Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập mà hệ lụy dễ nhìn thấy nhất chính là người lao động Việt Nam khả năng thích ứng với thị trường lao động còn hạn chế. Chúng ta cần có nhiều thay đổi nhưng quan trọng nhất chính là thay đổi từ nhận thức, cách đánh giá giáo dục. Khi có cách làm cụ thể Việt Nam mới có thể từng bước tháo gỡ và cải thiện chất lượng giáo dục (CLGD), nâng cao chất lượng nguồn lực.
Kết quả học tập cao nhưng ra trường vẫn không làm được việc
Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học. Điều này càng được phát huy khi điều kiện kinh tế đất nước cải thiện. Không chỉ phổ cập giáo dục, CLGD cũng có những thành quả đáng ghi nhận. Theo GS Lê Anh Vinh, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: CLGD đạt được hai thành tựu nổi bật là Việt Nam đạt kết quả cao trong các kỳ đánh giá quốc tế và đội tuyển Việt Nam đạt thành tích cao trong các kỳ thi Olympic khoa học quốc tế. Giáo dục Việt Nam được đánh giá là nền giáo dục có hiệu quả đầu tư cao so với các nước khác.
 |
Giáo viên nước ngoài dạy ngoại ngữ cho sinh viên Trường Đại học Hạ Long (Quảng Ninh). (Ảnh chụp trước ngày 27-4). |
Tuy kết quả học tập tương đối tốt nhưng có một nghịch lý là khi học xong, nhiều người lao động Việt Nam lại thiếu không ít kỹ năng để đáp ứng công việc. Họ thiếu khả năng hoàn thành công việc một cách tự chủ khi bước vào một công việc trong bối cảnh mới. Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới năm 2019, nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin sử dụng lao động Việt Nam có thể dễ dàng tuyển người có kỹ năng viết, kỹ năng công nghệ nhưng những nhóm kỹ năng khác thì rất khó đáp ứng. Đó là kỹ năng quản lý, lãnh đạo (hơn 70%), kỹ năng giao tiếp, liên cá nhân (hơn 50%), kỹ năng ngoại ngữ (gần 60%), kỹ năng về kỹ thuật và nghề nghiệp (gần 70%) là những nhóm kỹ năng khó tuyển lao động nhất. Dù những con số này chưa phải là tất cả nhưng cũng phản ánh phần nào thực tế CLGD ở nước ta.
Hiểu đúng về giáo dục toàn diện
Năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Nghị quyết nêu rõ phải chú trọng giáo dục toàn diện, đó là giáo dục văn hóa, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Thế nhưng đến nay khái niệm giáo dục toàn diện vẫn bị nhiều người hiểu nhầm là học giỏi toàn diện. Cho rằng khái niệm này cần được nhìn nhận đúng, GS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: “Chính vì quan niệm giỏi toàn diện chưa được hiểu đúng, kể cả trong giáo viên nên có hiện tượng bỏ qua nhiều tiêu chí quan trọng như thể trạng, sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh. Đây là nguồn cơn cho những vấn đề bạo lực học đường, trầm cảm, tự kỷ... Khi một em học sinh được 10 điểm nhưng sau đó tự tử là thực tế đã xảy ra. Những vấn đề này thời gian gần đây mới được nói đến. Thời gian hai năm gần đây khi việc học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì vấn đề sức khỏe tinh thần của giáo viên, học sinh cũng là vấn đề rất quan trọng trong đánh giá chất lượng”.
Bên cạnh đó, nhiều nhà trường, giáo viên có nhận thức tích cực về giáo dục toàn diện nhưng lại đang loay hoay không biết bắt đầu thay đổi từ đâu. PGS,TS Nguyễn Thị Lan Phương, chuyên viên cao cấp Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho biết: “Qua tìm hiểu, khảo sát, chúng tôi nhận thấy, dù năm 2018 mới ban hành chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận năng lực nhưng từ năm 2012, 2013 trở đi, hầu hết các nhà trường đã chuyển dần sang cách tiếp cận này từ giảng dạy đến cách đánh giá. Từ năm 2017, giáo viên đều sử dụng các phương pháp dạy học tích cực để hướng tới việc phát triển năng lực cho học sinh. Tuy nhiên, quá trình này có những bất cập. Chẳng hạn, gọi là phát triển năng lực nhưng từng năng lực được khái niệm như thế nào, gồm những cấu trúc gì thì giáo viên hiện nay hầu hết làm theo kinh nghiệm”.
Vì vậy, theo thông tin từ PGS,TS Nguyễn Thị Lan Phương, để giám sát CLGD, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng chuẩn đánh giá phẩm chất và năng lực cho từng phẩm chất, từng năng lực trong toàn bộ chương trình. Sau đó, bộ chuẩn này sẽ được tập huấn cho giáo viên tập trung vào hai khía cạnh lớn là giảng dạy để phát triển năng lực như thế nào, đánh giá sự phát triển phẩm chất như thế nào, sự kết hợp giữa giảng dạy và đánh giá theo sự phát triển này. "Khi đã chú trọng như vậy, chúng ta kỳ vọng không chỉ đánh giá trên lớp mà cho các kỳ đánh giá quốc gia, các kỳ thi... dựa trên năng lực chứ không chỉ chú trọng kiến thức”, PGS,TS Nguyễn Thị Lan Phương khẳng định.
Bài và ảnh: GIA TRÍ