Với 4 mẫu trồng rau xen lẫn cây ăn quả, dù đã ở tuổi “thất thập” nhưng ông Trần Văn Báu ở thôn Hà Thanh vẫn nhạy bén với công nghệ. Lắp đặt camera tại khu vực trồng rau cùng một mã QR gắn công khai trước cổng nhà, khách đến mua hàng chỉ việc dùng điện thoại thông minh quét mã sẽ biết được đầy đủ thông tin về loại cây trồng, quy trình chăm sóc vườn của gia đình ông.
Ông Báu chia sẻ: “Mã QR này để tôi bán sản phẩm, khi họ quét vào là biết diện tích vườn, các loại cây trồng, quy trình chăm sóc, bón phân cho cây và công tác vệ sinh môi trường, rau nhà này có sạch hay không. Tôi có cái điện thoại thông minh, nhờ có công nghệ thông minh mà người già như tôi tiếp nhận thông tin rất nhanh”.
 |
Người dân quét mã QR tìm hiểu thông tin đường đi tại thôn Hà Thanh, xã Tượng Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh).
|
Đặc biệt, khi các hộ có sản phẩm như rau, củ, quả hoặc con gà, quả trứng... muốn bán, bà con chỉ cần chụp ảnh, quay video, khai báo số lượng và nhập vào hệ thống Zalo chung của toàn thôn thì người cần mua hoặc người quản lý các hợp tác xã sẽ biết để thu mua hoặc giới thiệu trên sàn thương mại điện tử. Nhờ được giám sát, nông sản của người dân trong thôn luôn bảo đảm chất lượng, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng và có thể dễ dàng tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.
Ông Hoàng Thanh Tam, người dân ở thôn Hà Thanh cho biết thêm: “Từ ngày triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông minh, công việc trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn nhiều. Không chỉ vậy, phong cách làm việc cũng mới mẻ, hiện đại hơn, hiệu quả công việc cũng tăng lên nhiều lần”.
Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Trưởng thôn Hà Thanh, không chỉ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, công nghệ thông minh còn giúp người sản xuất dự báo tình hình thời tiết trong thời gian ngắn nhờ công nghệ mô phỏng giọng nói đang được áp dụng tại thôn. Thông qua một ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh, người dân chỉ cần mở ứng dụng và hỏi tình hình thời tiết là sẽ có được thông tin đầy đủ. Công nghệ này có thể dự báo thời tiết trong 3 ngày, hoàn toàn tự động, thông tin khá chính xác. Người dân trong thôn dựa vào đó để chủ động được thời điểm bón phân, xuống giống, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Để các hệ thống công nghệ thông minh hoạt động trôi chảy, toàn thôn Hà Thanh hiện được phủ sóng wifi miễn phí. Với việc được kết nối wifi, hệ thống camera an ninh trên địa bàn hoạt động 24/24 giờ giúp bảo đảm an toàn, trật tự trên địa bàn thôn. Cùng với đó, người dân có thể tương tác, trao đổi, phản ánh các thông tin bổ ích về khoa học kỹ thuật, cơ chế, chính sách...; đồng thời kết nối, hỗ trợ nhau trong sản xuất và đời sống.
Ông Dương Kim Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Tượng Sơn cho biết: “Lĩnh vực kinh tế số cũng được triển khai khá sâu khi sản phẩm OCOP của xã được lên sàn thương mại điện tử postmart.vn tại địa chỉ: postmart.com.vn. Xã cũng đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn và nâng tỷ lệ người dân thanh toán các chi phí sinh hoạt như điện, nước, thuế, bảo hiểm... trên các ứng dụng số của ngân hàng”.
Với nhiều tiện ích thiết thực đã được thể hiện trong cuộc sống ở thôn Hà Thanh, tỉnh Hà Tĩnh dự kiến sẽ tiếp tục nhân rộng thêm những mô hình ứng dụng công nghệ thông minh tại các huyện, thành phố, thị xã. Hiện người dân đang rất “say” với chuyển đổi số, công nghệ thông minh đang và sẽ thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân Hà Tĩnh trong thời gian tới.
Bài và ảnh: ĐÌNH TRUNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.