Đó chính là điểm nhấn, thu hút nhiều thí sinh tham gia Cuộc thi đua xe công nghệ mang tên HUS Racing, do Trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức. Tiếp nối những thành công bước đầu của các cuộc thi Open-RoboHUS được tổ chức hằng năm trước đó, cuộc thi HUS Racing 20202 lần này một trong những sân chơi ngoại khoá công nghệ bổ ích, phát triển tư duy và kỹ năng thực hành dành cho học sinh Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên (KHTN) và sinh viên Trường Đại học KHTN, tạo động lực cho học sinh, sinh viên học hỏi, cập nhật và thực hành các công nghệ mới.
 |
Trải qua đào tạo ngoại khóa cơ bản và nâng cao, Ban tổ chức đã lựa chọn ra 8 đội chơi tham dự vòng chung kết. |
Với thời gian thi đấu tối đa cho một lượt là 4 phút, hai đội đua điều khiển mô hình ô tô đua trên sân thi đấu có kích thước 3,6 x 6,2m với 2 đường đua song song, khiến cuộc đua trở nên vô cùng gay cấn và hấp dẫn. Để giành chiến thắng, xe không chỉ hoàn thành một vòng đua hoàn chỉnh với thời gian nhanh nhất, mà xe được thiết kế phải có chức năng xử lý ảnh, điều khiển động cơ để hoàn thành sa hình trong sân thi đấu của đội mình một cách hoàn toàn tự động. Điều đáng nói là với kích thước xe và nguồn điện theo quy định và board xử lý chính được Ban tổ chức phát cho mỗi đội có cấu hình bằng nhau, nhưng với kiến thức và kỹ năng được cung cấp, các đội có thể tự nâng cấp board xử lý cho xe của đội mình. Đây chính là chìa khóa tạo nên những kịch tính của cuộc thi.
Sau các vòng đua gay cấn và vô cùng hấp dẫn, giải Nhất đã thuộc về nhóm thí sinh Đặng Thị Phương Thúy, Phạm Vũ Thư và Phạm Thế Vũ, thuộc đội HUS 1. Chia sẻ về những trải nghiệm này, sinh viên Đặng Thị Phương Thúy, lớp K64A4 Máy tính và Khoa học thông tin hệ Chất lượng cao, Khoa Toán - Cơ - Tin học cho biết: “Cuộc thi là cơ hội để chúng em học hỏi những kiến thức mới về khoa học kỹ thuật, tự động hóa, lập trình. Đây là những trải nghiệm hoàn toàn mới mà bản thân chưa được thử sức trước đó. Cuộc thi cũng là nơi giúp chúng em thêm tự tin vào bản thân và ngày một yêu thích công nghệ và đặc biệt là chuyên ngành chúng em đã và đang theo đuổi”.
 |
Khâu quan trọng nhất là chính khâu điều chỉnh và sửa chữa lại lỗi code cho xe như tốc độ, ánh sáng môi trường, khả năng xử lý đường, xử lý biển báo của xe mỗi khi thay đổi môi trường hoạt động của xe. |
Trước một sân chơi mới mẻ, không chỉ đội của Thúy mà 7 đội còn lại cũng gặp phải khá nhiều khó khăn như thời gian, kiến thức lập trình còn hạn hẹp, xe chạy bị lệch và sai nhiều mỗi khi thay đổi môi trường hoạt động của xe... nhưng trên hết, dưới sự hướng dẫn và chỉ bảo tận tình của các thầy cô, cũng như các sinh viên khóa trước, các đội đã nhanh chóng trau dồi, sửa lại và lấp đầy những lỗ hổng thiếu sót để hoàn thành cuộc thi đầy thành công.
“Những năm học ở trường, Robotic và Công nghệ AI đến với em chỉ qua màn hình và sách vở, nhưng nhờ cuộc thi mà không riêng mình em mà nhiều các bạn khác đã có cơ hội trực tiếp làm ra sản phẩm của mình và tự hào về nó. Chắc chắn rằng trong tương lai trên ghế nhà trường chúng em sẽ không ngừng trau dồi kiến thức để có thể thực hiện những hoài bão mà cuộc thi này đã gieo vào trong chúng em”, sinh viên Nguyễn Thế Vinh, K62 Quốc tế Vật lý, đạt giải Nhì cuộc thi chia sẻ.
