Hạt ngô, hạt lúa, que kem làm gì?

Ngày hội STEM huyện Si Ma Cai là một bức tranh nhiều màu sắc của những bộ trang phục dân tộc, trên những ánh cười của người tham gia và đặc biệt phong phú với hàng loạt hoạt động hấp dẫn.

Thu hút nhất là các gian trưng bày sản phẩm STEM/STEAM. Tại gian hàng trưng bày của trường mình, Giàng Thị Tấu, học sinh Trường THCS xã Sín Chéng khá bận rộn bởi hàng loạt câu hỏi của những vị khách từ khắp nơi trong huyện đến với ngày hội. "Chị ơi bức bản đồ Việt Nam này được làm từ các loại hạt à? Làm thế nào gắn hạt vào mà đẹp vậy ạ? Hạt này là hạt gì ạ? Để làm một bức tranh như thế này cần bao lâu hả chị? Chị ơi thế làm thế nào để con kiến robot này chạy được ạ?"... Thấy cô học trò nhỏ trả lời không kịp với những câu hỏi liên tiếp đưa ra, thầy Lê Đức Hà, Hiệu trưởng nhà trường đứng gần đó cũng vào tiếp ứng. “Thầy đố các bạn trong mô hình gia đình em này cái gì khó tìm nhất?”. Thế là cả chục con mắt cùng ngó vào tìm kiếm những chi tiết nhỏ nhất trong mô hình. Có con gà trống, cái chảo, bóng điện, cái giường, bằng khen... Mỗi người một ý kiến nhưng câu hỏi của thầy đã thu hút và hướng dẫn cho các em nhỏ kỹ năng quan sát tỉ mỉ. Tại gian trưng bày của Trường Tiểu học và Trường THCS xã Cán Cấu, thỉnh thoảng lại rộn lên tiếng thách đố khi tham gia trò chơi “Nhịp tim”. Trẻ nhỏ, người lớn thi nhau lách khuôn nhôm nhỏ đi qua đường dây lên xuống như nhịp tim sao cho không chạm vào nhau, bởi nếu không khéo, sẽ kích hoạt vào chuông báo.

leftcenterrightdel

 Học sinh Giàng Thị Tấu, Trường THCS xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai (ngoài cùng, bên trái) giới thiệu gian hàng trường mình.

Nằm ở trung tâm của ngày hội, trải nghiệm STEM với chủ đề "Thiết kế mô hình cây cầu" cũng thu hút khá đông thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh. Các đội chơi dùng que kem, ống hút để làm mô hình cầu. Mỗi mô hình đều có bản phác thảo, giải thích... Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Cán Cấu cho biết: “Là giám khảo cuộc thi rất khó vì các đội đều hoàn thiện sản phẩm rất đẹp và chắc chắn. Có em ứng biến nhanh lắm. Khi tôi hỏi em chưa xong à thì em trả lời rằng cầu đang xây dựng rồi trình bày ý tưởng rất mạch lạc. Đến nỗi khán giả đứng ngoài vỗ tay tán thưởng và còn đùa rằng chắc bạn ý đang muốn kêu gọi vốn xây cầu”. Góc khác là cuộc thi thiết kế cột cờ theo mô hình cột cờ ở trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Cùng các bạn làm xong mô hình cột cờ bằng gỗ, giấy, ròng rọc, dây, đinh... do ban tổ chức cung cấp, Thào Thị Gầu, lớp 9A, Trường THCS Cán Cấu, cho biết: “Cả đội vừa vẽ, vừa tưởng tượng rồi cùng lắp. Vì lần đầu nên dù mô hình hoạt động tốt nhưng khi vẽ vào bản thiết kế thì quên không vẽ dây. Đây là bài học cho em cần cẩn thận trong mọi công đoạn thiết kế sản phẩm”.

Giáo viên phải là những người tạo động lực

Đó là ý kiến chung của nhiều thầy cô giáo, nhà quản lý khi chúng tôi hỏi về kinh nghiệm tổ chức các hoạt động giáo dục STEM cho học sinh. Cô Nguyễn Thị Thúy Hằng cho rằng: “Để làm được STEM, giáo viên phải tâm huyết, có sự chuẩn bị đầy đủ tài liệu, dụng cụ... Giáo viên chính là những người tạo động lực cho học sinh học STEM”.

Trường THCS xã Sín Chéng có 373/378 học sinh là người dân tộc thiểu số và cũng khá khó khăn vì không có giáo viên chuyên về STEM, nhưng trường tìm cách tháo gỡ bằng việc phối hợp với “vành đai giáo dục” giữa các trường để hỗ trợ hoạt động. Thầy Lê Đức Hà chia sẻ: “Giáo viên đóng vai trò rất quan trọng để hoạt động STEM có thể hoạt động hiệu quả. Những sản phẩm STEM của chúng tôi thường được hình thành trên cơ sở những thứ có sẵn, dễ kiếm. Chẳng hạn làm tranh linh hoạt từ các loại hạt hay chỉ màu giúp học sinh học toán hình, mỹ thuật. Cho các em làm sa bàn Chiến thắng Điện Biên Phủ vừa học lịch sử, địa lý vừa kết hợp với Toán, Mỹ thuật, Vật lý... Bên cạnh đó, khi có sự tham gia của phụ huynh, các hoạt động STEM cũng hiệu quả hơn nhưng khó nhất khi kéo phụ huynh vào cuộc do điều kiện kinh tế. Vì thế, giáo viên phải xây dựng kế hoạch sao cho phù hợp và tuyên truyền để họ hiểu lợi ích của những hoạt động này với con em mình. Chẳng hạn học STEM với món ăn truyền thống, sản phẩm âm nhạc của địa phương... là những thứ họ vừa có sẵn lại vừa am hiểu nên rất thuận lợi. Thực tế 3 năm qua, hoạt động STEM được cụ thể hóa vào chương trình giáo dục của trường đã đem lại hiệu quả. Học sinh được học thực hành luôn nên thích học và tự tin hơn. Phụ huynh thấy hiệu quả cũng hưởng ứng tích cực hơn”.

Cô Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai cho biết: “Việc tổ chức ngày hội STEM năm học 2022-2023 nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, giáo viên và các em học sinh về giáo dục STEM, tạo cơ hội để các em học sinh giới thiệu với thầy cô và bạn bè kết quả của quá trình vận dụng kiến thức các môn học vào thực tiễn. Ngày hội cũng nhằm xây dựng cho các em sân chơi giải trí lành mạnh, để các em thấy rằng “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, rèn luyện cho các em kỹ năng giao tiếp ứng xử, thực hành... Đây cũng là cơ hội để cha mẹ học sinh hiểu biết về ý nghĩa của giáo dục STEM đối với học sinh, từ đó ủng hộ và tạo điều kiện cho các em học sinh đến trường”.

Bài và ảnh: THÀNH PHONG