Báo cáo nhanh tại buổi họp báo chiều tối 27-6, sau khi kỳ thi kết thúc, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), khẳng định: “Kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Các điểm thi tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở nên tạo tâm thế thoải mái cho thí sinh, đồng thời không gây áp lực cho gia đình và toàn xã hội”.
Tính đến hết kỳ thi, tỷ lệ thí sinh tới dự thi THPT quốc gia năm nay đạt hơn 99% (môn: Ngữ văn: 99,6%; Toán 99,53%; Vật lí: 99,6%; Hóa học: 99,56%; Sinh học: 99,66%; Ngoại Ngữ: 99,59%; Lịch sử: 99,48%; Địa lý: 99,54%; Giáo dục công dân: 99,6%). Cho đến chiều 27-6, chưa thấy phản ánh hay ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức trong kỳ thi. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là cả nước vẫn còn 6 cán bộ coi thi bị đình chỉ và 79 thí sinh vi phạm phạm quy chế thi. Trong đó có 72 thí sinh bị đình chỉ thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi.
Đánh giá về hiệu quả của kỳ thi năm nay, ông Mai Văn Trinh cho rằng: Những đổi mới đã thể hiện rõ ở một số nét, như: Việc sắp xếp các thí sinh tự do, thí sinh các trung tâm giáo dục thường xuyên dự thi cùng thí sinh lớp 12 làm tăng sự giám sát của các thí sinh. Điều đó giúp cho tính trật tự, nghiêm túc được tăng lên. Vai trò của cán bộ công an từ khâu vận chuyển, in sao bảo quản đề thi được tăng cường đã tác động tích cực tới tính nghiêm túc của kỳ thi... Các điểm mới trong công tác chấm thi được triển khai tới đây chắc chắn cũng sẽ mang lại hiệu quả tích cực.
Mặc dù vẫn còn có những sai sót xảy ra ở một số điểm thi thi do lỗi của cán bộ coi thi, hay công tác in sao đề thi, như: Việc phát nhầm đề thi cho thí sinh, in thiếu đề thi dẫn đến thí sinh phải làm bài thi muộn giờ so với quy định... Tuy nhiên, các vấn đề này đều đã có những xử lý phù hợp, đúng với quy chế để bảo đảm kỳ thi vẫn diễn ra nghiêm túc và an toàn. Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng khẳng định: “Kỳ thi đã được tổ chức an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế!”
Ngay từ trước thời điểm ngày thi đầu tiên diễn ra, trong buổi kiểm tra tình hình chuẩn bị cho kỳ thi tại huyện Hoài Đức (Hà Nội), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã bày tỏ mong muốn các cấp, các ngành và người dân cùng tham gia kỳ thi với vai trò giám sát các khâu để kỳ thi diễn ra thực sự nghiêm túc, khách quan và trung thực. Rõ ràng, sự vào cuộc, phối hợp của chính quyền địa phương, người dân và cả xã hội chung tay với một kỳ “sát hạch” lớn của ngành giáo dục đã đem lại kết quá tích cực.
Điều này được nhận thấy rõ ở các địa phương miền núi phía Bắc, như: Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai... Tại các địa phương này, dù trong những ngày thi xảy ra mưa lũ cục bộ, song chính quyền đã phối hợp với người dân tổ chức phục vụ tại chỗ chu đáo cho các thí sinh và cán bộ coi thi. Tiêu biểu như tại tỉnh Lai Châu, địa phương đã lựa chọn phương án đặt điểm thi tại các trường học kiên cố có vị trí cao, ít bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Tất cả giám thị và thí sinh ở các điểm có nguy cơ mưa lũ đều được tập trung tại điểm thi và bố trí lực lượng nấu ăn tại chỗ. Nhiều người dân và các tình nguyện viên đã tham gia phục vụ nơi ăn nghỉ cho thí sinh và cán bộ coi thi. Trong các phương án tổ chức kỳ thi, mọi lực lượng từ công an, cứu hỏa, y tế cho đến lực lượng bảo đảm giao thông cũng được huy động túc trực, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong những ngày kỳ thi diễn ra.
Tại TP Hồ Chí Minh, trong thời gian diễn ra kỳ thi, Đoàn thanh niên, hội sinh viên đã bố trí lực lượng trực tiếp giúp đỡ, tiếp sức cho thí sinh và người nhà trong suốt 3 ngày của kỳ thi. Chương trình “Tiếp sức mùa thi” tại thành phố đã hỗ trợ gần 40.000 cẩm nang "Tiếp sức mùa thi", 20.000 chai nước tinh khiết, 11.000 bánh mì, 400 thùng mì ăn liền, 500 áo mưa... Hơn 8.000 sinh viên tình nguyện đã triển khai các nội dung hỗ trợ và cổ vũ cho thí sinh hiệu quả tại 111 điểm thi trên toàn thành phố.
Như vậy, với sự chung tay vào cuộc của cả xã hội, thành công bước đầu trong công tác tổ chức kỳ thi sẽ là cơ sở quan trọng để đánh giá hiệu quả của quá trình đổi mới giáo dục phổ thông trong giai đoạn hiện nay.
- "Sau khi công tác tổ chức kỳ thi kết thúc, quá trình chấm thi sẽ được tiến hành ngay. Năm nay, để bảo đảm tính chính xác, khách quan, công bằng và tránh các kẽ hở dẫn đến gian lận trong chấm thi, đáp án các môn thi sẽ không được công bố ngay mà sẽ được công bố cùng sau khi kết thúc quá trình chấm". (Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo)
- Dự kiến điểm thi sẽ được công bố vào ngày 11-7; công tác chấm phúc khảo được tiến hành từ ngày 11 đến 20-7; ngày 20-7, bắt đầu cấp giấy chứng nhận kết quả thi và giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT.
|
VĂN HÓA - KHOA AN