Phóng viên Báo Quân đội nhân dân trao đổi với PGS, TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội xung quanh những nỗ lực đổi mới của nhà trường hiện nay.

   PGS, TS Phạm Thị Thu Hương.

Phóng viên (PV): Bà có thể cho biết về những chặng đường phấn đấu của nhà trường-một trong những cái nôi đào tạo nhân lực văn hóa hàng đầu của đất nước?

PGS, TS Phạm Thị Thu Hương: Được thành lập từ năm 1959, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau nhưng sứ mệnh của nhà trường không thay đổi, đó là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu trong lĩnh vực văn hóa ở Việt Nam. Thành tựu của nhà trường có thể nhìn thấy ở những đóng góp của hàng chục ngàn cựu sinh viên cho ngành văn hóa, du lịch. Trường Đại học Văn hóa Hà Nội còn là trung tâm nghiên cứu văn hóa, tham gia hoạch định chính sách của Nhà nước về văn hóa và hội nhập quốc tế.

Điều tự hào và là cơ sở vững chắc để nhà trường phát triển là truyền thống dạy tốt, học tốt luôn được đề cao và phát huy. Không chỉ các em sinh viên cố gắng học tập mà đội ngũ giảng viên luôn có ý thức nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy, nhiều giảng viên được giới chuyên môn thừa nhận là những nhà nghiên cứu đầu ngành.

 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện (thứ 5, từ phải sang) tham quan gian trưng bày của Khoa Viết văn-Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tại Hội Báo toàn quốc 2018. Ảnh: NGÔ PHONG.

PV: Bên cạnh những ngành học truyền thống, những năm gần đây, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã mở thêm nhiều ngành và chuyên ngành mới. Bà cho biết về sức hút của những ngành học mới và hiệu quả bước đầu trong công tác đào tạo?

PGS, TS Phạm Thị Thu Hương: Nhà trường luôn chú trọng không chỉ đào tạo cán bộ hoạt động văn hóa phong trào mà còn đào tạo các ngành khoa học văn hóa. Trước đây, trường chỉ có bốn ngành đào tạo truyền thống: Thông tin-thư viện, bảo tàng, xuất bản-phát hành, văn hóa quần chúng. Hiện nay, nhà trường có 14 ngành, có những chuyên ngành mới thuộc lĩnh vực văn hóa, du lịch: Lữ hành-hướng dẫn du lịch, quản lý nhà nước về gia đình, đạo diễn sự kiện và biểu diễn âm nhạc, ngôn ngữ Anh, luật….

Trước bối cảnh những ngành truyền thống khó tuyển sinh, đầu ra khó khăn, nhà trường chủ động mở thêm ngành mới với nhiều mục đích: Đáp ứng nhu cầu xã hội, yêu cầu nhân lực của ngành văn hóa thời kỳ hội nhập, có thêm kinh phí để “nuôi” ngành học truyền thống tiến tới tự chủ về tài chính… Sức hút của các ngành mới rất lớn, chẳng hạn, năm nay, chuyên ngành lữ hành-hướng dẫn du lịch chỉ tiêu tuyển sinh lấy 100 sinh viên nhưng nguyện vọng đăng ký hơn 10.000 lượt.

Trường xác định ngành phải đào tạo nghiêng về lĩnh vực văn hóa. Chẳng hạn trong đào tạo ngành luật sẽ chú trọng đào tạo sinh viên trở thành những chuyên gia am hiểu luật pháp liên quan đến văn hóa để nếu sau này công tác trong lĩnh vực quản lý văn hóa chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi, ưu thế trong công việc.

PV: Để đáp ứng thời kỳ hội nhập sâu rộng của văn hóa nước nhà hiện nay, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã quan tâm đổi mới hoạt động dạy và học như thế nào?

PGS, TS Phạm Thị Thu Hương: Trước tiên phải có cơ sở vật chất đáp ứng tối thiểu hoạt động dạy và học. Được sự quan tâm đầu tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng với việc tiết kiệm chi, nhà trường đã đầu tư xây dựng, sửa chữa một số công trình khang trang, tạo ra môi trường xanh, sạch, đẹp. Điểm đáng chú ý là chuyên ngành nào có nhu cầu đều đã được đáp ứng phòng thực hành, như: Bảo tàng, du lịch, báo chí…; nhà trường cũng vừa khánh thành studio dành cho sinh viên ngành báo chí trị giá gần 1 tỷ đồng và 2 phòng thực hành cho sinh viên Khoa Du lịch đưa vào sử dụng.

Tiếp nối truyền thống dạy tốt học tốt, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội có cơ chế cấp kinh phí cho sinh viên nghiên cứu khoa học, để các em trở thành chủ nhiệm đề tài, đóng góp thực chất vào việc học. Mời các chuyên gia đầu ngành trong nước đến thỉnh giảng, mời các chuyên gia nước ngoài đang cư trú và công tác tại Việt Nam lên lớp, trao đổi kinh nghiệm.

Nhà trường chủ trương tăng cường thời gian thực hành cho sinh viên thông qua việc kết nối với nhiều cơ quan, để sinh viên sớm làm quen với công việc. Hiện nay, nhà trường trao đổi liên kết với Tập đoàn Vingroup để sinh viên nhiều ngành thực tập vừa học vừa làm, làm một cách thực sự, tạo lợi thế cho các em về công việc sau khi tốt nghiệp. Quan trọng hơn, nhà trường chủ động nắm bắt nhu cầu xã hội, để sinh viên tốt nghiệp đủ kỹ năng mà các cơ quan cần, không để sinh viên ra trường phải đào tạo lại.

PV: Bà có thể chia sẻ tầm nhìn về mô hình phát triển của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội?

PGS, TS Phạm Thị Thu Hương: Trường Đại học Văn hóa Hà Nội sẽ phát triển theo hướng là cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, được xếp hạng ngang tầm với các đại  học tiên tiến trong khu vực châu Á, trong đó có một số ngành và chuyên ngành được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học có uy tín trên thế giới.

PV: Xin trân trọng cảm bà!

TRẦN HOÀNG HOÀNG (thực hiện)