Sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Với chức năng quản lý Nhà nước về đổi mới sáng tạo, quy định tại Nghị định số 28/2023/NĐ-CP ngày 2-6-2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ KHCN, công tác xây dựng, hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về đổi mới sáng tạo đã và đang được Bộ này tích cực triển khai.

Sau hơn 10 năm đi vào cuộc sống, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, văn bản pháp luật quan trọng nhất của ngành Khoa học và Công nghệ, được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ năm, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014, đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản và quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ.

Theo Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt, Luật được ban hành trong bối cảnh đất nước ta mới trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chưa lâu. Các chủ thể tham gia hoạt động khoa học và công nghệ chủ yếu đến từ khu vực viện nghiên cứu, trường đại học công lập. Hoạt động đổi mới, ứng dụng công nghệ, thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ, nhất là trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh tuy đã được quan tâm, nhưng chưa trở thành xu thế phổ biến.

Vấn đề liên quan tới doanh nghiệp - chủ thể quan trọng nhất trong hoạt động đổi mới sáng tạo - ứng dụng, thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mới, tạo ra giá trị gia tăng và của cải, vật chất cho xã hội, dù đã được đề cập trong Luật nhưng mới chỉ dừng ở nguyên tắc chung.

Sau hơn 10 năm triển khai, bối cảnh trong nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi, tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Luật được ban hành từ năm 2013, nên không thể tránh khỏi việc chưa cập nhật được những vấn đề mới, khi khoa học công nghệ trong nước và thế giới phát triển quá nhanh, nhất là trong khoảng 5 năm gần đây. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Ảnh minh họa/qdnd.vn 

Bên cạnh đó, Nghị định số 28/2023/NĐ-CP ngày 2-6-2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ KHCN nêu rõ: Bộ KHCN là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà Nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bao gồm: Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân; quản lý Nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc Bộ quản lý theo quy định của pháp luật. Lần đầu tiên, một văn bản chính sách pháp luật quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Bộ KHCN đối với lĩnh vực đổi mới sáng tạo.

Đổi mới sáng tạo quốc gia cần theo hướng lấy doanh nghiệp là trung tâm

Trong Tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ do Bộ KHCN đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, Bộ đã đề nghị một số nội dung, chính sách liên quan đến lĩnh vực đổi mới sáng tạo, như: Sửa đổi, bổ sung quy định về đầu tư, tài chính phục vụ phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đối với thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, mục tiêu của chính sách nhằm thể chế hóa các định hướng của Đảng, chính sách Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tạo hành lang pháp lý cho thử nghiệm chính sách mới trong nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Cùng với đó, sửa đổi thuật ngữ “đổi mới sáng tạo”; bổ sung các thuật ngữ liên quan đến “đổi mới sáng tạo” và các điều quy định chung về chính sách phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; bổ sung quy định về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các khu dịch vụ tập trung, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

Theo Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Thế Duy, quá trình xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) cần chú trọng việc mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Luật theo hướng: Bổ sung hoạt động đổi mới sáng tạo và đối tượng tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo (thực chất là các hoạt động thúc đẩy ứng dụng, thương mại hóa, biến kết quả khoa học và công nghệ thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mới, mang lại giá trị gia tăng cho đời sống, xã hội, người dân).

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng cho rằng, việc chuyển dịch hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia cần theo hướng thực sự lấy doanh nghiệp là trung tâm, viện, trường là chủ thể nghiên cứu mạnh, đi đôi với việc tái cân đối nguồn lực cả từ ngân sách Nhà nước và nguồn lực xã hội, đủ để thực hiện có hiệu quả định hướng chính sách này. Đồng thời, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo thuận lợi, hấp dẫn hơn, cạnh tranh được với khu vực và quốc tế, có năng lực thúc đẩy kết nối, hợp tác đối tác mạnh hơn ở trong nước và với các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động khác trên thế giới, đạt mục tiêu khuyến khích sự ra đời và phát triển mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thế hệ mới, dựa trên công nghệ, có tiềm năng tăng trưởng nhanh, khẳng định được vị trí trên thị trường trong nước và vươn ra quốc tế, có thể trở thành các doanh nghiệp trưởng thành lớn mạnh trong tương lai.

Điển hình là việc Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ KHCN) phối hợp Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) tổ chức Lễ ký kết Kế hoạch phối hợp thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Kế hoạch nêu rõ nhiệm vụ quản lý hoạt động đổi mới sáng tạo; xây dựng, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển đổi mới sáng tạo, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và huy động các nguồn lực đầu tư cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo.

Có thể thấy, việc hoàn thiện hành lang pháp lý về đổi mới sáng tạo sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với xu thế thời đại, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia ngày càng phát triển mạnh mẽ.

MAI HẰNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.