Không chỉ là một cách nói văn vần, xuôi tai, dễ nhớ, dễ hiểu, lời khuyên dạy “Học ăn, học nói, học gói, học mở” của ông cha ta đã trở thành một trong những phương châm ứng xử hay nhất và có giá trị vượt thời gian.

Ăn là bản năng tự nhiên để duy trì sự tồn tại của con người. Nhưng ăn gì, ăn như thế nào, ăn làm sao để có văn hóa, mới thể hiện là người lịch thiệp trong ăn uống. Thuở còn túng thiếu, ông cha có câu “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” hàm ý nhắc nhở mọi người cần thể hiện tư thế ăn uống đúng mực, phong cách ăn uống tế nhị, trông trước nhìn sau, kính trên nhường dưới để không trở thành kẻ phàm ăn tục uống. Thời nay cuộc sống vật chất no đủ hơn, song việc ăn uống sao cho lịch sự, văn minh, điều độ vẫn là một nét đẹp làm nên văn hóa ứng xử của con người. Thế nên, học ăn thực chất là một trong những cách học làm người ngày càng có văn hóa hơn.

Nói là sự phát ra âm thanh từ miệng để truyền đạt, thông báo, trao đổi nhằm giao tiếp, giao lưu giữa con người với nhau. Xưa nay từng đúc kết, những lời hay, ý đẹp, nhã nhặn, tinh tế, nói đúng lúc, đúng chỗ, đúng hoàn cảnh giao tiếp, làm vừa lòng người nghe, góp phần làm trong lành môi trường văn hóa giao tiếp là “lời nói, gói vàng”. Còn những lời nói tục, nói bậy, gặp đâu nói đấy, nói không suy nghĩ là kiểu nói năng “đầu đường xó chợ”! Đối với âm thanh phát ra bởi những từ ngữ xỏ xiên, chua cay, thâm độc, làm tổn thương, đau lòng người nghe là “lời nói, đọi máu”. Ngoại trừ bị câm điếc, còn ai cũng có thể nói được. Nhưng sự khác biệt giữa người này với người khác đôi khi chỉ là lời nói có văn hóa hay không. Thế nên, đâu chỉ đứa trẻ tập tọe học nói để có thể giao tiếp với người lớn, mà con người phải học nói cả đời, bởi nói năng là một phần thiết yếu làm nên văn hóa ứng xử.

“Gói, mở” không đơn thuần là động tác “gói”, “mở” những quà tặng, vật dụng sinh hoạt, mà ý nghĩa sâu xa hơn, đó còn là thể hiện cách làm sao cho khéo léo, linh hoạt, sáng tạo; là cách ứng xử uyển chuyển, phù hợp với diễn biến muôn hình vạn trạng tình huống, hoàn cảnh trong cuộc sống; đó cũng là cách đối đáp, đền ơn, trả nghĩa sao cho có trước có sau, có đầu có cuối, vì một người khôn ngoan ngoài khả năng biết “gói” đúng lúc, cũng phải biết cách “mở” đúng chỗ, biết cân đối hài hòa giữa nhận và cho, giữa cống hiến, hy sinh và thụ hưởng. Thế nên, việc “học gói, học mở” của con người suy cho cùng cũng là một cách rèn luyện kỹ năng làm việc khéo léo và một cách bồi đắp kỹ năng sống tích cực, nhân văn.

Chưa khi nào mà học sinh lại có cuộc sống sung túc như hiện nay, nhất là học sinh ở khu vực đô thị. Điều kiện sinh hoạt, ăn ở, đi lại, giao lưu của các em thời nay thoải mái hơn thế hệ cha anh rất nhiều. Nhưng mặt trái của xã hội hiện đại và thời đại công nghệ số đã khiến nhiều học trò đang tự “co cụm” bản thân trong một “cái tôi” đơn giản, thờ ơ. Đơn giản trong suy nghĩ. Đơn giản trong nói năng. Thờ ơ với chính mình. Thờ ơ với cả những gì đang diễn ra xung quanh mình. Bởi vậy, nhiều em ít quan tâm, thậm chí không bao giờ để ý tới việc “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Đó cũng là lý do giải thích vì sao nhiều học sinh chỉ giỏi kiến thức trong sách vở, nhưng lại vừa yếu, vừa thiếu những kỹ năng cần thiết về ứng xử, về giải quyết tình huống có vấn đề trong cuộc sống thường ngày.

Muốn trở thành một học sinh tiến bộ toàn diện, không thể không bắt đầu “Học ăn, học nói, học gói, học mở” từ những điều nhỏ nhất, vì đó là những “sợi tơ” góp phần dệt nên “tấm thảm” văn hóa làm đẹp nhân cách các em. Nhưng để làm được việc này, từ các bậc phụ huynh đến các thầy cô giáo và các tổ chức đoàn, đội phải trở thành điểm tựa, “bệ đỡ” vững chắc để học trò biết “quay tơ dệt vải” thêu nên “tấm thảm” đó!

THIỆN VĂN