Yếu tố ấn tượng nhất của cuộc thi đối với Vinh chính là sự thay đổi bất ngờ về đường đi đến từ những chiếc xe, nên thí sinh cần phải có kỹ năng quan sát tỉ mỉ để đưa ra những thay đổi phù hợp cho từng vòng chơi. “Lập trình và sự chuẩn bị trước cho mọi tình huống là khâu quyết định hoàn thành bài thi và giành chiến thắng”, Vinh nhận xét.
Theo Phương Thúy và Thế Vinh, điều quan trọng nhất khi tham gia cuộc thi là phải có tinh thần đồng đội, niềm đam mê và sự kiên trì. Mỗi thành viên đều có những lợi thế riêng, chỉ có tinh thần đồng đội mới có thể kết nối những ưu điểm lại để trở thành một đội thi đầy vững mạnh. Do vậy, các bạn đều mong muốn sẽ có thật nhiều hơn nữa những sân chơi bổ ích như vậy để mỗi sinh viên có thể thử sức với các lĩnh vực mà bản thân có thể thỏa sức đam mê và sáng tạo.
 |
Ban tổ chức, các thầy cô và thí sinh tham gia cuộc thi. |
Chia sẻ về cuộc thi, GS,TS Lê Thanh Sơn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết: “Cuộc thi là sân chơi công nghệ đáp ứng yêu cầu 4.0. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - với sứ mệnh đào tạo, nghiên cứu khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng - luôn tạo điều kiện để sinh viên và học sinh của Nhà trường được tham gia những sân chơi bổ ích, phát triển tư duy và kỹ năng thực hành, nhằm mục tiêu hướng tới tương lai tốt đẹp hơn”.
Gắn bó với sân chơi công nghệ dành cho học sinh, sinh viên nhiều năm, TS Nguyễn Thị Minh Huyền, Khoa Toán – Cơ – Tin học chia sẻ: Từ nhiều năm nay Khoa Toán – Cơ – Tin học và Khoa Vật lý đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa cho sinh viên đam mê tìm hiểu công nghệ. Những năm trước có chuỗi Open RoboHUS không chỉ dành cho sinh viên trong trường mà mở với học sinh, sinh viên các trường khác cùng tham gia. Năm nay, do dịch Covid-19 nên cuộc thi chỉ được tổ chức trong khuôn khổ sinh viên và học sinh của trường.
"Tuy nhiên, đây lại là cơ hội cho các em sinh viên K65, đặc biệt là sinh viên 2 ngành “Khoa học Dữ liệu” và “Kỹ thuật điện tử và Tin học” mới mở năm nay, vừa mới nhập trường đã được vào sân chơi sôi động cùng các học sinh, sinh viên khác. Trước cuộc thi, cả thầy và trò cùng miệt mài chuẩn bị, tranh thủ mọi thời gian rỗi. Kết quả dù thắng hay thua, các em sinh viên cũng đã học được nhiều kiến thức, tích lũy được nhiều kinh nghiệm có ích", TS Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết thêm.
“Nhìn những chiếc ô tô nhỏ chạy trên đường đua, tưởng đơn giản, nhưng để “dạy” được ô tô chạy là cả vấn đề đòi hỏi sinh viên phải nắm được kiến thức đa dạng và giải được các bài toán phức tạp”, TS Phạm Nguyên Hải, Phó trưởng khoa Vật lý nhận xét và mong qua cuộc thi, các em sinh viên được học mà chơi, chơi mà học một cách bổ ích và lý thú.
Qua 3 lần tham gia đồng hành cùng nhà trường tổ chức cuộc thi HUS Racing, ông Nguyễn Trọng Đạt, Trưởng phòng Đào tạo, Công ty TNHH phần mềm 2NF cho biết: Qua quan sát, tôi thấy các em sinh viên đã thể hiện rất tốt. Để khiến những chiếc ô tô biết nhận diện biển báo, đi qua vòng xuyến là cả một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự vận dụng kiến thức tổng hợp, từ đó có những xử lý tối ưu. Công ty chúng tôi sẵn sàng tiếp tục đồng hành với Nhà trường trong các cuộc thi bổ ích như thế này.
Có thể thấy, việc tổ chức một sân chơi khoa học, công nghệ thành công cho thấy sức hút của một sân chơi đúng hướng mà các cấp lãnh đạo nhà trường, các đơn vị tuyển dụng, các nhà đồng hành đang thực hiện, với hy vọng từ những cuộc thi, các bạn học sinh, sinh viên có thể áp dụng kiến thức công nghệ mới nhất vào thực tiễn, tiếp cận gần hơn với các dự án ngoài thực tế.
Bài, ảnh: KHÁNH HÀ