TS NGUYỄN VIẾT CHỨC, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa-Xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

Miễn học phí là chủ trương đúng nhưng cần xây dựng lộ trình cụ thể

Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến miễn học phí cho học sinh bậc THCS. Nước ta đang phổ cập tiểu học, THCS và tiến tới là THPT, việc miễn học phí là khâu quan trọng, quyết định đến sự thành công trong phổ cập. Chính vì vậy, đề xuất miễn học phí cho học sinh bậc THCS là hoàn toàn phù hợp với quy luật phổ cập giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, việc này cần các bộ, ngành liên quan phải xây dựng một lộ trình phù hợp, cụ thể. Việc đầu tiên là đánh giá tác động, cân đối ngân sách, nếu không thu học phí thì chúng ta lấy nguồn nào bù vào để việc miễn học phí không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, ngân sách của các trường và đời sống của giáo viên. Sau khi đánh giá tác động, chúng ta mới có thể rà soát toàn bộ nguồn tài chính có bảo đảm hay không và cân đối giữa trường công và trường tư. Điều duy nhất tôi lo lắng, đó là việc miễn học phí sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Vì muốn học tốt thì phải dạy tốt, vì vậy, dù miễn học phí, nguồn thu cho ngân sách của nhà trường bị ảnh hưởng ít hay nhiều thì chúng ta vẫn phải bảo đảm đời sống cho cán bộ, giáo viên. Khi các thầy, cô giáo có đời sống tốt mới thể yên tâm gắn bó với nghề.

Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ dư luận xã hội đặc biệt là các bậc cha mẹ học sinh, bởi vì gia đình nào cũng có con cháu đi học. Mọi người đánh giá cao sự kịp thời của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quá trình phổ cập giáo dục và đặc biệt hơn là trước tình hình cả nước vừa trải qua đại dịch Covid-19, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Mặc dù mức học phí ở bậc học này không nhiều nhưng nếu được triển khai sẽ bớt được gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình.

NGUYỄN HUYỀN (ghi)

  Giờ học tại Trường THCS - THPT Phan Châu Trinh, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: DUY HIỂN

Ông NGUYỄN TÚC, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:

Cần có chính sách thu hút các nguồn lực kinh tế đầu tư vào giáo dục

Tôi cho rằng, đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS nếu được triển khai sẽ bớt được gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình, bởi sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn, chính vì vậy việc miễn học phí cho học sinh THCS sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân. Việc miễn học phí sẽ tạo điều kiện cho tất cả con em mọi vùng, miền đều được đi học, đó cũng là thể hiện sâu sắc sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến sự nghiệp phát triển giáo dục.

Hiện nay nước ta phát triển kinh tế nhiều thành phần, thu nhập của người dân khác nhau, mức sống cũng không giống nhau. Bên cạnh những người có hoàn cảnh khó khăn thì cũng có một bộ phận có thu nhập cao, vì vậy song song với việc miễn học phí, chúng ta cũng nên có cơ chế, chính sách nhất định để thu hút, kêu gọi các mạnh thường quân chung tay góp sức đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là phát triển giáo dục ngoài công lập để sẻ chia gánh nặng cho giáo dục công lập và ngân sách Nhà nước.

Thời gian qua đã có một số địa phương thực hiện việc miễn học phí cho học sinh các cấp. Như TP Hải Phòng từ năm học 2020-2021 thực hiện lộ trình miễn 100% học phí từ bậc mầm non tới THPT, bổ túc. Hay năm học 2021-2022, TP Đà Nẵng hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non, học sinh THCS, THPT trường công lập và ngoài công lập do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19... Tôi rất hoan nghênh các địa phương ngoài việc đóng góp cho Trung ương, bằng nguồn lực của mình tự thực hiện việc miễn, giảm học phí cho học sinh. Cũng mong rằng thời gian tới sẽ có nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm được điều đó, góp phần giảm bớt gánh nặng cho Trung ương.

ĐỨC THỊNH (ghi)

------------

Giáo sư PHẠM TẤT DONG, nguyên Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam

Miễn học phí cấp THCS là việc đương nhiên, không nên trì hoãn

Việc miễn học phí cho học sinh cấp THCS đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất nhiều lần và theo tôi không nên trì hoãn nữa, bởi vì từ lâu cấp học THCS đã được quy định là cấp học phổ cập. Đã là phổ cập thì không những Nhà nước phải tạo điều kiện cho con em học tập mà còn mang tính bắt buộc cha mẹ và học sinh thực hiện. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Nhà nước ta không thu học phí; khi hết chiến tranh, đất nước còn khó khăn, Nhà nước cũng không thu học phí, vậy thì không có lý do gì, khi đất nước phát triển như bây giờ, việc thu học phí cấp học phổ cập lại duy trì. Theo tôi, việc miễn học phí cho học sinh THCS như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất là chuyện đương nhiên cần làm và việc này chúng ta nên làm từ lâu mới đúng.

Người dân đã đóng thuế cho Nhà nước và có hai phúc lợi cơ bản nhất cần được hưởng là miễn phí học tập và chữa bệnh. Người dân đã đóng thuế rồi lại đóng học phí là điều không phù hợp. Thực tế hiện nay, học phí so với các khoản khác phải đóng đầu năm học thì không đáng bao nhiêu. Có nhiều trường, cha mẹ học sinh đã thống kê, ngoài học phí có đến 20 khoản thu nữa và những khoản thu này đáng suy nghĩ. Nhìn sang các nước xung quanh như Thái Lan, Hàn Quốc, Triều Tiên... họ miễn học phí hoàn toàn cho cấp học phổ thông. Cũng có ý kiến cho rằng nếu ngân sách nước ta chưa cân đối được thì tỉnh nào chủ động được thì nên thực hiện trước. Tuy nhiên, theo tôi, khoản miễn phí hoàn toàn cho cấp học THCS không quá lớn nên không thể nói là không cân đối được. Chủ trương này nên sử dụng ngân sách Nhà nước, triển khai trên toàn quốc để bảo đảm sự công bằng và thuận tiện.

HÀ PHƯƠNG (ghi)

------------------

Ông Y Wem Hwing, Phó chủ tịch UBND huyện Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc:

Thúc đẩy phát triển giáo dục ở vùng sâu, vùng xa

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, kinh tế-xã hội của huyện Cư M’gar đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo. Năm học 2021-2022 diễn ra hết sức đặc biệt với nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của thầy và trò, ngành giáo dục của huyện vẫn đạt được nhiều mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, công tác giáo dục ở huyện Cư M’gar vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn vì có nhiều địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa với 50% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay, tỷ lệ học sinh THCS trên địa bàn huyện được miễn, giảm học phí là 20% nên việc duy trì học sinh trong độ tuổi này đến trường gặp khó. Vì thế, nếu tới đây, đề xuất miễn hoàn toàn học phí đối với học sinh THCS của Bộ Giáo dục và Đào tạo được chấp thuận, theo tôi sẽ mang lại những hiệu quả tích cực đối với công tác giáo dục ở địa phương, cụ thể: Tỷ lệ học sinh THCS đi học duy trì ở mức cao hơn vì hiện nay, nhiều em phải nghỉ học do hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhất là sau dịch Covid-19; chất lượng giáo dục cũng sẽ được nâng cao; học sinh có điều kiện trang bị các đồ dùng học tập, tài liệu tham khảo...

KIỀU BÌNH ĐỊNH (ghi)