Ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố tích cực phối hợp với các ngành liên quan giám sát, hướng dẫn các trường tăng cường chống dịch, linh hoạt các phương pháp giảng dạy, tạo điều kiện tốt nhất để học sinh được học tập.

An toàn chống dịch là ưu tiên hàng đầu

Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, TP Hồ Chí Minh ghi nhận tình hình mắc Covid-19 của học sinh đang tăng cao. Trong đó, cao nhất là tuần lễ từ ngày 14 đến 20-2 với gần 6.800 ca F0.

Bên cạnh đó, khối tiểu học bị mắc Covid-19 nhiều nhất với gần 40% trường hợp. Dù các trường học đã lên nhiều kịch bản ứng phó với dịch Covid-19 khi đón học sinh đi học trở lại nhưng với số ca F0 nhiều khiến các trường phải tập trung mọi nguồn lực để vừa chống dịch, vừa bảo đảm an toàn tốt nhất cho học sinh.

Các trường học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tăng cường kiểm soát thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn cho học sinh trước khi vào lớp. 

Theo đồng chí Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, nếu trong cùng một ngày, lớp học xuất hiện từ 2 ca F0 trở lên thì Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của cơ sở giáo dục sẽ căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ quyết định hình thức học tập tiếp theo của lớp.

Bên cạnh đó, nếu cùng một ngày, trường học xuất hiện từ 2 lớp có F0 trở lên thì Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp quận, huyện căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định hình thức học tập tiếp theo của trường là trực tiếp hay trực tuyến.

Cũng theo đồng chí Trịnh Duy Trọng, ngành Giáo dục và Đào tạo lưu ý các trường chú ý thêm đối với những học sinh có giao lưu tiếp xúc với nhau diện rộng, có bệnh nền, béo phì, là đối tượng chống chỉ định tiêm vắc xin Covid-19… Như vậy, không phải cứ xuất hiện nhiều hơn 2 ca F0 trong một lớp học thì nhà trường phải chuyển qua học trực tuyến, mà phụ thuộc vào kết quả điều tra dịch tễ, tình hình thực tế tại cơ sở giáo dục.

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã điều chỉnh linh hoạt các phương án dạy và học để bảo đảm sức khỏe tối ưu nhất cho học sinh. Chẳng hạn, tại Trường Trung học Cơ sở Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh) chia các khung giờ và khu vực ăn khác nhau cho từng khối lớp thay vì tập trung một khung giờ như trước. Học sinh F0 được miễn học online các môn như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục… để có thời gian nghỉ ngơi thêm.

Một số trường học khác thì công khai sơ đồ chỗ ngồi của tất cả học sinh trong lớp đến phụ huynh để giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh dễ dàng xác định các trường hợp tiếp xúc gần F0 theo phạm vi từng nhóm nhỏ. Các học sinh là F1 sẽ được nghỉ học, ở nhà theo dõi sức khỏe, những học sinh còn lại tiếp tục học trực tiếp. Một số trường cũng triển khai mô hình Tổ phòng, chống Covid-19 do học sinh tự quản trong các lớp học. Đồng chí Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố nhấn mạnh rằng: “Trong quá trình điều tra dịch tễ và đánh giá tình hình, các trường học cần xác định đúng đối tượng F0, F1 nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi cho học sinh, đưa ra kịch bản dạy học linh hoạt, phù hợp nhất”.

Khối lớp mầm non luôn được sự quan tâm hàng đầu của ngành Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh trong bảo đảm an toàn trước dịch bệnh. 

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch, kiến nghị chung của các trường học trên địa bàn thành phố là việc mua kit test nhanh, dung dịch khử khuẩn... đã tốn nhiều chi phí. Cô Vũ Đỗ Thúy Hiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi thơ 7 (Quận 3) mong rằng các cấp cần có thêm cơ chế về xã hội hóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho các trường trong công tác phòng dịch. Tương tự, thầy Mai Quang Phương, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (Quận 3) cho biết toàn bộ chi phí mua kit test, dung dịch khử khuẩn, máy đo nhiệt độ đều trích từ kinh phí chi thường xuyên trong khi các trường chỉ mới đón học sinh trở lại nên gặp khó khăn trong chi phí bảo đảm cơ sở vật chất trong phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, việc giáo viên phải dạy luân phiên lớp trực tuyến xen kẽ lớp học trực tiếp đòi hỏi các điều kiện đi kèm như bố trí thiết bị dạy học ngay tại trường.  

