Cô Chi cho biết rằng, trước đây, sử dụng học bạ giấy, giáo viên tốn nhiều thời gian để điền thông tin học bạ, cập nhật điểm, ký tay cho tất cả học bạ... Quá trình này phải làm rất tỉ mỉ vì chỉ sai sót chút thôi là khó điều chỉnh trong khi học bạ là giấy tờ rất quan trọng, liên quan đến cả quá trình học tập, rèn luyện trong nhiều năm của mỗi học sinh. Nhập liệu bằng học bạ số giúp cô không chỉ giảm hẳn phần áp lực này mà còn thuận tiện, rút ngắn thời gian nhập liệu nhờ sử dụng các câu lệnh máy tính.
 |
Học sinh Trường Tiểu học Nam Thành Công (quận Đống Đa) biểu diễn văn nghệ. Ảnh nhà trường cung cấp
|
Không chỉ thuận tiện cho giáo viên, các nhà quản lý cũng nhận được những lợi ích không nhỏ từ việc sử dụng học bạ số. Theo dõi, kiểm tra thông tin, điều chỉnh sai sót dễ dàng hơn so với học bạ truyền thống... là những thuận lợi học bạ số mang lại. Từ thực tế của trường mình, cô giáo Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Ngạc A (quận Bắc Từ Liêm) cho rằng: Học bạ được số hóa giúp nhà trường tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả quản lý. Trước đây, việc ký tên vào từng học bạ giấy mất nhiều thời gian cho cán bộ quản lý. Khi thực hiện số hóa, chỉ cần một cú nhấp chuột, hiệu trưởng có thể ký đồng loạt toàn bộ học bạ của học sinh trong trường.
Sau một năm thực hiện triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội cho biết: Hà Nội là đơn vị dẫn đầu toàn quốc về kết quả triển khai học bạ số cấp tiểu học. Tính đến ngày 31-7, số học bạ được ký số trên tổng số học sinh tiểu học đạt 97,6%. Phần trăm nhỏ chưa hoàn thành là do một số học sinh chưa hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tục rèn luyện trong dịp hè và sẽ hoàn thành ký số sau khi có kết quả rèn luyện bổ sung.
Được biết, để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi từ học bạ giấy truyền thống sang học bạ số một cách đồng bộ trên tất cả hơn 800 trường tiểu học trên địa bàn thành phố, trước đó, Hà Nội đã chuẩn bị khá chu đáo. 100% trường tiểu học được trang bị đầy đủ máy tính kết nối internet, có cán bộ vận hành hệ thống quản lý giáo dục chuyên ngành và cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo; 100% hồ sơ học sinh được gắn mã số định danh duy nhất, xuyên suốt trong quá trình học tập, sẵn sàng về dữ liệu để triển khai học bạ số; 100% giáo viên, nhân viên đều có kinh nghiệm, trình độ công nghệ sử dụng hệ thống quản lý thông tin giáo dục chuyên ngành.
Tuy vậy, theo ông Trần Thế Cương quá trình thí điểm còn một số khó khăn như phát sinh chi phí về hạ tầng thiết bị, lưu trữ và vận hành hệ thống dữ liệu học bạ số; giáo viên phải sử dụng điện thoại, thiết bị của cá nhân để cài đặt phần mềm quản lý chữ ký số; giáo viên ở một số đơn vị phải tự chi trả kinh phí duy trì dịch vụ ký số... Hà Nội sẽ tiếp tục tìm cách khắc phục khó khăn và triển khai học bạ điện tử ở những cấp học khác, từng bước góp phần xây dựng các trường học thông minh của Thủ đô.
CHÂU LINH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.