Việc một số phụ huynh ở xã Hợp Tiến (Mỹ Đức, Hà Nội) đòi lại quà tặng giáo viên trường mầm non của xã mới đây đã làm xuất hiện hai luồng ý kiến. Một số ý kiến cho rằng, đã không thân thiện với nhau thì đòi lại quà cho… biết mặt nhau! Nhưng phần đông ý kiến cho rằng, việc làm này không nên khuyến khích, không cần thiết, vì nó thể hiện thái độ “tiền hậu bất nhất” trong ứng xử của phụ huynh đối với giáo viên.
Được biết, lý do một số phụ huynh đòi lại quà tặng giáo viên là vì quá bức xúc trước việc giáo viên trường này không chỉ "ký hộ" danh sách “vận động” cha mẹ học sinh đóng tiền “tự nguyện”, mà nhà trường còn lạm thu hơn nửa tỷ đồng của họ. Mặc dù ban giám hiệu nhà trường đã nhận ra sai sót, xin lỗi và trả lại số tiền lạm thu trên cho phụ huynh, nhưng một số cha mẹ học sinh vì chưa hết bức xúc đã đòi lại những món quà mà mình đã tặng giáo viên chủ nhiệm vào các dịp lễ, Tết.
Có thể nói rằng, việc đòi lại quà tặng giáo viên của một số phụ huynh ở xã Hợp Tiến là không nên. Bởi vì, quà tặng đó chỉ là bánh kẹo, ấm chén, khăn mặt, vải lụa… là những thứ giản dị gắn liền với cuộc sống đời thường, giá trị không đáng là bao. Những thứ quà tặng này chủ yếu thể hiện tình cảm, tấm lòng chân thành của người tặng dành cho người được tặng, chứ không đến mức “hối lộ” trên mức bình thường đáng phải phê phán. Hơn nữa, quà tặng đó của phụ huynh dành cho các giáo viên nhằm tri ân các thầy, cô trong Ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam (20-11) và dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Tình cảm này của phụ huynh cũng không ngoài mục đích góp phần củng cố, thắt chặt mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình trong việc cùng quan tâm chăm lo, giáo dục con cái tốt hơn.
Ca dao có câu: “Yêu nhau cau sáu bổ ba/ Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”; rồi: “Yêu nhau xé lụa may quần/ Ghét nhau kể nợ kể nần nhau ra”. Hàm ý câu ca dao khuyên răn người ta không nên để cho tình cảm của mình ở hai thái cực trái ngược nhau hoàn toàn, tức là khi yêu thì "đưa lên tận mây xanh”, còn khi không yêu, lúc ghét nhau thì lại “dìm xuống tận bùn đen”. Tình cảm ấy có phần nông nổi, bồng bột, "tiền hậu bất nhất", không thể hiện tấm lòng chính trực của người đàng hoàng, quân tử.
Vẫn biết chuyện lạm thu ở nhà trường là rất đáng phê phán. Thế nhưng, từ câu chuyện trên, mong sao các bậc phụ huynh không vội vàng bày tỏ thái độ, tâm lý “giận cá chém thớt”, đánh đồng, lẫn lộn giữa việc này với việc khác. Phần đông giáo viên hiện nay đều có lòng tự trọng và vẫn quan tâm chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”. Vì vậy, các bậc phụ huynh rất cần tỉnh táo, bình tĩnh, không nên vì bức xúc với việc lạm thu mà lại có những cử chỉ chưa hay, chưa đẹp đối với giáo viên và cũng không nên ứng xử theo kiểu “giậu đổ bìm leo”, dồn các nhà giáo vào “chân tường” khiến họ bị tổn thương không cần thiết. Vì ứng xử như vậy là chưa nhân văn, chưa giàu tính giáo dục.
PHÚC NỘI