Tạo điều kiện tối đa để học sinh đến trường

Từ ngày 1-3, TP Hồ Chí Minh chính thức đón thêm trẻ dưới 3 tuổi trở lại trường học. Đây là nhóm trẻ cuối cùng trở lại trường học sau khi học sinh mẫu giáo (từ 3-5 tuổi), tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đã trở lại trường trước đó. Hiện nay, các trường tiểu học bắt đầu cho học sinh khối lớp 1, 2 kiểm tra cuối học kỳ I sau thời gian dài học trực tuyến. Đối với học sinh diện F0, F1 chưa thể tham gia kiểm tra, các trường sẽ bố trí kiểm tra bổ sung trong thời gian phù hợp.

 Trường Tiểu học Kim Đồng, quận Gò Vấp diễn tập xử lý tình huống phát hiện có trường hợp học sinh là F0.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, tuy số lượng ca mắc Covid-19 trong học sinh tăng nhưng hầu hết ca nhiễm đều không chuyển biến nặng. Liên quan đến vấn đề xét nghiệm, Phó giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, nhà trường phải tiếp nhận ngay học sinh đã khỏi bệnh và đối tượng F1 đã đủ thời gian cách ly đến lớp. Việc yêu cầu học sinh phải xét nghiệm RT-PCR để khẳng định âm tính là không cần thiết.

Từ chiều ngày 2-3, Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã có chỉ đạo khẩn về việc điều chỉnh một số nội dung trong quy trình xử trí khi phát hiện trường hợp F0 tại cơ sở giáo dục, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh là F1 đi học trực tiếp sau khi hoàn thành cách ly y tế tại nhà. Cụ thể, nếu lớp học có F0 thì chỉ các trường hợp có triệu chứng nghi mắc bệnh mới phải xét nghiệm. Trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở y tế phối hợp cơ sở giáo dục tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên (hoặc xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn) cho những trường hợp học sinh và giáo viên có triệu chứng nghi mắc Covid-19 (nếu có) của lớp có F0.

Về xét nghiệm đối với trường hợp F1 sau khi hoàn thành cách ly y tế tại nhà, phụ huynh tự thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho học sinh vào ngày thứ 5 cách ly nếu đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc ngày thứ 7 nếu chưa tiêm đủ vắc xin. Phụ huynh thông báo kết quả xét nghiệm cho giáo viên chủ nhiệm lớp bằng cách gửi hình ảnh kết quả xét nghiệm.

Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo quyết liệt, tạo điều kiện tốt nhất để học sinh được học tập. 

Đối với trường hợp phụ huynh không có điều kiện thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho học sinh tại nhà, có thể đưa học sinh đến trạm y tế để nhân viên y tế thực hiện. Sau đó, phụ huynh hoặc nhân viên trạm y tế thông báo kết quả xét nghiệm cho giáo viên chủ nhiệm. Kết quả xét nghiệm âm tính gửi đến giáo viên chủ nhiệm được xem như đủ điều kiện cho học sinh quay trở lại trường học. Đối với việc theo dõi sức khỏe của các học sinh trong lớp có F0, cơ sở giáo dục phải lập danh sách học sinh thuộc nhóm nguy cơ (béo phì, mắc các bệnh mạn tính, bệnh lý bẩm sinh... ) để theo dõi trong vòng 10 ngày.

Đồng chí Dương Anh Đức, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân Thành phố, không được yêu cầu phụ huynh thực hiện thêm các xét nghiệm không cần thiết. Ngành Giáo dục và Đào tạo phải chủ động phối hợp với Sở Y tế, Ủy ban Nhân dân TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp, quy định về phòng, chống dịch và quy trình xử trí khi có F0 trong trường học. 

Bài, ảnh: HỒNG GIANG