Nguyên nhân gây nên vấn nạn bạo lực học đường từng được các nhà giáo dục, chuyên gia tâm lý phân tích, mổ xẻ nhiều, trong đó có các yếu tố chính, như: Xã hội, gia đình, nhà trường. Không chỉ Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới có nền giáo dục tiên tiến cũng “đau đầu” về nạn bạo lực học đường gia tăng. Vậy, đâu là những cách thức, biện pháp được xem là khả thi để giải quyết tốt nạn bạo lực học đường? 

Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác giám thị, thầy giáo Lê Văn Quyền, Trường THCS Nguyễn Chánh, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) cho biết: "Dưới ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội, phim ảnh bạo lực và do hiểu biết còn hạn hẹp, nhân cách chưa hoàn chỉnh, bản tính lại nông nổi, nên khi có mâu thuẫn, các em học sinh sẵn sàng đánh nhau. Vấn đề đặt ra là cách giáo dục, ngăn ngừa của chúng ta như thế nào, đến đâu? Bằng kinh nghiệm thực tiễn của tôi thì công tác ngăn ngừa, phối hợp giữa các thành tố trong nhà trường, nhất là tổ giám thị và giáo viên chủ nhiệm, sự liên lạc, phối hợp giữa nhà trường và gia đình, phụ huynh là rất quan trọng. Cùng với đó, tổ giám thị, bảo vệ… phải thường xuyên đi dạo xung quanh trường, nơi hàng quán, thời điểm tan trường… để phát hiện và ngăn chặn những vụ việc nảy sinh sau giờ học. Ngăn chặn từ xa, triệt phá những vụ việc chưa xảy ra trong học sinh, góp phần giảm đáng kể tác động xấu của nạn bạo lực học đường".

Một giờ học của học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi).

Thầy giáo Nguyễn Văn Luận, Trưởng ban Quản sinh, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Quảng Ngãi) chia sẻ: "Tôi có 15 năm làm công việc quản sinh và giải quyết hàng trăm vụ học sinh mâu thuẫn, xích mích dẫn đến đánh nhau. Lý thuyết, văn bản thì dễ lắm, nhưng đi vào thực tế xử lý thì vô cùng khó khăn, vì tính phức tạp của nó, nhiều khi tốn khá nhiều thời gian để xác minh, tìm hiểu. Khi xảy ra sự việc, một số em có liên quan rất ngoan cố, quanh co chối tội. Chúng tôi kiên trì khai thác, đấu tranh bằng nhiều biện pháp, mời phụ huynh đến cùng giải quyết; phân tích hành vi đúng-sai để học sinh, phụ huynh nhận ra lỗi lầm và trách nhiệm của mình. Có ngay hình thức kỷ luật đối với học sinh vi phạm, thông báo ở lớp hay toàn trường. Nhờ giải quyết, xử lý kịp thời, nên vấn nạn bạo lực trong học sinh ở trường chúng tôi những năm gần đây giảm đáng kể”.

 Thầy giáo Trần Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Xiện (tỉnh Kiên Giang) cho rằng: "Hiện tượng học sinh bạo lực, đánh nhau thì ở đâu, trường nào cũng có, chỉ có điều ít hay nhiều, đơn giản hay nghiêm trọng mà thôi. Trách nhiệm để xảy ra tình trạng này thuộc về 4 phía: Xã hội, nhà trường, gia đình và bản thân học sinh. Chính cái tâm lý im lặng, che giấu, nhút nhát, ngại đấu tranh, không dám bộc bạch, bày tỏ chính kiến ở một bộ phận xã hội, trong đó có học sinh, phụ huynh, thầy giáo, cô giáo… tồn tại lâu nay đã dung dưỡng, chở che cho những hành vi bạo lực, thói xấu phát triển, trỗi dậy".

Về phần mình, chúng tôi cho rằng, muốn ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, thì ngay từ những tiết chào cờ hay hoạt động ngoại khóa, ban giám hiệu các trường phải kịp thời khen thưởng, biểu dương những học sinh dũng cảm “tố giác” sai phạm. Cùng với đó, phê bình nghiêm khắc đối với những thầy giáo, cô giáo giải quyết học sinh cá biệt, những vụ học sinh đánh nhau chưa nghiêm. Quan trọng nhất là phải công khai rộng rãi các vụ vi phạm, đừng vì thành tích mà che giấu khuyết điểm. Trong xử lý học sinh cá biệt phải thực sự nghiêm khắc, nếu không các em sẽ "được đằng chân lân đằng đầu". Giáo dục luôn phải gắn với chế tài và kỷ luật.

Bài và ảnh: ĐỖ TẤN NGỌC