Chậm công bố kết quả chọn SGK đồng nghĩa với một loạt công việc chuẩn bị cho năm học mới có thể bị ảnh hưởng.

Nhiều địa phương chậm tiến độ chọn sách

Theo quy định tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu trước ngày 10-4, các tỉnh, thành phố trong cả nước phải báo cáo danh mục SGK lựa chọn về Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, hiện nay khá nhiều địa phương chưa chốt được danh mục sách. Lý giải cho việc này, nhiều nơi cho rằng do đội ngũ giáo viên vừa thực hiện giảng dạy, vừa nghiên cứu nhiều đầu sách, tham gia công tác chuyên môn khác, tham gia tập huấn các mô đun triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh đó, một số nơi nhân sự lãnh đạo bị xáo trộn khiến thời gian đề xuất được danh mục SGK kéo dài hơn dự kiến.

Giáo viên Trường THCS Nhật Tân thảo luận chọn SGK lớp 6. Ảnh: Nguyễn Hoài 

Tại Thái Bình, các cơ sở giáo dục vừa hoàn tất khâu lựa chọn, đề xuất danh mục SGK. Sở GD&ĐT đã đề xuất lên UBND tỉnh danh sách thành viên hội đồng lựa chọn SGK. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, các hội đồng sẽ tiến hành các bước lựa chọn SGK theo hướng dẫn tại Thông tư số 25. Dựa vào kết quả tổng hợp từ các hội đồng, UBND tỉnh quyết định phê duyệt danh mục SGK để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương. Như vậy, phải đến cuối tháng 4, đầu tháng 5, địa phương mới hoàn thành việc chọn sách. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình khẳng định sẽ bảo đảm việc cung ứng đủ SGK trước năm học mới và công tác tập huấn dự kiến hoàn thành trước ngày 15-7. Tình trạng này cũng tương tự ở Hưng Yên, Hà Tĩnh, Thanh Hóa...

Cách đây vài ngày, Hà Nội đã công bố danh mục SGK lớp 2 và lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2021-2022 trên địa bàn. Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho biết: Hà Nội có hơn 800 trường tiểu học và gần 700 trường trung học cơ sở, việc phân tích lựa chọn, tập hợp ý kiến từ các trường cần thời gian dài hơn địa phương khác. Sở đã tham mưu với thành phố thành lập hội đồng từng môn. Mỗi hội đồng có từ 12 đến 16 thành viên, tất cả thành viên được nghiên cứu tài liệu từ 7 đến 10 ngày. Hội đồng đọc, phân tích và lựa chọn bằng phiếu kín; sách nào được hơn 50% số phiếu chọn thì đưa vào danh mục trình thành phố phê duyệt. Hiện sở đang soạn công văn gửi các phòng GD&ĐT để lên kế hoạch tập huấn cho giáo viên.

Ông Phạm Xuân Tiến cũng khẳng định danh mục sách được lựa chọn không tập trung vào một bộ sách. Hà Nội chọn 19 cuốn của 9 môn học và hoạt động giáo dục trong danh mục SGK lớp 2 mới. Về SGK lớp 6, UBND TP Hà Nội cũng đã phê duyệt danh mục gồm 28 cuốn cho 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc.

Chậm liệu có chắc?

Theo kế hoạch, việc chọn SGK tại địa phương được yêu cầu hoàn thành trước khai giảng năm học mới 5 tháng để bảo đảm tiến độ, chất lượng các khâu in ấn, phát hành, tập huấn giáo viên. Việc nhiều địa phương chậm công bố kết quả chọn sách sẽ khiến giáo viên, phụ huynh thiếu thông tin; các đơn vị in ấn, xuất bản cũng bị động trong việc biên soạn, in ấn, phát hành. Trong khi đó, điều mà nhiều phụ huynh học sinh quan tâm là tiến độ chọn sách chậm như vậy liệu có chắc, có tránh được những “hạt sạn” không đáng có như đã xảy ra và từng gây bức xúc dư luận? Nhiều người lo ngại thời gian làm quen, tập huấn sử dụng SGK mới cho giáo viên nếu bị rút ngắn có thể gây khó cho đội ngũ giáo viên trong việc triển khai bộ sách vào giảng dạy trong năm học tới, và tất nhiên học sinh sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng.

Trước những băn khoăn về việc làm sao để “nhặt sạn” những bộ SGK mới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, điểm mới năm nay là dù SGK đã được phê duyệt, nhưng nếu giáo viên các trường thấy có điểm không phù hợp, những vấn đề khiến giáo viên, học sinh gặp khó khăn trong quá trình thực hiện, Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu các đơn vị xuất bản giải thích hoặc điều chỉnh nếu cần thiết. Điều này sẽ tránh được tình trạng bước vào năm học, sách được sử dụng mới nảy sinh những vấn đề như đã xảy ra với SGK lớp 1 năm ngoái.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh việc tuyệt đối không bố trí giáo viên đứng lớp khi chưa được bồi dưỡng. Nếu xảy ra tình trạng này thì trách nhiệm thuộc về giám đốc sở GD&ĐT. Năm nay, để tránh những sai sót, việc tập huấn giáo viên sử dụng sách được đặc biệt chú ý. Hiện các địa phương đang bồi dưỡng giáo viên phương pháp dạy học và đánh giá học sinh. Ông Trần Tuấn Khanh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang cho hay: An Giang đã hoàn thành việc chọn SGK và đang triển khai các công đoạn tiếp theo. Trong đó, tập hợp số lượng sách cơ sở đăng ký để nhà xuất bản in ấn; liên hệ với nhà xuất bản lên kế hoạch tập huấn giáo viên sử dụng SGK. An Giang triển khai công việc theo tinh thần giáo viên phải được tập huấn đầy đủ, thông suốt về nội dung chương trình, cách khai thác sử dụng sách để triển khai tốt nhất chương trình, SGK mới.  

KHÁNH HÀ