khu đất gần trường để chuyển hài cốt của cô Xuân và 30 học sinh về đó. Đây là một nghĩa trang nhỏ bé, khiêm nhường, nằm ven đường và để ghi nhớ tội ác của đế quốc Mỹ. Tháng 2-2004, Nghĩa trang 21-10 được khởi công xây dựng trên cơ sở nghĩa trang cũ. Đài tưởng niệm trong nghĩa trang được thiết kế như một ngòi bút ở giữa trang sách mở, bên trên ngòi bút là một ngọn lửa như hai vầng trăng khuyết.

Từ khi khánh thành đến nay, Nghĩa trang 21-10 đã đón hàng nghìn đoàn đại biểu trong và ngoài nước về dâng hương. Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong lòng các thế hệ giáo viên, học sinh Trường cấp 2 Thụy Dân nói riêng và giáo viên chúng tôi nói chung, cô giáo-liệt sĩ Bùi Thị Thanh Xuân mãi là tấm gương, là tượng đài của ngành giáo dục quê hương. Để tưởng nhớ cô và 30 học sinh, nhiều năm nay, các nhà trường đều tổ chức những hoạt động trải nghiệm thiết thực để tỏ lòng thành kính tri ân và nhắc nhở các thế hệ học trò ghi nhớ công ơn của thầy, cô giáo.

Bài và ảnh: PHẠM XUÂN ĐỐI (giáo viên Trường Tiểu học và THCS Thụy Ninh, Thái Thụy, Thái Bình)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.