Thu tiền cao, chất lượng thấp

Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có 369 trung tâm đào tạo ngoại ngữ. Các trung tâm này được cấp phép hoạt động theo tiêu chí của Thông tư số 03/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bên cạnh những trung tâm chất lượng đào tạo tốt, có uy tín vẫn còn những trung tâm với bề ngoài được trang trí lòe loẹt song cơ sở vật chất nghèo nàn, chất lượng đào tạo thấp, nhưng vẫn hoạt động và thu học phí khá cao.

Khu vực xung quanh Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) có khá nhiều trung tâm ngoại ngữ. Tại cơ sở đào đạo tiếng Anh ở số nhà 13A12 Khu tập thể nhà trường, chúng tôi được một nhân viên cho biết, một khóa học kéo dài 24 buổi, mỗi buổi học 2 giờ có mức học phí 3,2 triệu đồng/khóa, giảng viên là thạc sĩ tiếng Anh. Quan sát lớp học, chúng tôi đếm được có 12 học sinh học trong một căn phòng rộng chừng 15m2, ẩm thấp, phương tiện học tập ngoài bàn, ghế, bảng thì không còn thứ gì khác. Chúng tôi thắc mắc thì nhận được câu trả lời: "Do cơ sở đang chờ cấp phép hoạt động, nên chưa đầu tư".

leftcenterrightdel

Một công ty đào tạo tiếng Anh phía sau Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). 

leftcenterrightdel
Khu vực phía sau Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tập trung nhiều trung tâm đào tạo tiếng Anh. 

Đến một số cơ sở khác ở khu vực lân cận, chúng tôi được biết, những trung tâm này còn có thêm "chức năng" thu gom học viên, rồi chuyển sang cho trung tâm khác ăn tiền chênh lệch. Một số học sinh chia sẻ: "Do các cơ quan chức năng chưa có đánh giá, xếp loại chất lượng các trung tâm tiếng Anh nên nhiều khi đăng ký, theo học rồi mới phát hiện ra chất lượng quá kém. Song, trót đóng tiền rồi nên phải học hết khóa".

Lê Hồng Ngân, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương cho biết: "Trước đây, tôi đã học qua vài nơi nhưng chất lượng thì không được như lời quảng cáo. Giáo viên đúng là người nước ngoài, nhưng chỉ là “tây ba lô”, chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm không có. Đã thế họ còn thường xuyên thay đổi giáo viên, nên chất lượng học rất thấp. 

 Mới đây, chúng tôi nhận được phản ảnh của một phụ huynh học sinh có con đang học ở Trường THCS Ngô Gia Tự, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội về chất lượng dạy tiếng Anh ở đây. Theo phụ huynh này, nhà trường đã liên kết với Trung tâm Language Link Việt Nam tổ chức dạy tiếng Anh cho học sinh với mức học phí 6 triệu đồng/học sinh (hai học kỳ); mua tài liệu Language Link hết 460.000đồng/học sinh. Thế nhưng, không ít giờ học, thầy giáo, cô giáo Trung tâm Language Link Việt Nam chỉ ngồi làm việc riêng, giao các trò tự quản chơi là chính.

Sau khi nghe chúng tôi phản ảnh ý kiến trên, bà Trần Thị Huyền, Giám đốc chương trình dự án liên kết trường học, Trung tâm Language Link Việt Nam giải thích: “Một lớp học tại các trường phổ thông được trung tâm chia ra làm hai lớp nhỏ để số học sinh không quá đông. Mỗi lớp do trung tâm giảng dạy gồm một giáo viên nước ngoài và một giáo viên người Việt Nam trợ giảng; giáo trình theo tiêu chuẩn của ngôn ngữ châu Âu, giáo viên người nước ngoài có trình độ từ cao đẳng trở lên và có kèm theo chứng chỉ giảng dạy chuyên nghiệp. Với những tiêu chí như thế thì mức học phí trên là hoàn toàn không hề đắt. Giờ học tiếng Anh là một giờ học ngôn ngữ, đòi hỏi sự tư duy, vận động, thảo luận của nhiều học sinh nên có thể phụ huynh hiểu lầm cho rằng giáo viên làm việc riêng, còn học sinh tự quản”.

Giải pháp nâng cao chất lượng

Về công tác quản lý các trung tâm, bà Trần Thị Thu Hương, Phó trưởng phòng Giáo dục Thường xuyên-Chuyên nghiệp (Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội) cho biết, phụ huynh và học viên có quyền tự do chọn lựa nơi học, nên những trung tâm mà học phí không tương xứng với chất lượng đào tạo sẽ không thể tồn tại. Trong thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, dự giờ, quản lý hoạt động của các trung tâm và thành lập Ban kiểm tra liên ngành tại các quận, huyện để kiểm tra, quản lý các trung tâm theo phân cấp. Bà Hương khẳng định, qua kiểm tra chưa phát hiện ra sai phạm gì song những cơ sở đào tạo ngoại ngữ chưa được cấp phép mà vẫn hoạt động thì cách xử lý chỉ là nhắc nhở và hướng dẫn hoàn thiện giấy phép. Đến nay, sở vẫn chưa thống kê số lượng các cơ sở vi phạm và không xử phạt.

Mới đây, tại Hội thảo “Định hướng chiến lược dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2016-2020”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, để quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo tại các trung tâm tiếng Anh, cần đánh giá thường xuyên năng lực của các trung tâm khảo thí, đặc biệt là 10 trung tâm được Bộ giới thiệu tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc. Đẩy nhanh xây dựng trung tâm đánh giá ngoại ngữ độc lập cấp quốc gia để hỗ trợ và giám sát công tác khảo thí ngoại ngữ trong cả nước. Cương quyết đóng cửa các trung tâm khảo thí không bảo đảm chất lượng, có biểu hiện tiêu cực.

Bà Phan Thị Hoàng Hoa, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục và Đào tạo Apollo Việt Nam đưa ra lời khuyên: Để có được nền tảng Anh ngữ tốt, điều quan trọng trước mắt luôn là quyết tâm của người học, sau đó hãy xác định cụ thể xem mình muốn gì, học để đi làm, thi IELTS hay để giao tiếp… rồi tìm một môi trường với giáo trình phù hợp, chuyên nghiệp. Hiện nay, đa số các trung tâm đều quảng cáo mạnh mẽ về chất lượng đào tạo, tuy nhiên những kỹ năng mềm thì không phải trung tâm nào cũng có. Trước khi đăng ký học, cần thận trọng tìm hiểu và chọn lựa những trung tâm lớn, uy tín, thông qua sự giới thiệu của người thân, bạn bè.

Bài và ảnh: VĂN THI